• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ hai - 28/09/2020 15:04

    Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về cả chính trị và kinh tế, Việt Nam cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng, thâm hụt, khan hiếm hàng hóa, lương thực, thực phẩn, chỉ số lạm phát cao. Đứng trước tình hình đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải có những tìm tòi và khảo nghiệm mới về kinh tế và xác định chặng đường tiếp theo của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, những vấn đề về mô hình kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường đã được Đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá và nhận thức lại.
     Hội nghị Trung ương sáu, khóa IV (8 -1979)  với quan điểm “làm cho sản xuất bung ra” có thể coi là bước đột phá những rào cản đầu tiên trong việc thay đổi tư duy trên lĩnh vực kinh tế, kích hoạt lực lượng sản xuất phát triển. Hội nghị lần thứ tám Trung ương (6-1985) tiếp tục có bước đột phá về giá, lương, tiền, dứt khoát về xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, xóa bỏ hình thức tem phiếu, trả lương bằng tiền. Cùng với kết luận của của Bộ Chính trị (20 - 9- 1986) về thay đổi cơ cấu kinh tế, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế nhiều thành phần đã làm thay đổi hình thức tổ chức, quản lý, kinh doanh, xóa bỏ cơ chế “xin- cho”, chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế, lỗ lãi. Có thể nói đây là những khâu đột phá quan trọng, đặt nền móng cơ bản định hướng phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.
    Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12- 1986) của Ðảng chính thức đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước và xác nhận các thành phần kinh tế bao gồm: “kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, tập thể), kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp, tự túc. Nhận thức và vận dụng đúng quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Tại hội Hội nghị Trung ương hai khóa VI (4-1987) tập trung bàn về “Giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối và lưu thông”, nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xóa bỏ chế độ trao đổi hiện vật giữa Nhà nước và nông dân, nông dân được tự do lưu thông lương thực, thực phẩm và các nông sản khác sau khi đã làm đủ nghĩa vụ thuế đã ký với các tổ chức Nhà nước. Các hoạt động kinh tế của Nhà nước cũng chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, không bù lỗ. Hội nghị Trung ương sáu khóa VI (10-2012) chính thức thừa nhận tư liệu tiêu dùng, vật tư, dịch vụ, sức lao động đều là hàng hóa, được tự do mua bán theo giá thỏa thuận trên thị trường, mở rộng quan hệ hàng hóa gắn với tiền tệ, tập trung vào xuất khẩu, cải thiện chính sách đối với thuế nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp.
    Đại hội VII (1991) tiếp tục khẳng định: “Từng bước hình thành và mở rộng đồng bộ các thị trường hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, dịch vụ, thị trường vốn và tiền tệ, thị trường ngoại hối, thị trường sức lao động”[1] Trong đó phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế. Đại hội cũng xác định cơ chế vận hành của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách. Trong cơ chế kinh tế đó, các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp. Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng dẫn dắt các thành phần kinh tế, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Đây là một bước chuyển biến quan trọng từ nhận thức kinh tế thị trường như một công cụ phát triển sang một cơ chế quản lý, coi kinh tế thị trường như một chỉnh thể, cơ sở kinh tế của sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
    Tiến thêm một bước xa hơn trên con đường chuyển sang kinh tế thị trường, Đại hội VIII (1996) với quan điểm: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả ngay khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng[2]. Đây chính là việc thống nhất quan điểm nhận thức của Đảng, coi sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế thị trường tồn tại một cách khách quan, là sản phẩm của sự phát triển sản xuất của nhân loại.
    Lần đầu tiên khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được chính thức sử dụng trong các văn kiện của Đại hội Đảng IX (2001). Tại Đại hội, Đảng ta xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, vừa chịu chi phối bởi nguyên tắc và bản chất của xã hội chủ nghĩa “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa chịu chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa”[3].
     Đại hội X (2006) đã thống nhất với quan điểm “Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, các quy định của Ban chấp hành Trung ương”[4] và Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28 tháng 8 năm 2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Quy định về đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Những quy định đã trở thành căn cứ pháp lý vừa đảm bảo phát huy khả năng làm kinh tế của đảng viên, vừa giữ được tư cách đảng viên, không làm đảng viên biến chất trước kinh tế thị trường. Đây lại là bước tiến quan trọng để những người đảng viên chính thức được tham gia phát triển kinh tế vào những lĩnh vực pháp luật không cấm, được làm chủ và đóng góp cổ phần vào các đơn vị kinh tế tập thể, kinh tế quốc doanh, thành lập doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy sức lực, trí tuệ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho chính đảng viên và đất nước: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chúng ta không xem kinh tế tư nhân là gắn với chủ nghĩa tư bản, mà lãnh đạo kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy đảng viên làm kinh tế phải trên cơ sở gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương”[5].
    Đại hội XI của Đảng tiếp tục làm rõ về nội hàm bản chất, mục tiêu, vai trò lãnh đạo của Đảng, chủ thể quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”[6]. Trong đó nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý kinh tế của Nhà nước bằng hệ thống chính sách pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những mặt trái, mặt tiêu cực, những tình trạng thất thoát, lãng phí sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, vốn, tài sản do Nhà nước làm chủ sở hữu. Khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức trong quá trình phát triển kinh tế thị trường. Đồng thời khuyến khích vai trò làm chủ, làm giàu chính đáng của nhân dân, của các doanh nghiệp, các đảng viên trong các lĩnh vực kinh tế.
    Đại hội XII (2016) tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”[7]. Những tư duy linh hoạt trong quá trình nhận thức vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế, giữa các yếu tố thị trường và các loại thị trường; giữa thể chế kinh tế với thể chế chính trị, xã hội; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
    Như vậy, quá trình hình thành phát triển tư duy lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Đó là một quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, tổng kết từ thực tiễn, sáng tạo không ngừng, khẳng định vai trò lãnh đạo, sự vận động linh hoạt của Đảng trong việc xác định phát triển kinh tế đất nước thời kỳ đổi mới.

   ThS. Trần Thị Thu Hồng
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H.1991, tr63
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự thật, H.1991, tr97
[3] Văn kiện Đảng về phát triển kinh tế xã hội, Nxb Chính trị quôc gia Hồ Chí Minh, H 2014, tr 770
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Sự thật, H.12006, tr302
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Sự thật, H.12006, tr358, 359
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr204
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr 102

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.