• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số giải pháp để nâng cao việc xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Chủ nhật - 30/06/2019 21:03

   Để đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin và sử dụng pháp luật đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hỗ trợ công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ tham gia quản lý nhà nước và xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 1719/KH-UBND ngày 06/6/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng để thực hiện các nội dung của Quyết định số 619/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thực hiện các văn bản chỉ đạo, Sở Tư pháp tỉnh đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ như: Kế hoạch số 198/KH-STP ngày 29/3/2018 của Sở Tư pháp về triển khai xây dựng mô hình điểm cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018; Kế hoạch số 182/KH-STP ngày 23/3/21018 của Sở Tư pháp về thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018; Kế hoạch số 795/KH-UBND ngày 18/9/2018 về kiểm tra công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018...
   Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm mục tiêu “1. Nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã; 2. Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ; 3. Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” (Điều 2, Quyết định số 619/QĐ-TTg).
   Tiêu chí tiếp cận pháp luật gồm 05 tiêu chí thành phần với tổng số 100 điểm, cụ thể:

STT NỘI DUNG TIÊU TRÍ ĐIỂM
Tiêu chí 1 Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật 15
Tiêu chí 2 Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã  
30
 
Tiêu chí 3 Phổ biến, giáo dục pháp luật 25
Tiêu chí 4 Hòa giải ở cơ sở 10
Tiêu chí 5 Thực hiện dân chủ ở cơ sở 20
 
   Đẩy mạnh thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, sau 02 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 83 đơn vị xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và 116 đơn vị xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
   Năm 2018, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn, xây dựng mô hình điểm về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 02 xã (xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa và xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng); theo đó, đã tổ chức 02 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho 160 đại biểu là cán bộ, công chức và nhân dân tại các xã trên địa bàn được lựa chọn. Đồng thời, phối hợp tổ chức 04 Hội nghị tập huấn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật cho hơn 400 đại biểu tại 04 huyện Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Bảo Lâm và Hà Quảng; Cử báo cáo viên pháp luật tập huấn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại UBND các huyện, thành phố cho đối tượng là Lãnh đạo UBND huyện; lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tư pháp; thành viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện; Lãnh đạo UBND xã và 07 chức danh công chức cấp xã (Trưởng Công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng; Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội). Phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh xây dựng chương trình “Pháp luật và Đời sống” với 16 chuyên mục trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh bằng 4 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Tày - Nùng, tiếng Mông, tiếng Dao) để thông tin, truyền thông các quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
   Ngoài ra, Sở Tư pháp đã biên soạn 02 loại sách pháp luật, với hình thức Hỏi - đáp, làm tài liệu tuyên truyền, nghiên cứu cho cán bộ cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận, với tổng dự kiến cấp phát là 900 cuốn; tổ chức in và cấp phát hơn 55.000 tờ gấp, áp phích làm tài liệu.
   Bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như: việc triển khai các văn bản hướng dẫn của cấp trên tại các xã, phường, thị trấn còn chậm, có nơi còn lúng túng; kinh phí, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực bảo đảm của nhiều địa phương cho hoạt động thực thi công vụ còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị và hoạt động của chính quyền cấp xã, trực tiếp đụng chạm và có liên quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; năng lực, trình độ, thói quen trong lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế; trình độ dân trí chưa đồng đều, đặc biệt tỉnh Cao Bằng là tỉnh miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế - xã hội còn hạn chế....
   Để nâng cao việc xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
   Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trong đó UBND tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt, kịp thời; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đối với nhiệm vụ trên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và toàn diện Quyết định số 619/QĐ-TTg phù hợp với đặc thù của từng địa bàn; tập trung thực hiện tốt việc xây dựng các mô hình chỉ đạo điểm để tổng kết, nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.
   Hai là, đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung tiêu chí cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tới cán bộ, nhân dân trong tỉnh để có nhận thức chung thống nhất, đặc biệt là phải tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ được lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội trong việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó họ tham gia một cách chủ động và tích cực vào công tác này và tham gia giám sát chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
   Ba là, tiếp tục quán triệt để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân; chú trọng các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ.
   Bốn là, đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phân bổ ngân sách đối với nhiệm vụ trên; trong đó ưu tiên hỗ trợ đặc biệt với những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...
   Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
   Việc bổ sung xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ này nói riêng và pháp luật nói chung trong xây dựng nông thôn mới; góp phần giữ vững mục tiêu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn, đồng thời có biện pháp hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội; giải quyết có hiệu quả, kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn dân cư./.
                                                                CN. Nhâm Thế Sằn
                                                  Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật



Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.