• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Nùng An ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng

Chủ nhật - 30/06/2019 21:00

   Quảng Uyên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Cao Bằng có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, người Nùng An - một chi thuộc tộc người Nùng - có đời sống văn hóa vô cùng đặc sắc. Họ vẫn còn lưu giữ được nhiều vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình như: nhà ở, trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghề thủ công...Đặc biệt, vào tháng 4 năm 2018, tỉnh Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, điểm du lịch cộng đồng xóm Pác Rằng (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên) là một trong bốn điểm của huyện Quảng Uyên vinh dự được công nhận là điểm nằm trong công viên địa chất toàn cầu; đây cũng chính là nơi tập trung sinh sống của đông đảo người Nùng An.
   Người Nùng An thường cư trú tập trung thành từng bản, từng xã hoặc cụm hai ba xã với duy nhất một dân tộc là người Nùng An. Ngoài ra, cũng có những bản sống xen kẽ với các bản của người Tày hoặc các nhóm Nùng khác. Mặc dù sống riêng từng bản hay sống chung bản với các nhóm dân tộc khác, người Nùng An bao giờ cũng cư trú quần tụ gần nhau, bố trí thành một hệ thống phòng thủ để chống trộm cướp và giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn.    
   Truyền thống văn hóa của người Nùng An được hình thành nên trong quá trình sinh tồn, lao động sản xuất, trong sự thích ứng với điều kiện tự nhiên, xã hội và môi trường thiên nhiên. Qua thời gian, hình thành những nét bản sắc riêng phản ánh tính cách, lối sống và tâm hồn của người Nùng An; thể hiện qua lối sống và tính cách của người Nùng An rất cần cù, chịu khó, giản dị, tiết kiệm, sáng tạo. Trang phục của người Nùng An giản dị và chân phương được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do họ tự tay trồng bông, kéo sợi dệt vải, nhuộm hấp lấy. Theo các nhà ngôn ngữ học thì ngôn ngữ của người Nùng An thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Về cơ bản, tiếng nói của người Nùng An giống với tiếng Tày và các nhóm Nùng khác. Điểm khác biệt lớn nhất về ngôn ngữ  so với các nhóm Nùng khác ở Cao Bằng là cách phát âm của người Nùng An  gần giống với ngôn ngữ của người Tày hơn, cả về âm điệu và âm tiết. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Nùng An giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc mình. Ngoài ra ngôn ngữ Nùng An còn được các thầy Tào, thầy Mo sử dụng trong các nghi lễ tâm linh. Các bài hát dân ca của người Nùng An như: Hèo Phưn, Hát ru, Hát giao duyên, Hát nghi lễ, Truyền thuyết… còn lưu giữ được đến ngày nay chủ yếu bằng cách thức là truyền miệng. Lễ hội của người Nùng An nhiều và phong phú, nhưng trong đó quan trọng nhất là Lễ hội tảo mộ và Lễ hội Thanh Minh.
   Nổi bật trong văn hóa người Nùng An phải nói đến nghề truyền thống: Truyền thống của người Nùng An không ưa sự cầu kỳ, họ trung thành với lối sống cần kiệm, vốn là một trong những đức tính từ bao đời nay của người dân nơi đây. Với tinh thần tự lực tự cường, người Nùng An đã hoàn toàn làm chủ cuộc sống dựa vào chính bàn tay lao động sáng tạo của mình. Ngày nay, nghề dệt của người Nùng An vẫn còn lưu giữ được, các sản phẩm trang phục của người dân ở đây chủ yếu tự làm, hầu hết các gia đình ở đây đều có khung cửi để dệt vải. Với phương châm “ăn chắc mặc bền” người Nùng An rất giản dị trong cách ăn mặc. Bộ trang phục truyền thống là sự phản ánh khá rõ nét lối sống giản dị, tiết kiệm của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, nghề rèn của người Nùng An ở xã Phúc Sen vẫn được lưu giữ và phát huy. Nghề rèn là một nghề nặng nhọc, yêu cầu người thợ phải có tay nghề cao thì mới cho ra các sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, toàn xã có 06/10 xóm làm rèn với 158 lò và hơn 300 thợ. Nghề rèn đã giúp người dân ở xã Phúc Sen thoát nghèo và có nghề phụ để làm trong lúc nông nhàn. Sản phẩm rèn nông cụ của người Phúc Sen đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, luôn được khách hàng tin dùng và được đánh giá cao, điều đó thể hiện người dân nơi đây rất cần cù, sáng tạo và trọng chữ tín. Có thể nói, một trong những yếu tố dẫn đến sự tồn tại và thành công của nghề rèn chính là nhờ có truyền thống giữ chữ tín hàng đầu của người Nùng An. Nghề rèn của người Nùng An đã đóng góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
   Bên cạnh những mặt tích cực cần được bảo tồn và phát huy, đời sống văn hóa của người Nùng An cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế. Đó là những hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Quan niệm vạn vật hữu linh, vạn vật có hồn, khi chết đều thành ma, quỷ thần có thể tác oai, tác phúc, thầy bói có khả năng bói cúng phù phép để trừ được ma tà... đã sinh ra những tín ngưỡng mà mục đích, ý nghĩa không rõ ràng, hoặc dẫn đến việc thờ cúng nhiều ma, thần với các tục lệ kiêng kỵ rườm rà, tốn kém, thiếu cơ sở khoa học. Trong hôn nhân, tục hỏi vợ sớm khi người con trai mới 14, 15 tuổi, việc xem hợp lục mệnh, so đôi tuổi, cũng là những yếu tố mê tín cần loại bỏ. Có những đôi trai gái rất yêu nhau, chỉ vì thầy cúng so tuổi không hợp nên gia đình không cho lấy nhau. Sự khép kín trong hôn nhân và các mối quan hệ trong nội bộ dân tộc Nùng An dễ dẫn đến tính cục bộ địa phương gây ảnh hưởng đến sự tiến bộ chung của cả cộng đồng. Việc làm ma chay là biểu hiện sự hiếu thảo của con cháu, thể hiện tình cảm của người đang sống đối với người đã chết, song thời gian ăn chay của gia đình quá dài (thường là 100 ngày), ăn không đủ chất, dẫn đến không đảm bảo sức khỏe phục vụ lao động sản xuất.  Đặc biệt do hủ tục từ xưa để lại, một số nhà sàn của người Nùng An vẫn còn tình trạng nuôi, nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng sức khỏe trong sinh hoạt hàng ngày.
   Mặt khác, do ảnh hưởng của truyền thông toàn cầu và công nghệ thông tin, nhiều thanh niên Nùng An có biểu hiện xa rời với văn hóa truyền thống, tôn sùng những yếu tố ngoại lai, những hiện tượng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn và bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc.
   Tôi xin đề xuất một số giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Nùng An ở huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới:
   Một là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tuyên truyền sâu rộng đến người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Nùng An.
    Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa: thành lập phân chi hội Bảo tồn dân ca và mở các lớp tuyên truyền dạy dân ca, nghề truyền thống của người Nùng An; thường xuyên tổ chức Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc...
    Ba là, tăng cường hội nhập, giao lưu, giới thiệu văn hóa, đời sống, con người Nùng An gắn với xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh.
    Bốn là, khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc. Tổ chức khen thưởng các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc sáng tác, sưu tầm, truyền dạy văn hoá, văn học, nghệ thuật .
    Năm là, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, công chức chuyên trách văn hóa xã.
   Sáu là, xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Coi trọng bản tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
   Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Nùng An góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tạo nên nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Xây dựng tốt đời sống văn hoá của người Nùng An không những góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hoá của các dân tộc, mà còn để văn hoá thấm sâu vào đời sống của từng cá nhân trong cộng đồng các dân tộc như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã đề ra./.
                                                                           ThS. Nguyễn Thị Oanh
                                                           Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật


 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.