• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nâng cao hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới tại xã Vân Trình huyện Thạch An trong giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 24/10/2023 20:41

     Vân Trình là xã vùng III nằm ở phía Tây Bắc của huyện Thạch An có diện tích tự nhiên 4.199,6 ha, có quốc lộ 4A đi qua thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, xã có 9 xóm hành chính với 662 hộ, gồm 2884 nhân khẩu, 7 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Mường, Thái cùng sinh sống. Đây là xã thuần nông, nghề nghiệp chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi, nhân dân xã Vân Trình có truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động, nếp sống văn hóa ngày càng tiến bộ, an ninh chính trị được củng cố vững mạnh, nhân dân tin tưởng và sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của Chính quyền, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới và phát triển đi lên.
     Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ khi Chương trình được triển khai Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề hằng năm về xây dựng nông thôn mới. Coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao chất lượng giữ vững ổn định lương thực; Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại, tập trung huy động các nguồn lực cho xây dựng các công trình hạ tầng phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân. Trong những năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống nhân dân và việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm không để phong trào bị gián đoạn, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã triển khai đồng bộ, kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và thành lập các tổ công tác chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ở 09 xóm. Ban Chỉ đạo xã tổ chức giao ban đến đội ngũ bí thư, trưởng xóm 2 tuần 1 lần, xem xét tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng kế hoạch thời gian tới theo từng nội dung công việc của từng tiêu chí, thường xuyên bám sát tại các xóm, hộ dân để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời xác định công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân là khâu quan trọng và then chốt để huy động tổng hợp sức mạnh của toàn dân thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động đã được đẩy mạnh, triển khai rộng khắp từ xã đến xóm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép qua các buổi họp xóm, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội... Đảng uỷ chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã tập trung triển khai tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Hội Phụ nữ triển khai thực hiện tốt mô hình "5 không, 3 sạch, 3 an toàn" đến toàn thể 09/09 xóm; Hội Nông dân phát triển phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Đoàn Thanh niên tập trung triển khai thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; Hội Cựu chiến binh triển khai phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” các phong trào đều thu hút 100% hội viên tham gia. Ngoài ra xã còn xây dựng mô hình “Thắp sáng làng quê” gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng 02 bảng tin an ninh trật tự tại Uỷ ban nhân dân xã và xóm Nà Ảng.
     Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của cấp ủy, chính quyền xã và người dân được nâng lên, người dân đã nhận thức rõ lợi ích và trách nhiệm trong thực hiện chương trình, tự giác tham gia xây dựng và chỉnh trang nhà cửa, thường xuyên vệ sinh đường làng ngõ xóm, đóng góp bằng tiền, hiến, nhượng lại đất, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn; mở rộng trường học; nâng cấp, mở rộng nhà văn hoá, sân thể thao thôn ... trong năm 2022 ngoài nguồn vốn Nhà nước cấp, đã vận động xã hội hóa trong nhân dân hơn 144 triệu đồng; huy động được trên 2.000 công lao động để làm các công trình, theo dõi, giám sát thi công các công trình tổng quy đổi thành tiền 744 triệu đồng. Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng toàn xã đã có 10 hộ dân hiến đất với tổng diện tích 4.692m2đất. Ngoài ra, Nhân dân đã chủ động trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất; gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình ngô ngọt đã liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm bí xanh của xã thực hiện truy xuất nguồn gốc và đạt chuẩn OCOP 3 sao... thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 20,7 triệu đồng/người, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Xây dựng bổ sung quy ước, hương ước ở khu dân cư, việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện theo nếp sống mới. Năm 2022, toàn xã có 9/9 xóm đạt danh hiệu “làng văn hóa", có 617/652 (94,63%) hộ đạt gia đình văn hoá và đến hết năm 2022 xã đạt 10/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
     Tuy nhiên, để về đích đạt chuẩn nông thôn mới xã Vân Trình còn gặp rất nhiều khó khăn, một số tiêu chí chưa đạt như chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp chậm; tổ chức sản xuất còn yếu, chưa có sự liên kết để chế biến và tiêu thụ; chăn nuôi còn mang tính tự phát với quy mô hộ gia đình; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp - nông thôn phát triển chưa đồng bộ; Mức hưởng thụ về văn hóa, giáo dục, y tế của người dân chưa cao. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa hoạt động còn hình thức, thiếu chiều sâu. công tác vệ sinh môi trường chưa thường xuyên, chưa tạo được điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao còn 352 hộ nghèo chiếm 53,74%.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai xây dựng xã nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới có thời điểm chưa thực sự quyết liệt, chậm tiến độ; nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa phát huy tích cực vai trò chủ thể của người dân; công tác tuyên truyền, vận động của các đoàn thể, các ngành chưa thường xuyên, chưa làm tốt công tác phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư trong chương trình xây dựng xã nông thôn mới; huy động nguồn xã hội hoá nông thôn mới còn hạn chế; thu nhập của người dân trên địa bàn chưa đồng đều. Từ thực tiễn trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở xã Vân Trình, huyện Thạch An cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
     Một là, Đảng uỷ, chính quyền xã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt việc xây dựng nông thôn mới, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
     Hai là, Đảng uỷ, chính quyền xã tiếp tục xác định công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, góp của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới. Phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới cho cả hệ thống chính trị và mọi người dân nắm vững, để chủ động và tự giác tham gia xây dựng.
     Ba là, Chính quyền và các ban ngành đoàn thể trong xã cần lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, cũng như lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.
    Bốn là, chính bản thân người dân cần tự mình nâng cao nhận thức để thấy rõ lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới để từ đó vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao thu nhập và nâng cao mức sống của chính gia đình.
    Như vậy có thể thấy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở xã Vân Trình có mục đích, ý nghĩa, vô cùng quan góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn, đưa nghị quyết vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra./.
ThS. Đinh Thị Thuý Hường
Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.