• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số giải pháp tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2021-2026

Chủ nhật - 30/06/2019 21:06

   Trong những nhiệm kỳ qua của Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh Cao Bằng, các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đại biểu của mình, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ cuả nhân dân địa phương, được nhân dân địa phương tin yêu. Tuy nhiên Hội đồng nhân dân dân cấp xã tỉnh Cao Bằng còn bộc lộ điểm yếu trong cơ cấu tổ chức là sự chênh lệch giữa tỷ lệ đại biểu nam và đại biểu nữ còn quá lớn, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân cấp xã ở địa phương.
   Trong thời kỳ đổi mới hiện nay ở tỉnh Cao Bằng, việc cân đối hài hòa tỷ lệ nam nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là một yêu cầu thiết yếu để thúc đẩy hiệu lực và hiệu quả  quản lý nhà nước của chính quyền ở địa phương.
   Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, số lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2011-2016 là 905/4412 đại biểu, bằng 20,51%, số lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021 là 1100/4484 đại biểu, bằng 24,5%. Với số liệu phản ánh như vậy, rõ ràng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng còn thấp so với mặt bằng chung. Với việc thực hiện nhiệm vụ của mình, mặc dù tỷ lệ còn thấp nhưng đội ngũ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng đã phát huy được vị trí, vai trò và trách nhiệm của một người đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nói chung và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nói riêng. Các nữ đại biểu đã phát huy được thế mạnh về giới của mình, gương mẫu, tận tâm, trách nhiệm đối với nhân dân, động viên nhân dân địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và cơ quan nhà nước cấp trên giao. Trong nhiệm kỳ 2021-2026 tới của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng, nếu tăng được tỷ lệ nữ đại biểu theo đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ là một bước nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở địa phương.
   Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về việc cân đối tỷ lệ giới tính trong cơ quan dân cử, Điểm a Khoản 5 Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: "Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới". Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định mục tiêu nhiệm vụ trong việc phát triển cán bộ nữ trong bộ máy nhà nước nói chung, trong đó đưa ra mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2020, ...nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%...". Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về  Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ xác định nhiệm vụ từ nay đến năm 2030 đối với việc tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử là: " ...tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%". Việc xúc tiến tăng số lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh Cao Bằng chính là việc thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
   Việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng trong nhiệm kỳ 2021- 2026 theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước sẽ giải quyết tốt những vấn đề sau đây:
   Thứ nhất, sự hài hòa, cân đối giữa tỷ lệ nam và nữ trong cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã sẽ tiếp tục góp phần tạo ra sự bình đẳng giới, góp phần tạo điều kiện cho người phụ nữ tham gia công tác xã hội, khẳng định giá trị của người phụ nữ đối với công tác xã hội, người phụ nữ có thể gánh vác tốt mọi công việc xã hội. Cụ thể là nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
   Thứ hai, sự hài hòa, cân đối giữa tỷ lệ nam và nữ trong cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã sẽ góp phần tạo ra hiệu lực và hiệu quả của cơ quan quyền lực ở địa phương cấp xã trong tỉnh Cao Bằng. Có những việc diễn ra tại địa phương cần có sự vào cuộc của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân mới đem lại hiệu quả thiết thực, chẳng hạn như nắm bắt tâm tư của chị em phụ nữ trong việc xây dựng gia đình, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con cái, hướng nghiệp, chống bạo lực gia đình...
   Có thể nhận định những khó khăn trong việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng trong nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:
   Thứ nhất, trở ngại từ yếu tố xã hội, một bộ phận không nhỏ trong nhân dân địa phương quan niệm chưa đúng đắn về vị trí, vai trò và khả năng tham gia công tác xã hội của người phụ nữ. Người phụ nữ nông dân chỉ đơn thuần là việc lấy chồng, sinh con, làm việc đồng áng và các công việc nội trợ gia đình, ít có khả năng trí tuệ, sức khỏe cũng như sự nhanh nhẹn để tham gia công tác xã hội. Trong xã hội vẫn còn quan niệm cho rằng tham gia công tác xã hội là việc của đàn ông. Chính quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ này sẽ là trở ngại đối với việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng. Trong quá trình bầu cử, một bộ phận cử tri sẽ không sẵn sàng bỏ phiếu bầu cho nữ ứng cử viên.
   Chính một bộ phận chị em phụ nữ không tự tin vào khả năng gánh vác công việc xã hội của mình, bởi quan niệm là người phụ nữ chỉ có thiên chức là làm vợ, làm mẹ và lao động phục vụ cho gia đình, việc xã hội không phải là việc của họ. Bởi vậy họ không có mong muốn trở thành nữ đại biểu Hội đồng nhân dân và không sẵn sàng gánh vác trách nhiệm khi được lựa chọn.
   Thứ hai, việc tuyên truyền và giáo dục pháp luật nói chung và Luật Bình đẳng giới nói riêng ở địa phương chưa được chú trọng, bởi vậy chưa làm chuyển biến một cách tích cực tư tưởng, dân trí trong một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ.
   Tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra, chính quyền địa phương chưa mạnh tay trong việc xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn, răn đe, làm gương đối với những kẻ còn có hành vi bạo lực gia đình vi  phạm Lật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới... Những hạn chế này cũng có thể coi là trở ngại trong việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng.
   Thứ ba, hoạt động của Hội Phụ nữ xã ở một số địa phương chưa thực sự thiết thực, chưa có nhiều chương trình và các giải pháp cụ thể nhằm thu hút, động viên sự tham gia của người phụ nữ ở địa phương. Chị em phụ nữ ở địa phương chưa thực sự tìm thấy ở Hội Phụ nữ xã chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần. Bởi vậy chưa động viên khuyến khích được người phụ nữ tham gia các hoạt động gắn với phong trào của Hội.
   Để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2021-2026 từ 35% trở lên, trong thời gian tới cần tập trung và những giải pháp sau:
   Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp ở tỉnh Cao Bằng đối với việc nâng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Thực tế cho thấy, bất cứ nhiệm vụ chính trị nào, nếu có sự quán triệt chỉ đạo sâu sắc của cấp ủy và chính quyền các cấp ở địa phương thì yếu tố chính trị xã hội đó sẽ phát triển. Giải quyết vấn đề tăng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã cũng vậy, cần có sự vào cuộc lãnh chỉ đạo, định hướng của cấp ủy và chính quyền các cấp. Việc lãnh chỉ đạo này phải mang tình toàn diện ở mọi khâu, từ việc xây dựng chương trình kế hoạch cho việc lựa chọn nhân sự, hiệp thương cũng như việc bầu cử...làm sao để mọi cán bộ công chức, viên chức và mỗi công dân đều thấy việc cân bằng giới trong đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là rất cần thiết.
  Thứ hai, cấp xã phải làm tốt công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự. Phải đảm bảo giới thiệu nữ ứng cử với một số lượng thích hợp như đã định theo kế hoạch để đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba, số lượng nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã vẫn đạt trên mức chỉ tiêu bầu. Điều này rất cần thiết bởi nó sẽ quyết định đến tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng được như mong muốn.
   Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nhân dân thay đổi nhận thức từ đó có hành động đúng đối với việc người phụ nữ tham gia và công tác xã hội ở địa phương.
   Trước hết là tuyên truyền giáo dục pháp luật về bình đẳng giới để mỗi người dân từ nam đến nữ, từ già đến trẻ đều hiểu biết về bình đẳng giới. Nam nữ đều bình quyền, bình đẳng trong các quan hệ, gia đình, xã hội, nghề nghiệp, tham gia các hoạt động quản lý nhà nước. Tuyên truyền giáo dục tư tưởng trong nhân dân để các tầng lớp nhân dân thấy việc tham gia công tác xã hội nói chung và tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nói riêng là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân không phân biệt nam nữ và thực tế người phụ nữ cũng đầy đủ những phẩm chất cần có để làm tốt nhiệm vụ đại biểu của mình.
   Bên cạnh việc tuyên truyền và giáo dục pháp luật nói chung là việc xử lý nghiêm minh thích đáng với những hành vi bạo lực gia đình liên quan đến bình đẳng giới. Phải áp dụng các chế tài thích ứng, không khoan nhượng từ chế tài hành chính đến chế tài hình sự nhằm trừng trị, răn đe những hành vi bạo lực gia đình.
   Thứ tư, tăng cường vị trí, vai trò của Hội phụ nữ ở địa phương, cơ sở. Hội phụ nữ ở địa phương phải phát huy hết chức trách nhiệm vụ của mình, có những kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể để tạo động cho người phụ nữ ở địa phương phát triển kinh tế, ổn định và phát triển đời sống gia đình, từ đó có mong muốn đóng góp công sức cho xã hội.
   Thứ năm, quan tâm đúng mức đối với hoạt động của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng. Ngoài những chế độ chính sách chung của người đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cần có nhiều sự quan tâm hơn về vật chất và tinh thần đối với nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để nữ đại biểu thấy họ đã được chính quyền và xã hội khuyến khích động viên, từ đó giúp họ yên tâm hơn, hăng hái hơn trong việc làm nhiệm vụ đại biểu của mình.
   Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng là một tất yếu, bởi chỉ có việc cân đối hài hòa tỷ lệ nam nữ trong đại biểu Hội dồng nhân dân cấp xã mới phát huy hết sức mạnh tổng thể của Hội đồng nhân dân cấp xã ở địa phương, tạo nên thế và lực mới của đội ngũ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trong giai đoạn mới của địa phương đáp ứng yêu cầu chính trị của Đảng và Nhà nước. Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng là một nhiệm vụ khó khăn. Song với sự sáng suốt, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ở tỉnh cùng với nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, nhất định mục tiêu cân đối hài hòa tỷ lệ nam nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thành công tốt đẹp./.
                                                                            ThS. Chu Văn Thắng
                                                              Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.