• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Những ảnh hưởng cơ bản của đạo Tin lành đối với đồng bào dân tộc H’Mông tại Cao Bằng

Thứ hai - 28/09/2020 14:39

    Tình hình Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc H’Mông là một trong những  vấn đề tôn giáo, dân tộc phức tạp nhất hiện nay ở tỉnh Cao Bằng. Sự phát triển của tôn giáo này do nhiều nguyên nhân khác nhau đó là sự khó khăn về đời sống vật chất, trình độ dân trí thấp, chưa nắm rõ quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo, cách giải quyết đối với đạo Tin lành. Bên cạnh đó là hạn chế của hệ thống chính trị tại cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo.
    Tính đến thời điểm tháng 4/2019 tỉnh Cao Bằng có 05 hệ phái Tin lành, trong đó có 02 hệ phái đã được Nhà nước công nhận: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Hệ phái liên hữu Cơ đốc Việt Nam. Tổng số điểm nhóm toàn tỉnh là 205 điểm nhóm với 5.068 hộ, 25.362 nhân khẩu, 16.895 tín đồ theo đạo Tin lành; địa bàn ảnh hưởng của đạo Tin lành là 250 xóm, 62 xã, 08 huyện. Hiện có 145 điểm nhóm thuộc hệ phái Tin lành Việt Nam (miền Bắc) được UBND cấp xã chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Với số lượng tín đồ và chức sắc đông như vậy, có thể khái quát về ảnh hưởng của đạo Tin lành đối với đồng bào dân tộc người H’Mông ở hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.
     Mặt tích cực, ảnh hưởng đối với đời sống tín ngưỡng, văn hóa, với hình thức là thờ nhất thần - Thiên Chúa, khi theo đạo Tin lành họ đã bỏ toàn bộ hệ thống tín ngưỡng, giảm bớt được gánh nặng về kinh tế đối với những nghi thức tâm linh trong đời sống. Người H’Mông theo Tin lành không ăn tất cả các loại tiết canh; không uống rượu; về nhà ở, do không còn thờ cúng tổ tiên và thực hiện những nghi thức tín ngưỡng truyền thống, nên nhà của họ sắp xếp, bài trí ngăn nắp hợp lý hơn; về giáo dục, khuyến khích con cái học chữ, tuy nhiên việc học chỉ là để đọc được kinh thánh và phục vụ việc hành đạo; trong quan hệ gia đình và xã hội luôn thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng, giảm dần sự áp đặt và trọng nam khinh nữ...
    Với lợi thế về đức tin và lối sống hiện đại, đạo Tin lành đã góp phần xóa bỏ những tập quán, lối sống lạc hậu của người H’Mông, như nghi lễ tang ma của người H’Mông theo truyền thống rất rườm rà với nhiều lễ thức phiền toái và tốn kém. Theo đạo Tin lành, người chết không để quá 24 giờ; chôn cất không cần chọn ngày và chọn giờ mà có thể chôn người chết vào bất kỳ lúc nào để đảm bảo vệ sinh. Việc cưới xin, nguời H’Mông theo đạo Tin lành tiếp cận quan niệm hôn nhân theo lối hiện đại, tổ chức đơn giản, bỏ tục tảo hôn, hôn nhân trong huyết thống, thực hiện hôn nhân một vợ, một chồng và ít có li hôn. Về lao động sản xuất, Đạo Tin lành còn tuyên truyền tính tiết kiệm, không lãng phí, buông thả. Do đó, ở nhiều nơi đồng bào dân tộc H’Mông theo Tin lành đã chăm chỉ sản xuất, biết cách làm giàu cho gia đình mình. Đạo Tin lành cũng đã góp phần vào việc đẩy lùi tệ nạn nghiện hút thuốc phiện, đặc biệt những nơi đã đăng ký với chính quyền và có liên hệ về tổ chức với các tổ chức Tin lành hợp pháp, thì các mặt tích cực về xã hội càng bộc lộ rõ như việc chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nghiêm túc, quan hệ với chính quyền tốt và cởi mở hơn.
    Mặt tiêu cực, đạo Tin lành với đức tin, những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, cùng với những giá trị riêng của nó đã tạo ra sự thay đổi và chuyển biến tích cực như đã nói ở trên đối với đời sống đồng bào dân tộc H’Mông, tuy nhiên, bên cạnh những yêu tố tích cực đó thì đạo Tin lành cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đối với đời sống của đồng bào như:
    Với yếu tố nhất thần cao, đi đến đâu đạo Tin lành cũng thường gây ra sự xung đột về văn hóa giữa văn hóa lối sống Tin lành với văn hóa tín ngưỡng tại chỗ mà Tin lành xâm nhập và phát triển. Theo đạo Tin lành các gia đình H’Mông phải thực hiện nghi lễ đuổi tổ tiên, đuổi thần nhà, thần cửa ra khỏi ngôi nhà của mình, từ đó họ từ bỏ tất cả mọi tín ngưỡng truyền thống của dân tộc dẫn đến những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người H’Mông đã và đang bị phá vỡ. Ở một số nơi khi người dân theo đạo Tin lành tạo ra tình trạng chia rẽ anh em trong họ hàng, giữa những người theo và những người không theo đạo Tin lành, con không nghe lời bố, mẹ; em không còn nghe lời anh, chị; vợ không nghe lời chồng. Thậm chí, anh em không muốn nhìn mặt nhau, từ bỏ nhau, ngay cả khi bố mẹ chết không đến chịu tang, không đến làm ma chỉ vì mình đã là người của Vàng Trứ. Ở một số nơi, người ta cấm cả trai gái hai bên không được lấy nhau. Một số làng đã nảy sinh xung đột giữa hai nhóm chỉ vì những nguyên cớ đơn giản, vai trò của già làng, trưởng bản bị giảm sút, thậm chí là mất đi, nhường chỗ cho “một tầng lớp mới” - những người tích cực truyền đạo mà tuổi đời hầu hết là thanh niên, trung niên và tầng lớp thanh niên chịu ảnh hưởng của Vàng Trứ đã mất đi ý thức tiếp nhận thuần phong mỹ tục truyền thống mà cha ông muốn truyền lại. Lớp người cao tuổi, già làng, trưởng bản không thể bảo ban, lưu truyền lại những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc cho thế hệ sau, dẫn đến hậu quả là nền văn hoá truyền thống của dân tộc H’Mông có nguy cơ bị băng hoại, dòng chảy văn hoá dân tộc có thể bị đứt đoạn, đổi hướng.
    Đạo Tin lành còn gây ra sự phân chia, đối lập và căng thẳng trong nội bộ người H’Mông giữa người theo và không theo đạo vì nó liên quan tới sự khác biệt trong thờ cúng, thực hành các nghi lễ, nhất là trong thực hành các nghi lễ tang ma và cưới xin, trong các kiêng khem,… Trẻ em H’Mông theo đạo Tin lành quan niệm chỉ cúi đầu trước Chúa nên vai trò của người già không còn được tôn trọng như trước. Sau khi từ bỏ tín ngưỡng đạo theo Tin lành, việc trao đổi hôn nhân của người H’Mông thường diễn ra trong nội bộ các nhóm tôn giáo, rất khó khăn trong việc kết hôn ngoại đạo.
    Một số phần tử đã lợi dụng đức tin trong tín đồ đạo Tin lành để mưu đồ chính trị, đó là tuyên truyền sai lệch về đường lối của Đảng, tổ chức biểu tình gây rối trước các sự liện lớn của đất nước và địa phương, tranh giành ảnh hưởng, lôi kéo quần chúng tín đồ với các tổ chức đoàn thể, thực hành những nghi lễ tôn giáo vào vụ mùa hay ngày tựu trường…
    Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh và khả năng chi phối đời sống tinh thần của các tín đồ theo đạo Tin lành đòi hỏi các cấp, các ngành, các bên liên quan có sự phối hợp đồng bộ trong hệ thống các giải pháp để từng bước ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo này trên địa bàn tỉnh, trong phạm vi của bài viết, tác giả xin đưa ra các giải pháp sau:
    Thứ nhất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào theo đạo Tin lành lợi dụng hoàn cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn để xâm nhập vào đồng bào H’Mông nên việc tạo ra một đời sống kinh tế - xã hội phát triển cao chắc chắn sẽ có tác dụng ngăn cản hữu hiệu sự phát triển của đạo Tin lành và ảnh hưởng tiêu cực của nó. Với nền kinh tế mang tính chất tự cung tự cấp dẫn đến khoảng cách khá lớn về đời sống vật chất của đồng bào dân tộc H’Mông so với các dân tộc khác. Do đó, phương hướng cơ bản để phát triển kinh tế trong vùng dân tộc H’Mông là chuyển từ nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hóa, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc, đa dạng hoá các hình thức sản xuất kinh doanh. Điều đó khai thác được các tiềm năng của dân tộc H’Mông về các mặt như lao động, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác rừng, phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, mạng lưới dịch vụ,… sẽ góp phần phát triển, tạo điều kiện cho đồng bào tự ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất của mình, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, củng cố, phát triển thêm hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, quan tâm phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất của đồng bào H’Mông là giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài để khắc phục việc phát triển đạo Tin lành cùng những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong đời sống đồng bào H’Mông
    Thứ hai, chú trọng nâng cao trình độ dân trí, khoa học kỹ thuật cho đồng bào, cần có nhiều hơn các chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng cao, đầu tư xây dựng trường lớp, phát triển các hình thức trường, lớp bán trú liên bản, liên xã. Củng cố và mở rộng hệ thống trường dân tộc nội trú, đào tạo cán bộ dân tộc người H’Mông để xây dựng một thế hệ trẻ người H’Mông có kiến thức và năng lực để phục vụ chính đồng bào của mình.
     Thứ ba, củng cố và tăng cường hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, dân vận. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc nắm bắt và tuyên truyền, vận động nhân dân. đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thông qua tuyên truyền giáo dục đồng bào nhận rõ âm mưu của kẻ địch trong việc truyền đạo trái phép vào đồng bào H’Mông; chú trọng việc sử dụng ngôn ngữ của người H’Mông trong công tác tuyên truyền, vận động.
    Tất cả những giải pháp trên cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân mới hạn chế được tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo này. Đồng thời, việc thực hiện đúng, đủ và thắng lợi các giải pháp góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, đặc biệt là của các tín đồ đạo Tin lành đối với Đảng và chính quyền, như vậy mới dần khắc phục được những ảnh hưởng tiêu cực của đạo Tin lành đối với mọi mặt của đời sống đồng bào người H’mông, thu hẹp dần khoảng cách về mọi mặt, tạo lòng tin của nhân dân đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời động viên nhân dân trong vùng tích cực xây dựng cuộc sống mới nơi thôn bản, góp phần ổn định về kinh tế, an ninh, quốc phòng trên vùng đồng bào dân tộc.
                                                                             ThS. Lương Thị Bằng
                                                                         Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.