• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một vài suy nghĩ về giảng dạy các chuyên đề Triết học Mác - Lênin trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ hai - 28/09/2020 14:53

    Triết học Mác - Lênin là một trong ba bộ phận cấu thành Chủ nghĩa Mác - Lê nin (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học); đầu tiên là Triết học Mác, do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập ra, được V.I.Lênin và các nhà mácxít phát triển thêm. Triết học Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX và được phát triển gắn chặt với những thành tựu khoa học và thực tiễn phong trào cách mạng công nhân. Sự ra đời của Triết học Mác là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử tư tưởng loài người và trong lịch sử triết học. Do vậy, giảng dạy Triết học Mác - Lênin không chỉ là bồi dưỡng kiến thức, trang bị cho người học thế giới quan và phương pháp luận khoa học mà còn giúp người học có thái độ đúng đắn với hiện thực, khả năng phân tích các vấn đề, từ đó góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước hiệu quả.
    Việc tổ chức giảng dạy bộ môn Triết học Mác - Lênin trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong luôn được Ban Giám hiệu và giảng viên quan tâm thực hiện tốt và đạt được những kết quả nhất định như: Giảng viên nghiên cứu sâu những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn để áp dụng vào soạn, giảng đạt chất lượng tốt; kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống là thuyết trình với các phương pháp giảng dạy tích cực, qua đó tạo được sự hứng thú cho người học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Triết học. Tuy nhiên, Triết học là môn khoa học trừu tượng và có tính khái quát cao, do đó để truyền tải những tri thức đó đến học viên đạt được hiệu quả cao nhất đòi hỏi người giảng viên phải chú ý một số điểm sau đây:
    Thứ nhất, phải nhận thức rõ đặc thù của môn triết học. Điều này thể hiện ở ngay đối tượng nghiên cứu của triết học Mác - Lênin đó là những quy luật phổ biến nhất của sự tồn tại, vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nhưng những quy luật đó được phản ánh thông qua hệ thống những nguyên lý, quy luật, phạm trù của Triết học Mác - Lênin. Do vậy, dạy và học Triết học Mác - Lênin cũng có nghĩa là giảng dạy và học tập, nghiên cứu những nguyên lý, quy luật, phạm trù của Triết học Mác - Lênin. Bên cạnh đó, do đặc thù của tiếng Việt, nên trong ngôn ngữ thường ngày và các phạm trù triết học có sự trùng hợp về phát âm và chữ viết. Nhưng nội hàm của các phạm trù triết học đôi khi lại hoàn toàn khác với những phạm trù, khái niệm vẫn được sử dụng trong ngôn ngữ đời thường. Ví dụ: phạm trù “vật chất”, “mâu thuẫn” hiểu theo nghĩa triết học khác hoàn toàn với “vật chất” và “mâu thuẫn” được sử dụng trong ngôn ngữ đời thường. Điều này đòi hỏi người giảng viên phải luận giải và làm cho học viên thấy được sự khác biệt đó.
    Hai là, về sử dụng phương pháp trong giảng dạy. Từ thực tiễn giảng dạy, tôi thấy giảng viên nên sử dụng hai phương pháp cơ bản. Thứ nhất, phương pháp lịch sử cụ thể. Khi sử dụng phương pháp này đòi hỏi giảng viên lý giải giúp cho người học thấy được lịch sử của vấn đề trong những điều kiện cụ thể nhất định trong sự vận động và phát triển của hiện thực khách quan mà về thực chất là sự vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trên cơ sở đó, học viên hiểu rằng Triết học Mác - Lênin trong quá trình hình thành và phát triển bao hàm trong nó là sự kế thừa tinh hoa triết học của các thời kỳ trước đó. Thứ hai, phương pháp so sánh. Cùng với đó, người giảng viên khi trình bày quan điểm của Triết học Mác - Lênin về một vấn đề nào đó thì việc so sánh quan niệm của Triết học Mác - Lênin với các quan điểm khác là cần thiết vì điều đó giúp học viên có được cái nhìn thấu đáo hơn.
    Ba là, nắm vững logic kiến thức của bộ môn triết học trong chương trình giảng dạy. Triết học Mác - Lênin là môn khoa học có sự thống nhất hữu cơ không thể tách rời giữa các bài với nhau. Kiến thức của các bài này liên hệ chặt chẽ với nhau. Nắm vững kiến thức của toàn môn triết học giúp cho giảng viên thêm bình tĩnh, tự tin trong khi giảng. Ngoài ra, giảng viên giảng dạy triết học cũng cần phải có khối kiến thức nhất định về các môn lý luận Mác - Lênin như kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học,…
    Bốn là, phải tìm hiểu đối tượng học viên. Để chủ động trong việc truyền thụ kiến thức người giảng viên cần biết rõ đối tượng học là ai, trình độ học vấn, công việc họ đang đảm nhiệm, chức vụ công tác.... Trên cơ sở đó lựa chọn cách trình bày bài giảng phù hợp, nhất là phần lấy ví dụ minh chứng hay phần nêu ý nghĩa phương pháp luận. Những nguyên lý của Triết học Mác - Lênin là giống nhau nhưng ý nghĩa phương pháp luận rút ra cho từng đối tượng học nên phù hợp với họ. Làm chủ lớp học cũng có nghĩa là làm chủ chương trình bài giảng, bố trí thời gian giảng từng mục, từng phần phải phù hợp, tránh không để cháy giáo án.
    Năm là, người giảng viên phải nói to, rõ ràng và biết cách đưa những ví dụ thích hợp vào bài giảng. Để làm được việc đó, người giảng viên phải tích cực, kiên trì và quyết tâm rèn luyện, chú ý cách phát âm. Và để tạo hứng thú, thu hút học viên vào bài giảng, người giảng viên có thể sử dụng những câu chuyện cười tế nhị, dí dỏm, có văn hóa áp dụng vào bài giảng, tuy nhiên không được sa đà lạm dụng.
     Trên đây là một vài kinh nghiệm trong giảng dạy các chuyên đề Triết học Mác - Lênin thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong của bản thân. Mong muốn rằng những kinh nghiệm này sẽ góp phần nâng cao thêm chất lượng giảng dạy môn Triết học Mác - Lênin tại Nhà trường.

ThS. Nông Văn Dũng
 Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.