• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nghiên cứu, cập nhập văn bản mới để giảng dạy bộ môn khoa Nhà nước và Pháp luật ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng

Thứ bảy - 29/12/2018 10:12

    Theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Chương trình Đào tạoTrung cấp lý luận chính trị - hành chính, thời gian toàn khóa học bao gồm 1056 tiết học với nhiều học phần khác nhau. Trong đó học phần III. Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật và quản lý hành chính nhà nước (chia làm hai phần III.1 và III.2) có 18 bài học, tổng số 222 tiết học.
    Để những bài giảng phần III của bộ môn Khoa Nhà nước và Pháp luật hay, hứng thú và gắn liền với thực tiễn, thì một trong những yêu cầu đặt ra đối với giảng viên là cần phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhập văn bản và thực tiễn vào trong quá trình giảng dạy.
    Có thể nói, vai trò của hoạt động nghiên cứu, cập nhập văn bản và thực tiễn đối với giảng dạy bộ môn khoa Nhà nước và Pháp luật là rất quan trọng; đây chính là khâu quyết định sự thành công cũng như độ hấp dẫn của bài giảng. Như chúng ta biết, nếu như giảng viên bị bó khuôn về nội dung bởi chương trình, giáo trình mà không có sự liên kết với hiện thực cuộc sống thì bài giảng khó hiểu và khó có thể hấp dẫn người nghe. Nếu giảng viên làm tốt hoạt động này, sẽ tạo cho học viên hứng khởi trên lớp và tạo động lực cho sự tìm tòi của học viên, vì người học đã nhìn thấy ích lợi và sự cần thiết của điều sẽ học để phục vụ cho công việc mà họ đang làm, nhưng lại đang lúng túng và thiếu sự dẫn dắt của giảng viên về các vấn đề thực tiễn. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu, cập nhập văn bản và thực tiễn vào bài giảng là cần thiết và quan trọng đối với tất cả giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong; đặc biệt hơn đối với bộ môn Nhà nước và Pháp luật khi hàng ngày liên quan trực tiếp đến đời sống cũng như công việc của học viên.
    Nghiên cứu, cập nhập văn bản là cần thiết và bắt buộc trong một bài giảng. Chúng ta không thể dẫn chứng ra một văn bản pháp luật cũ đã có văn bản pháp luật mới sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ được. Điều này có mối liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, kỹ năng thực thi công vụ mà học viên đang và sẽ thực hiện. Tất nhiên, khi xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, các nhà thiết kế chương trình, viết sách giáo khoa đã có sự lựa chọn các môn học, các nội dung từng môn học, sát với đối tượng, mục tiêu đào tạo bồi dưỡng. Hơn nữa, quá trình biên soạn giáo trình và chỉnh sửa không diễn ra thường xuyên nên việc cập nhật văn bản trong giáo trình không được đảm bảo. Có thể sẽ dẫn đến trường hợp tại thời điểm biên soạn giáo trình văn bản còn hiệu lực nhưng một thời gian sau đã có văn bản pháp luật khác sửa đổi hoặc thay thế.
    Vì vậy, cần thay các viện dẫn Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 bằng Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Mục 2.2.4. Nhiệm vụ của tổ chức chính quyền địa phương (tr.24 - tr.33), vẫn viết theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Cụ thể: Nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong khi đó Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tách ra nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền đô thị, bao gồm (Thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường và thị trấn); chính quyền nông thôn, bao gồm (tỉnh, huyện, xã).
    Chính vì vậy, đề nghị các giảng viên soạn giảng bài này cần cập nhật Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 để soạn giảng cho phù hợp với từng nội dung của chuyên đề.
    Bài 4. (phần III.2) mục III. Đã thay thế văn bản mới và một số bài trong Chương trình TCLLCT - HC đã cập nhật nhiều văn bản mới. Cụ thể về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng: Nghị định số 121/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 30/11/2013 đã được thay thê bằng Nghị định 139/2017/NĐ-CP Ngày 27/11/ 2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 18/3/2018.
    Ngoài ra, còn một số chuyên đề khác cũng đã có nhiều văn bản mới cần phải cập nhật bổ sung.
    Vì vậy, đề nghị các giảng viên khi giảng chuyên đề này cần bổ sung văn bản mới cho bài giảng kịp thời.
    Bên cạnh đó, giảng viên không thể thiếu tính cập nhật thực tiễn trong bài giảng một cách máy móc mà phải tăng cường cập nhật thực tiễn liên quan đến vấn đề để đưa vào bài giảng. Đối với môn nhà nước và pháp luật văn bản pháp luật luôn luôn có sự thay đổi nên việc cập nhật thực tiễn đưa vào bài giảng cũng cần thiết để phù hợp với nội dung của văn bản pháp luật mới, cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng phù hợp hơn. Trong thực tế, chương trình, giáo trình luôn là một cái khung chung nhất và cố định tương đối về lượng kiến thức và về mặt thời gian, trong khi người học có trình độ chuyên môn cũng khác nhau thường đến từ những địa chỉ khác nhau về thời điểm, địa phương và lĩnh vực mà họ quản lý. Do vậy, mỗi giảng viên vẫn phải biết lựa chọn từ cái chung và tương đối cố định đó về nội dung chương trình, và đưa ra những nội dung phù hợp nhất cho từng đối tượng đào tạo và bồi dưỡng của mình để cập nhật kiến thức mới, tránh những bài giảng theo một khung cố định và sử dụng với nhiều đối tượng, dù đối tượng có nhiều điểm rất khác nhau.
    Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; sự cố gắng, nỗ lực của các giảng viên trong khoa Nhà nước và Pháp luật; hoạt động nghiên cứu, cập nhập văn bản và thực tiễn đã được chú trọng. Khoa thường xuyên tiến hành họp khoa, họp chuyên môn định kỳ hàng tháng, tạo điều kiện để các giảng viên được trao đổi, chia sẻ kiến thức. Giảng viên trong khoa có những bài viết nghiên cứu khoa học chỉ ra hạn chế của giáo trình phần III.1, III.2. Đồng thời nhiều giảng viên của khoa là thành viên của Hội Luật gia, là Báo cáo viên Pháp luật cấp tỉnh...đây là những điều kiện thuận lợi để các giảng viên được nghiên cứu, cập nhập văn bản luật và thực tiễn.....
    Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động giảng dạy, vẫn còn giảng viên viện dẫn các văn bản đã hết hiệu lực; chưa liên hệ, bám sát các chương trình hành động của địa phương. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, cập nhập văn bản và thực tiễn đối với giảng dạy bộ môn khoa Nhà nước và Pháp luật, cần chú ý một số điểm sau:
    Thứ nhất: Thường xuyên liên tục cập nhật những văn bản pháp luật mới để cung cấp căn cứ về pháp lý cho học viên. Các văn bản pháp luật luôn thay đổi dưới nhiều hình thức như sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới. Vì vậy, thời điểm giảng dạy giảng viên cần đưa ra những văn bản pháp luật đang có hiệu lực và chưa có văn bản nào sửa đổi thay thế hoặc hủy bỏ. Để làm được điều này thì cần luôn luôn theo dõi tình hình cập nhật văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc việc đăng ký nhận thông tin cập nhật văn bản mới.
    Thứ hai: Tăng cường tiếp cận thực tiễn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là vấn đề cần thiết đối với mỗi giảng viên để phục vụ cho công tác giảng dạy. Việc không ngừng tiếp cận và bổ sung thực tiễn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm làm mới kiến thức thực tiễn và tăng sự chú ý của học viên. Ngày nay, với mạng thông tin rộng lớn, sự phong phú thông tin từ các website trên mạng, tất cả các giảng viên vẫn có thể tiếp cận thực tế thường xuyên.
    Thứ ba: Tạo sự đột phá và đổi mới trong công tác nghiên cứu thực tế. Giảng viên nên được điều động về tham gia hoạt động tại các vị trí công chức ở cơ sở một thời gian để thâm nhập vào công việc ở cơ sở. Từ đó hiểu được yêu cầu vị trí việc làm, quy trình giải quyết công việc của từng vị trí.
    Thứ tư: Tham gia nghiêm túc các buổi học tập Nghị quyết và triển khai văn bản, các hội nghị, nghe thời sự các cấp, các cuộc thi về chính trị....khi được Nhà trường phân công.
    Thứ năm: Cần thường xuyên học tập, trao đổi thông tin với các giảng viên trong khoa, và giữa các giảng viên của các khoa, phòng khác để góp phần bổ sung phong phú kiến thức. Các khoa, phòng cần đẩy mạnh hoạt động dự giờ, thao giảng để các giảng viên chủ động, linh hoạt học tập kinh nghiệm giảng dạy.
    Thứ sáu: giảng viên cần đổi mới, áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực khi lên lớp. Điều này sẽ góp phần đổi mới không khí các buổi học, tạo sự hứng khởi và việc trao đổi thông tin giữa giảng viên và học viên nhiều hơn. Từ đó, giảng viên các thể thu thập tình hình hoạt động thực tiễn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bởi với mỗi nhiệm vụ, khác địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch, hành động khác nhau để phù hợp với tiềm lực của địa phương. Qua đó, giảng viên sẽ góp phần tuyên truyền những ý tưởng, hoạt động sáng tạo, có kết quả tích cực cho tất cả các học viên.
    Trên đây là một số ý kiến trao đổi thông tin trong quá trình bổ sung, cập nhật văn bản mới trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của bản thân. Để các giảng viên giảng dạy môn Nhà nước - Pháp luật & Quản lý nhà nước; tham khảo, lưu ý trong quá trình giảng dạy cần bổ sung, cập nhật văn bản mới cho kịp thời. Qua đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, cập nhập văn bản và thực tiễn trong giảng dạy bộ môn khoa Nhà nước và Pháp luật, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các bài giảng chính trị, gắn lý luận đi liền với thực tiễn./.

 
 CN. Nhâm Thế Sằn
Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.