• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nâng cao chất lượng hướng dẫn tiểu luận chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ hai - 08/10/2018 19:41

    Tình huống quản lý Nhà nước là một câu chuyện về một sự kiện, một vụ việc xảy ra trong hoạt động quản lý Nhà nước có gây ra những hậu quả về kinh tế - xã hội, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức có thẩm quyền liên quan đến vụ việc, sự kiện phải xử lý trên cơ sở quy định của pháp luật, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.
    Sau khi nghiên cứu 8 tuần lý thuyết với 02 bài kiểm tra trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch của công chức ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương, học viên sẽ phải viết 01 tiểu luận cuối khóa nhằm đánh giá kết quả học tập của học viên cũng như khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được vào xử lý tình huống cụ thể trong thực tiễn gắn với công việc đang đảm nhiệm, qua đó thể hiện kiến thức và kỹ năng thu nhận được, phân tích thực trạng và đề ra các phương án để giải quyết tình huống trong quản lý Nhà nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị của chính bản thân người học đó.
    Với vai trò là Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, là người trực tiếp hướng dẫn học viên lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tác giả nhận thấy:
    Khi hướng dẫn đã chỉ ra cho học viên biết cách phân loại tình huống quản lý nhà nước, căn cứ mức độ phức tạp của câu chuyện và những vấn đề đặt ra cần giải quyết, tình huống được phân làm hai loại: Tình huống tổng hợp và tình huống đơn lẻ (chỉ một vấn đề đặt ra); căn cứ và tình huống quản lý Nhà nước có các dạng sau: Tình huống hoàn toàn có thực, tình huống bán hư cấu và tình huống hoàn toàn hư cấu; căn cứ vào cách xử lý vấn đề có thể chia tình huống làm hai loại: Tình huống quản lý và tình huống pháp lý. Tuy nhiên, qua thực tế, học viên thường lựa chọn tình huống đơn lẻ (chỉ một vấn đề đặt ra) và tình huống hư cấu, cá biệt có học viên viết về tình huống có thật tại cơ quan, đơn vị, đồng thời lựa chọn tình huống vừa mang tính quản lý vừa mang tính pháp lý gắn với vị trí thực tế hiện nay học viên đang đảm nhiệm.
    Về nội dung tiểu luận, hướng dẫn theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia bao gồm lời nói đầu và 6 phần: Mô tả tình huống; mục tiêu xử lý tình huống; nguyên nhân và hậu quả; xây dựng phương án và lựa chọn phương án; lập kế hoạch tổ chức thực hiện phương án đã lựa chọn; kết luận và kiến nghị. Tuy nhiên, khi hướng dẫn cần lưu ý học viên, mỗi chương trình có các tiểu mục khác nhau, ở các cấp độ  theo đối tượng đòi hỏi cách giải quyết, lập luận cũng khác nhau. Chẳng hạn:
    - Trong phần Lời nói đầu, hướng dẫn học viên cần nêu khái quát được vị trí, vai trò của quản lý Nhà nước về lĩnh vực mà học viên lựa chọn để viết; nêu được thực trạng về mặt tích cực, tiêu cực của vấn đề liên quan đến tình huống, từ đó chỉ ra được tính cấp thiết của đề tài.
    - Mô tả tình huống, định hướng cho học viên chọn 01 vụ việc, sự kiện, vấn đề được diễn ra gắn với vị trí công tác vi phạm xảy ra tại địa phương hoặc cơ quan, đơn vị trong một khoảng không gian, thời gian, địa điểm cụ thể nào đó cần thiết phải đặt ra các vấn đề mà cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cần giải quyết theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các dữ kiện đưa vào tình huống có thật hoặc hư cấu. Nhưng các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý tình huống còn có hiệu lực. Có thể thay đổi tên địa danh, nhân vật, thời gian trong tình huống. Tuy nhiên, nên tránh các tình huống “pháp lý” chỉ có một cách duy nhất đúng hoặc các tình huống khác khi đọc đã thấy ngay cách giải quyết, không có cách giải quyết thứ hai, thứ ba khác.
    -  Về mục tiêu xử lý tình huống, hướng dẫn cho học viên hướng đến như: Giải quyết triệt để các hậu quả do tình huống đưa ra; Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, kỷ cương phép nước; Bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức nhà nước, của tổ chức xã hội và của công dân; Giải quyết hài hoà giữa tính pháp lý, lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội; Đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng…
    - Phân tích nguyên nhân và hậu quả, cần hướng dẫn cho học viên viết:
    + Nguyên nhân: Nguyên nhân khách quan như sự bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vụ việc; Mặt trái của nền kinh thế thị trường tác động; Điều kiện kinh tế - xã hội thấp kém dẫn đến các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Nguyên nhân chủ quan như: Thiếu sót trong hoạt động quản lý Nhà nước ở các cấp (hoạt động điều hành, sử dụng thẩm quyền, công tác quy hoạch kế hoạch, hoạt động kiểm tra, kiểm soát); Trình độ, năng lực, việc thiếu trách nhiệm, sa sút phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức; Trình độ dân trí, sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhân dân, những người liên đới đến vụ việc xảy ra; sự thiếu tôn trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa của các bên liên quan đến tình huống; sự mất đoàn kết trong nội bộ của các cơ quan Nhà nước hoặc các mâu thuẫn trong nhân dân …
    + Hậu quả, có thể hậu quả đối với Nhà nước; Đối với xã hội; Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư (tùy theo từng tình huống); Đối với gia đình, cá nhân... (tùy theo từng tình huống)
    -  Về xây dựng và lựa chọn phương án xử lý tình huống, hướng dẫn học viên nêu bật được 3 vấn đề cơ bản:
    + Một là,  cơ sở pháp lý: tiểu luận nêu được các văn bản quy phạm pháp luật chính điều chỉnh vấn đề nghiên cứu, đặc biệt cần viện dẫn điều, khoản, điểm của văn bản áp dụng giải quyết trực tiếp.
    + Hai là, xây dựng phương án, phương án chính là cách xử lý, giải quyết tình huống. Đây là nội dung quan trọng của tiểu luận tình huống, vì vậy phương án phải cụ thể, rõ ràng, không chung chung. Mỗi tình huống được giải quyết từ 2-4 phương án khác nhau. Các phương án đưa ra cần được phân tích theo hai khía cạnh: Ưu điểm và nhược điểm của phương án.
    + Ba là, Lựa chọn phương án, trong số các phương án đưa ra ở nội dung trên, hướng dẫn cho học viên lựa chọn phương án tốt nhất, khả thi nhất, đáp ứng được nhiều mục tiêu đề ra, nhược điểm, khiếm khuyết của phương án có thể chấp nhận được. Đồng thời chọn phương án dựa trên có tình, có lý, phải giải quyết vụ việc trên cơ sở kết hợp giữa pháp lý và đạo lý thì mới được sự ủng hộ của nhân dân.
    - Tiếp theo, sau khi đã lựa chọn phương án có tính khả thi nhất, hướng dẫn cho học viên biết cách lập kế hoạch tổ chức thực hiện phương án đó. Đây là nội dung, giúp học viên biết xử lý, giải quyết tình huống gặp phải tại địa phương hoặc cơ quan, đơn vị. Do đó, định hướng cho học viên lập kế hoạch tổ chức thực hiện chẳng khác gì như quy trình (trình tự) phải thực hiện, cần chia thành từng bước, mỗi bước có thời gian, địa điểm, chủ thể, nội dung, cách thức thực hiện.
    - Phần kiến nghị và kết luận: Kiến nghị, tức là thông qua việc xử lý tình huống, học viên đề xuất kiến nghị cụ thể đối với từng cấp, ngành, theo các chủ thể có liên quan. Kết luận, khái quát những nội dung chính của tình huống, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân hay địa phương, cơ quan, tổ chức mình trong xử lý tình huống.
    Về hình thức của tiểu luận, hướng dẫn học viên cách sắp xếp giữa các phần, căn chỉnh, cỡ chữ, font chữ, khoảng cách giữa các dòng, đóng thành quyển, bìa chính, bóng kính, màu; bìa phụ giấy thường; mục lục; nội dung; tài liệu tham khảo... nhằm giúp học viên hoàn thiện tiểu luận được rõ ràng, sạch sẽ, logic.
    Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra điểm khác biệt giữa tiểu luận bồi dưỡng ngạch chuyên viên với bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính ở chỗ các phần tiểu mục có khác như: chuyên viên chính trong phần Mô tả tình huống, còn có hoàn cảnh ra đời, phân tích diễn biến của tình huống; phần mục tiêu: có mục tiêu trực tiếp và mục tiêu hướng tới…
    - Về thời gian, quy trình hướng dẫn tiểu luận, hiện nay Nhà trường vẫn đang áp dụng quy trình như sau: thường sau khi kết thúc nội dung các bài trong phần I: Kiến thức chung, Ban Giám hiệu phân công giảng viên hướng dẫn chung trên lớp. Giảng viên hướng dẫn chung nhắc học viên nghiên cứu, đăng ký tên đề tài theo tổ hoặc Ban cán sự, Ban cán sự tổng hợp tên đề tài đăng ký gửi về giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra, rà soát đối chiếu tên đề tài với cơ quan, đơn vị công tác tránh tình trạng học viên công tác ở lĩnh vực này nhưng lại xử lý ở một lĩnh vực khác không đúng chuyên môn. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm gửi về cho Khoa chủ quản (Khoa Nhà nước và Pháp luật), Khoa chủ quản phối hợp với Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu kiểm duyệt trình Ban Giám hiệu và xin ý kiến tổ chức nghiệm thu và ra quyết định phê duyệt tên đề tài. Học viên thực hiện đề tài, viết, hoàn thiện và nộp tiểu luận theo quy định.
    Tuy nhiên, qua theo dõi việc học viên nộp tiểu luận và thông qua chấm tiểu luận, vẫn còn một số học viên chưa chú ý nghe giảng, chưa tự giác nghiên cứu kết cấu cũng như sưu tầm, tham khảo tiểu luận mẫu ở thư viện, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn với đề tài (thạc sỹ, đề án cao cấp, sáng kiến kinh nghiệm, khóa luận trung cấp lý luận chính trị - hành chính) hoặc tiểu luận chuyên viên chính; không có Lời nói đầu; không có Mục lục; không có bảng viết tắt (hoặc không chú thích); không đủ số trang (tối thiểu 15 trang, tối đa 20 trang); không có tài liệu tham khảo; không đóng quyển; in hai mặt; viết nhầm tên Trường, không ghi lớp; cách dòng, cách đoạn, định lề, số trang, trình bày … chưa đúng quy định; trùng nhau giữa các học viên trong lớp.
    Để làm tốt việc hướng dẫn tiểu luận chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính trong thời gian tới cần làm tốt một số nội dung sau:
    - Thứ nhất, về phía Ban giám hiệu Nhà trường nên sửa đổi và ban hành Hướng dẫn quy trình viết tiểu luận tình huống cuối khóa cho cả 2 chương trình. Lấy đó là căn cứ, cơ sở để các giảng viên nói chung cũng như giảng viên hướng dẫn nói riêng nghiêm túc thực hiện
    - Thứ hai, về phía giảng viên hướng dẫn, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc hướng dẫn, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm đôn đốc, nhắc nhở học viên thực hiện theo hướng dẫn
    - Thứ 3, về phía học viên, nêu cao ý thức tự học, tự nghiên cứu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc viết tiểu luận cuối khóa, hạn chế việc sao chép của các tiểu luận khóa trước hay viết không đúng vị trí công tác.   
     Có thể nói, hướng dẫn tiểu luận cuối khóa là khâu đầu tiên và cũng là nội dung cuối cùng của chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính, đây là phần thu hoạch kiến thức và kỹ năng thu nhận được trong suốt thời gian học lý thuyết cũng như vận dụng sáng tạo, linh hoạt thực tế của học viên. Qua bài tiểu luận cuối khóa giảng viên có thể sẽ đánh giá mức độ kết quả, ý thức học tập của học viên đã đạt được qua chương trình học tại Trường, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được vào thực tiễn tại vị trí công tác của cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay./.
                                                                ThS. Trương Thị Phương
                                                      Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.