• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tự hào giá trị nhân văn Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

Thứ bảy - 19/11/2022 08:39

     Dân tộc ta vốn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.
      Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam trở thành một nét đẹp văn hóa đặc biệt, là những giá trị vĩnh hằng trong tâm thức, trong quan niệm, trong đạo lí của mọi thời đại và tôn sư trọng đạo là một trong các giá trị đó. Nhân văn là tư tưởng và là lẽ sống được các thế hệ cha ông  truyền dạy. Các Thầy, cô giáo được nhân dân yêu quí và đặt trọn niềm tin.
     Trong xã hội xưa, vị trí người thầy đã được đặt rất cao. Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị xét theo cấu trúc “Quân – Sư – phụ”  nhà giáo được xếp dưới vua nhưng trên cha mẹ. Ca dao cũng có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Trong chế độ mới, người thầy được tôn vinh là: “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là: “Nghề cao quy nhất trong những nghề cao quý, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Ngày nay có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác – những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản ngại khó khăn, gian khổ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Những người thầy ấy luôn được coi trọng. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi người chúng ta. Được coi trọng như vậy bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực. Không những nắm đạo lý mà người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là các thế hệ học trò của mình, giúp cho họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho đất nước.
Trên đất nước này, đến đâu khi nói đến người thầy, nhân dân thường nghĩ đến các thầy cô giáo. Chắc hẳn với đồng lương ít ỏi, người thầy không mang đến lợi ích vật chất cho ai, nhưng tại sao nhân dân yêu quí, bà con quí mến; Nhà giáo vì sống ân tình, gần gũi, đồng cảm và gieo được ước mơ trong mỗi con người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhiều thế hệ thầy cô giáo đã xả thân khi Tổ quốc cần đến. Nhiều thế hệ thầy cô giáo đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho vùng cao, nơi khó khăn nhất, nhiều người đã ở lại với bản làng xa xôi để gieo mầm con chữ, nhân văn trong thời bình là quên mình vì nghĩa cử cao đẹp. Nhân văn là gốc rễ của đoàn kết trong ngành giáo dục đầy tự hào của chúng ta.
       Lao động hết mình vượt qua khó khăn vì chuyên môn là một nét đẹp truyền thống của các Thầy, Cô giáo trong sự nghiệp "trồng người". Khó mà tưởng tưởng được sức làm việc của các thế hệ thầy cô giáo, từ những ngày chiến tranh, trong thời bao cấp. Dù trong hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo cũng luôn nỗ lực hết mình vì một bài giảng hay và ý nghĩa. Từ khi đổi mới đến nay, với những điều kiện thuận lợi và cơ hội mở rộng giao lưu, đội ngũ thầy cô giáo đã tận dụng mọi cơ hội tốt để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm chuẩn bị cho một bước chuyển mình của nhà trường.
     Tự học, tự đào tạo là nhu cầu tự thân của các thầy cô nhà trường, là truyền thống vô cùng tốt đẹp của các thầy cô giáo trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Tự học, tự đào tạo như là phản xạ tự nhiên của những người ham hiểu biết, như là nhu cầu tất yếu của những người muốn vươn lên.
     Cùng với những bước tiến của nhân loại tiến bộ, từ năm 1946, để tôn vinh những đóng góp to lớn đội ngũ các nhà giáo cho sự tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã liên tục tổ chức nhiều Hội nghị quốc tế nhằm đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục hiện đại, bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo; đề cao trách nhiệm, vị trí của nghề dạy học và của những người được xã hội tôn vinh là những người thầy. Năm 1958, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đã tham gia ký kết văn bản, cùng với giáo giới trên toàn cầu quyết định lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Ngày 28 tháng 9 năm 1982,  Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là "Ngày nhà giáo Việt Nam". Kể từ đó đến nay, ngày 20 tháng 11 hàng năm đã trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam, là ngày lễ của các thầy, cô giáo và cũng là ngày mà những ai từng là học sinh, sinh viên, học viên trên mọi miền của Tổ quốc  thể hiện sự thành kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy, cô giáo - những người đã trang bị cho mỗi chúng ta hành trang về đạo đức làm người, về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để sống, lao động, học tập và cống hiến cho đất nước.
     Trước yêu cầu của thời đại mới, đổi mới giáo dục - đào tạo là mệnh lệnh của cuộc sống. Một đất nước muốn phát triển bền vững phải có một nền giáo dục phát triển. Trung ương đã có nghị quyết về đổi mới giáo dục. Trước mắt chúng ta là thách thức và cơ hội. Thách thức lớn nhất là có vượt qua được chính mình hay không. Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách đối với giáo dục, đối với nhà giáo, nhưng từ một nền kinh tế khó khăn, cuộc sống của người thầy chưa cải thiện được nhiều, lao động của người thầy chưa được đánh giá một cách đúng mức nhất. Mặt trái của kinh tế thị trường ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến phẩm giá của người thầy, tác động tiêu cực đến quan niệm xã hội về hình ảnh người thầy. Chúng ta đang đối diện với những đòi hỏi đổi mới. Trong đó năng lực của người học, vấn đề phát triển cá nhân đang được chú trọng. Vị thế của giáo dục – đào tạo không cho phép chúng ta bình chân được. Sự chuẩn mực cũng không cho phép người Thầy vội vã. Khó khăn rất nhiều nhưng đây cũng là cơ hội lớn.  Đảng, Nhà nước và nhân dân đang kỳ vọng vào sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.   
     Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày nhà giáo Việt nam 20/11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng tôn vinh công lao cao cả đối với nhà giáo, chúng ta ai cũng có một niềm tin yêu của một thời thơ ấu tuổi học trò, những tâm hồn trong trắng tuổi học trò cũng đang suy nghĩ về thầy cô kính mến của mình với lòng biết ơn sâu đậm và niềm tôn kính trang trọng. Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” bởi người thầy đã góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời kỳ, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai dân tộc./.

ThS. Bế Dũng
Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.