• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng

Chủ nhật - 30/06/2019 21:12

   Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(1). Với vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Cao Bằng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận(2). Nhà trường luôn quan tâm tới hoạt động đi nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên nhằm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, khắc phục tình trạng “lý luận suông” trong chương trình đào tạo. Điều này thể hiện rõ qua việc Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp lịch học, hỗ trợ kinh phí, cử giảng viên chủ nhiệm đưa các lớp đi thực tế, để giao lưu học hỏi kinh nghiệm các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hoạt động nghiên cứu thực tế cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của học viên.
   Trong thời gian vừa qua, Nhà trường đã triển khải thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý đào tạo và quản lý kết quả học tập ban hành kèm theo Quyết định số 2255/QĐ-HVCTQG ngày 02/5/2019 và Hướng dẫn số 310/HD-HVCTQG ngày 12/6/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Hướng dẫn hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính. Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai cho học viên các lớp học đi nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực, đảm bảo được mục tiêu hoạt động nghiên cứu thực tế, thực hiện phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn, nhằm giúp cho học viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học viên. Trong thời gian học viên đi nghiên cứu thực tế theo chương trình, kế hoạch, họ được nghe các báo cáo viên tại cơ sở báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội... Trao đổi và giải đáp thắc mắc về các vấn đề học viên quan tâm, tham quan một số mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu điển hình của địa phương, đồng thời kết hợp tham quan những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng để làm phong phú thêm về kiến thức cũng như tư liệu thực tế để phục vụ cho việc viết bài thu hoạch sau khi kết thúc chuyến đi nghiên cứu thực tế. Thực tế cho thấy, thông qua việc đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, được tiếp xúc và làm việc cụ thể với cơ sở đã giúp cho học viên có cái nhìn khách quan, vận dụng được các kiến thức đã học, đồng thời giúp học viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp gắn với thực tiễn, tích lũy được những kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học viên.
   Tuy nhiên, việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp của Nhà  trường cũng gặp phải một số khó khăn nhất định trong công tác triển khai. Cụ thể:
   Một là, số lượng các lớp đi nghiên cứu thực tế trong năm nhiều dẫn đến việc bố trí cán bộ giảng viên các khoa chuyên môn làm trưởng các đoàn gặp nhiều khó khăn về vấn đề bố trí nhân sự, cân đối bố trí sắp xếp lịch giảng phù hợp (theo quy định của Học viện, mỗi lớp thành lập từ 03 - 04 nhóm, mỗi nhóm ít nhất có một giảng viên phụ trách đi thực tế).
   Hai là, một số cán bộ, giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức đưa học viên đi nghiên cứu thực tế, khi triển khai kế hoạch gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức, bố trí ăn ở, điều phối các hoạt động nghiên cứu tại cơ sở, các mô hình sản xuất điển hình...
   Ba là, các nội dung nghiên cứu thực tế của học viên nhiều, dàn trải xuyên suốt nội dung toàn khóa học, khá nhiều lớp tập trung đến một điểm, nên báo cáo viên tại cơ sở gặp không ít khó khăn trong vấn đề chuẩn bị nội dung báo cáo, cũng như trong thảo luận với học viên…
   Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đi thực tế của học viên trong thời gian tới, xin đề xuất một số ý kiến về cách thức tiến hành hoạt động này để đạt được kết quả tốt nhất.
   Thứ nhất, đối với việc xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế cần phải cụ thể cho từng lớp, tùy vào đặc điểm cụ thể và địa điểm mở lớp. Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học dự thảo kế hoạch tổ chức đi nghiên cứu thực tế cho từng lóp, trình Ban Giám hiệu phê duyệt trước thời điểm đi nghiên cứu thực tế ít nhất 01 tháng. Trong đó cần nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, địa điểm đi nghiên cứu, công tác tổ chức (phối hợp giữa các bộ phận khoa, phòng, phân công trưởng đoàn, liên hệ báo cáo viên, nơi ăn ở cho học viên ...), công tác tài chính - hậu cần và các công tác khác có liên quan (chỉ đạo, báo cáo ...).
   Việc lựa chọn địa điểm cũng là một khâu hết sức quan trọng ảnh hưởng lớn đến kết quả đi thực tế của học viên. Địa điểm đi thực tế được lựa chọn dựa trên rất nhiều tiêu chí, tuy nhiên về cơ bản, địa điểm đó cần thuận lợi cho học viên trong quá trình đi lại và quan trọng nhất là đáp ứng được các mục đích và nội dung tìm hiểu mà học viên đã đề ra. Để đưa ra được địa điểm phù hợp nhất ban cán sự lớp nên có sự thảo luận với các thành viên và tham khảo ý kiến của các khoa chuyên môn.
   Thứ hai, đối với học viên, thông qua phòng quản lý Đào tạo và nghiên cứu khoa học và giáo viên chủ nhiệm phải quán triệt được nhiệm vụ cần thiết của việc đi nghiên cứu thực tế. Học viên phải nắm được mục đích, nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế của mình (đi để làm gì, các nội dung cần nắm, số liệu cần sưu tầm ...) để phục vụ cho việc viết bài thu hoạch sau này. Bên cạnh đó, học viên cần phải được trang bị các kiến thức cơ bản trước khi đi nghiên cứu như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thu thập thông tin, phục tùng sự phân công và giờ giấc của đoàn, ban cán sự lớp cần phối hợp tốt với trưởng đoàn triển khai các hoạt động nghiên cứu thực tế, vấn đề an toàn của đoàn đi phải được chú trọng ...
   Thứ ba, đối với cơ sở đoàn đến nghiên cứu thực tế, phải có sự liên hệ chặt chẽ, trao đổi giữa Nhà trường với báo cáo viên, nhằm chuẩn bị chu đáo về nội dung báo cáo sát với nội dung nghiên cứu của đoàn. Thực tế cho thấy, đối với những đoàn mà được báo cáo viên có kinh nghiệm, có sự chuẩn bị tốt về nội dung báo cáo, trao đổi cũng như chuẩn bị tốt địa điểm tham quan các cơ sở, mô hình sản xuất điển hình tốt tại địa phương sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm cũng như chất lượng bài thu hoạch của học viên được nâng lên rõ rệt.
   Thứ tư, phải làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho học viên về ý nghĩa, vai trò khi đi thực tế. Để hoạt động thực tế của học viên đạt được kết quả tốt nhất thì trước hết phải làm tốt công tác chuẩn bị trước khi đi thực tế. Công tác chuẩn bị không chỉ bao gồm chuẩn bị về kế hoạch, chuẩn bị về cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là chuẩn bị nội dung, mục đích thực tế.
   Thứ năm, đối với bài thu hoạch của học viên nên có yêu cầu rõ ràng và cụ thể.
   Với rất nhiều thông tin đã thu thập được trong quá trình đi thực tế, để học viên dễ dàng sắp xếp và xây dựng thành một bài thu hoạch từ 5 đến 10 trang thì Nhà trường nên hướng dẫn cụ thể học viên về nội dung, cách thức trình bày đối với bài thu hoạch nghiên cứu thực tế. Về cơ bản, bài thu hoạch của học viên cần phải xâu chuỗi được tình hình, vấn đề thực tế của địa phương, cơ sở nơi đến thực tế, đánh giá được những mặt mạnh cũng như những điểm hạn chế còn tồn tại của cơ sở, từ đó rút ra được bài học, đề xuất những kiến nghị,  gắn với công việc của mỗi học viên. Đặc biệt, để nội dung của bài thu hoạch được tập trung và sâu sắc, học viên nên tập trung vào một vài vấn đề đã được xác định trước khi chuẩn bị đi thực tế.
   Những gợi mở trên đây, chỉ là một vài giải pháp nhỏ để hướng tới mục đích là nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là nhận thức của mỗi học viên đối với hoạt động nghiên cứu thực tế. Vấn đề này, đòi hỏi sự hợp lực cao nhất từ phía Nhà trường, chủ nhiệm lớp cũng như mỗi cán bộ, giảng viên trong việc nâng cao nhận thức, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên, nhằm nâng cao chất lượng học tập đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới hiện nay./.
                                                                  ThS. Phùng Thị Thu
                                                          Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.