• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Quan điểm về lực lượng cách mạng của Hồ Chí Minh trong tác phẩm đường cách mệnh, ý nghĩa đối với Cách mạng việt nam

Thứ ba - 24/10/2023 16:42

     Tác Phẩm Đường Cách mệnh (1927) là tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925-1927, được bộ tuyên truyền Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên và tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin cho phong trào cách mạng Việt Nam.
     Trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đã đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam, như: xác định chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, kinh nghiệm của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới để vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng, ... trong đó Người chỉ rõ lực lượng của cách mạng. Người cho rằng, lực lược cách mạng là “ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết... công nông bị áp bức nặng hơn, công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết”[1], “cho nên công nông là gốc cách mệnh, ... còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”[2].
     Có thể nói, Hồ Chí Minh xác định lực lượng cách mạng dựa vào tiêu chí “bị áp bức”. Điều này xuất phát từ thực tiễn nước ta những năm 20 của thế kỷ XX, sự thất bại của các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản làm cho đất nước rơi vào khủng hoảng đường lối cứu nước và lực lượng lãnh đạo là do chưa nhận thức đầy đủ về sự phân hóa giai cấp trong xã hội nên các bậc tiền bối vẫn còn hạn chế trong cách nhìn nhận về lực lượng cách mạng, đó là không xác định được lực lượng chính của cách mạng là công nhân và nông dân, các giai cấp, tầng lớp khác, như tư sản dân tộc, tiểu tư sản, trí thức, địa chủ, phú nông, thậm chí cả các chức sắc tôn giáo Việt Nam...,  đều là những người dân chịu nỗi nhục mất nước, chịu sự cai trị của thực dân Pháp. Vì vậy, tất cả các giai tầng trong xã hội đều có điểm chung là lòng yêu nước, đều bị áp bức bóc lột và là khát vọng độc lập, tự do, trong đó Người xác định công nông là gốc, nền tảng của cách mạng, cũng là những người bị áp bức bóc lột, tàn bạo nhất, nhưng có tinh thần cách mạng triệt để nhất.
     Để cách mạng đi tới thành công, Hồ Chí Minh đã nhận thức được những hạn chế trong việc tập hợp lực lượng của các bậc tiền bối phong trào yêu nước ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dẫn đến thất bại. Người đã đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân và cho rằng cần phải tập hợp, giáo dục nhân dân, làm cho nhân dân giác ngộ, hiểu biết lý luận, phải hướng dẫn sách lược cho nhân dân để đứng lên làm cách mạng. Đây cũng chính là mục đích của Người khi từ nước ngoài trở về nước sẽ “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[3] theo chính Đảng chân chính dẫn đường, trong đó, giai cấp công nhân là đội tiền phong của Đảng Cộng sản thực hiện lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đây chính là những chỉ dẫn cơ bản, nền tảng lý luận hình thành khối liên minh công nông và Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
     Sự sáng tạo của Người về lực lượng cách mạng là nhìn thấy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, là tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước được tập hợp vào Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự ra đời của lực lượng vũ tranh nhân dân, tạo nên sức mạnh vô địch giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với khẩu hiệu là đoàn kết toàn dân, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng đúng đắn của việc tập hợp lực lượng cách mạng trong Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là liên minh công, nông trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, triệu người như một, quyết chí, đồng lòng đứng lên giải phóng dân tộc khỏi chế độ áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Các tổ chức lần lượt ra đời và ngày càng mở rộng phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, quân và dân ta đã đoàn kết, anh dũng đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, hòa bình thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
     Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định lực lượng cách mạng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là tất cả các giai tầng trong xã hội, trong đó, khẳng định địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới chính là thực hiện đúng đắn với sự chỉ dẫn về xác định lực lượng cách mạng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng.
     Từ thực tiễn đổi mới đất nước, Đảng ta xác định lực lượng cách mạng chính là Nhân dân, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, nên mọi hoạt động của mình Đảng ta đều quán triệt “lấy dân làm gốc”, phải dựa vào dân, mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính thành tựu nước ta đạt được hơn 35 năm đổi mới đất nước, khẳng định được tiềm lực, uy tín vị thế quốc tế như ngày nay cũng chính là cũng chính là nhờ Đảng ta biết phát huy nguồn lực và sức mạnh to lớn từ trong nhân dân, sức mạnh của các giai tầng trong xã hội, đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
     Những chỉ dẫn về lực lượng cách mạng trong tác phẩm Đường Cách mệnh của Hồ Chí Minh vẫn sẽ là ngọn đuốc soi sáng cho Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

ThS. Hứa Thị Thoa
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.2, tr.288.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.2, tr.288.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.1, tr.209.
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.