• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Định hướng phát triển nông nghiệp thông minh, một chủ trương lớn của tỉnh Cao Bằng

Thứ hai - 28/09/2020 15:10

     Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng cao như: Luật Công nghệ cao 2008 (Luật số 21/2008/QH12, ngày 13/11/2008 của Quốc hội khóa XII); Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Quyết định số 1560/QĐ-BNN-KHCN ngày 25/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục công nghệ cao ứng dụng trong lâm nghiệp và nhiều văn bản khác.
    Để triển khai có hiệu quả các văn bản trên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp như: Chương trình số 08-CTr/TU ngày 19/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 695/QĐ-UBND ngày 19/5/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng… Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 30/8/2019 Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về Phát triển Nông nghiệp thông minh (NNTM) tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030 nhằm tập trung vào một số vùng, lĩnh vực, một số cây trồng, vật nuôi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Nông nghiệp thông minh (NNTM) có thể hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng cao (cơ giới hóa, tự động hóa…); công nghệ sản xuất, bảo quản sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin). Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành các cấp, ngành Nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, bước đầu tạo tiền đề để phát triển NNTM trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể:
    Trong lĩnh vực trồng trọt, một số dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ tại thành phố Cao Bằng, huyện Hòa An, Thạch An; mô hình trồng hoa hồng, dâu tây và dưa lưới tại thành phố Cao Bằng; trồng cây chanh leo ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại huyện Trùng Khánh; cấy mô trồng thạch hộc của Công ty TNHH công nghệ sinh học Ngân Hà; sản xuất rau các loại bằng phương pháp ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng hoa Layon bằng phương pháp vòm che đơn giản, hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng hoa ly, Tuylip trong nhà màng để điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, kiểm soát sâu bệnh, sử dụng công nghệ trên giá thể, sử dụng nước tưới nhỏ giọt và phân hòa tận gốc theo nhu cầu các giai đoạn của cây của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng; ngoài ra, đang triển khai và có sản phẩm cung cấp ra thị trường các loại cây như cây Lê vàng tại huyện Thạch An, Nguyên Bình; Cam, Quýt tại huyện Trùng Khánh, Nguyên Bình, Hòa An; Gừng trâu, Lạc trắng tại huyện Hà Quảng...
    Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã có một số dự án chăn nuôi tập trung được triển khai và có sản phẩm cung cấp ra thị trường như: trang trại chăn nuôi Thông Huề (huyện Trùng Khánh) của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Cao Bằng; dự án trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt tiêu chuẩn công nghiệp và hữu cơ của Công ty cổ phần chăn nuôi Ánh Dương tại xã Ngũ Lão huyện Hòa An …
    Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý rừng đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để theo dõi diến biến rừng, đất lâm nghiệp và số liệu đã được đồng bộ hóa trên cả nước, giống cây lâm nghiệp được thực hiện theo phương pháp chọn cây trội như cây hồi tại xã Vân Trình, huyện Thạch An; cây Keo tại xã Quang Trọng, huyện Thạch An, Keo lấy gỗ (giống nuôi cấy mô) tại xã Bạch Đằng, huyện Hòa An.
Qua thực hiện Đề án, có thể nói đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân và các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, của các cấp, ngành địa phương, sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu để phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh của tỉnh.
    Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của tỉnh còn ở mức thấp, rải rác, mới chỉ ứng dụng từng phần, chưa trở thành hệ thống đồng bộ, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất trên diện rộng, sản xuất nông nghiệp chưa có bước đột phá về năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa làm ra chưa có sức cạnh tranh cao, hiệu quả còn thấp. Mặt khác, thị trường đầu ra của sản phẩm cần có thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, việc đầu tư cho NNTM ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, đây là thách thức đối với nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu theo hộ gia đình, còn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hay tập đoàn lớn tham gia đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn rất ít, thậm chí chưa có. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực quản lý, điều hành sản xuất của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, những thói quen, tập quán, tư duy sản xuất nhỏ, theo lối truyền thống của người dân địa phương vẫn còn khá phổ biến và tác động của biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và triển khai các mô hình NNTM trên địa bàn tỉnh.
    Phát huy nhưng ưu điểm và khắc phục những hạn chế trên, để triển khai thực hiện  Đề án số 21-ĐA/TU ngày 30/8/2019 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030 với mục tiêu chung: "Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó quy hoạch các vùng để ổn định sản xuất; vùng phát triển sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực; xây dựng vùng NNTM ứng dụng công nghệ cao phù hợp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh Cao Bằng phát triển theo hướng hiện đại…". Đề án chia thành 02 giai đoạn:
    Giai đoạn 2020 - 2025: Đến hết năm 2025, lĩnh vực trồng trọt có 1.990 ha diện tích các cây trồng truyền thống của địa phương như: gừng, nghệ, chanh leo, lê, cam, quýt, dẻ, rau các loại theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ, ứng dụng thông minh, công nghệ cao vào các khâu chính: giống trong nhà lưới, cắt tỉa tạo tán cây, tưới tự động, tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh hại. Xây dựng nhà lưới sản xuất giống cây ăn quả; nhà lưới sản xuất rau; nhà sơ chế; nhà bảo quản kho lạnh tại các vùng sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực chăn nuôi, tập trung công nghệ cao vào các khâu giống vật nuôi, xây dựng trang trại đồng bộ, hệ thống chuồng trại khép kín, ứng dụng các công nghệ quản lý trang trại thông minh, công nghệ điều khiển thông minh, kiểm soát nhiệt độ, tự động cung cấp thức ăn tùy theo độ tuổi vật nuôi, lập trình số lần cho ăn trong ngày, định lượng cho mỗi lần ăn, tự động mở đèn thắp sáng trang trại, thắp sáng khi cho ăn như Dự án Khu chăn nuôi bò sữa tại huyện Quảng Hòa với quy mô đàn 10.000 con, tổng diện tích trồng cỏ 1.400 ha; trang trại bò thịt khoảng 500 con, bò sinh sản khoảng 200 con tại huyện Thạch An, tổng diện tích trồng cỏ 70 ha; trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại huyện Hòa An, Trùng Khánh, Hà Quảng với quy mô 400 con lợn nái và 4.000 con lợn thịt. Lĩnh vực lâm nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, trong đó: trồng rừng gỗ lớn 20.000 ha, gỗ nhỏ 7.200 ha, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 15.000 ha; trồng Trúc sào 1.200 ha, hồi 500 ha, quế 600 ha, cây dược liệu 250 ha với quy mô sản xuất từ 12 đến 13 triệu cây/năm bằng công nghệ nuôi cấy mô và giâm hom.
    Giai đoạn 2025 - 2030: Đến năm 2025, lĩnh vực trồng trọt mở rộng thêm diện tích cây chanh leo, cam, quýt, dẻ, rau, gừng, nghệ, chanh leo, lê ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc theo quy trình hữu cơ với tổng diện tích 1.850 ha, nâng tổng diện tích đến năm 2030 đạt 3.840 ha. Lĩnh vực chăn nuôi, mở rộng Khu chăn nuôi bò sữa với quy mô tăng 10.000 con, xây dựng liên vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng nông hộ, gia trại làm vệ tinh cho Trang trại chăn nuôi công nghệ cao khoảng 1.000 hộ với quy mô chăn nuôi 5.000 con bò sữa, diện tích trồng cỏ tăng thêm 1.400 ha; mở rộng chăn nuôi bò sinh sản tăng 400 con, bò thịt tăng 1.200 con, diện tích cỏ trồng tăng thêm 130 ha. Mở rộng chăn nuôi lợn tập trung thêm 600 con lợn nái và 8.000 con lợn thịt. Lĩnh vực lâm nghiệp, xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, chế biến lâm sản ngoài gỗ, chế biến dược liệu sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng của địa phương.
     Đề án Phát triển nông nghiệp thông minh là một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh Cao Bằng, khi Đề án được triển khai, nhân rộng sẽ là một trong những đột phá của tỉnh mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

ThS. Trương Thị Phương
               Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật                 
 
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.