• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Suy nghĩ về quy luật phủ định của phủ định trong triết học Mác - Lênin

Thứ bảy - 31/03/2018 15:20

   Như chúng ta đã biết, Phép biện chứng có ba quy luật cơ bản: Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại và quy luật phủ định của phủ định. Nội dung của ba quy luật này đã được Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm "Chống Đuyrinh" và nhiều tài liệu khác. Tuy nhiên, khi tiếp cận và diễn giải nội dung quy luật phủ định của phủ định, vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Với bài viết này, tác giả xin được trao đổi với độc giả về cách hiểu quy luật phủ định của phủ định trong Triết học Mác – Lênin trên hai mặt:
   Một là, quy luật phủ định của phủ định chỉ ra phương thức của sự vận động.
   Khi bàn về vấn đề này có ý kiến cho rằng: quy luật phủ định của phủ định cho biết khuynh hướng của sự phát triển; cũng có ý kiến cho rằng phủ định của phủ định chỉ ra khuynh hướng vận động của sự vật. Trong hai ý kiến trên, theo tôi ý kiến thứ hai có tính khái quát hơn cả. Bởi vì, trong thế giới khách quan mọi sự vật đều vận động nhưng không phải mọi sự vật đều phát triển. Vận động và phát triển là khác nhau, vận động gồm cả phát triển và thoái hóa. Phát triển là vận động đi lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Thoái hóa là vận động đi xuống từ cao đến thấp, từ phức tạp đến giản đơn. Trong thực tế, sự vận động của sự vật không giống nhau. Một số sự vật thì phát triển; một số sự vật thì thoái hóa; một số sự vật có lúc thì phát triển, lúc thì thoái hóa; một số sự vật không phát triển cũng không thoái hóa. Chẳng hạn sự thay đổi của các sự vật từ trái sang phải, từ nhỏ đến to, sự thay đổi của thời tiết từ nắng sang mưa, từ mùa xuân sang mùa hạ, sự kết hợp của các nguyên tử thành phân tử…Những sự thay đổi đó không phải là phát triển và cũng không phải là thoái hóa. Nhìn một cách tổng quát, sự vận động mang tính chất cơ học thông thường không dẫn đến sự thay đổi về chất của sự vật hiện tượng. Với cách hiểu như vậy, có thể khẳng định rằng dưới tác động của quy luật phủ định của phủ định, trong quá trình vận động, không phải mọi sự vật, hiện tượng đều phát triển, cũng không phải khuynh hướng vận động nói chung trong thế giới là phát triển. Do vậy, không nên nói quy luật phủ định của phủ định chỉ ra khuynh hướng phát triển, mà chỉ nên nói quy luật phủ định của phủ định chỉ ra khuynh hướng vận động hay khuynh hướng thay đổi về chất của sự vật hiện tượng
   Thứ hai, về số lần phủ định của mỗi chu kỳ trong quá trình vận động.
   Thừa nhận quy luật phủ định của phủ định là thừa nhận sự lặp lại theo chu kỳ trong quá trình sự thay đổi của sự vật. Nhưng vấn đề là chỗ, chu kỳ lặp lại đó xuất hiện sau mấy lần phủ định (tức là mỗi chu kỳ có mấy lần phủ định)? Có ý kiến cho rằng: quá trình phủ định của phủ định tạo thành sự vận động, phát triển không ngừng mang tính chu kỳ của thế giới khách quan. Trải qua một số lần phủ định, sự vật hiện tượng dường như qua lại những giai đoạn đã qua trên cơ sở mới cao hơn. Thông thường, chu kỳ của vòng phủ định biện chứng thể hiện: Từ khẳng định đến phủ định, từ phủ định đến phủ định của phủ định. Qua hai lần phủ định như vậy, trong điều kiện bình thường có thể coi là đã hoàn thành một chu kỳ của sự phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế không nên quan niệm như vậy. Một chu kỳ, hay một vòng phủ định biện chứng không thùy thuộc vào số lần phủ định. Ví dụ: Hạt lúa – cây lúa – bông lúa; trứng – tằm – nhộng – bướm – trứng mới. Như vậy, theo ý kiến này, ở một số trường hợp, sự lặp lại theo chu kỳ xuất hiện sau một số lần phủ định, chứ không phải sau hai lần phủ định. Nếu cho rằng, ở một số trường hợp chu kỳ lặp lại xuất hiện nhiều lần phủ định (chứ không phải sau hai lần phủ định), thì chúng ta chỉ cần nói quy luật phủ định, chứ không cần nói quy luật phủ định của phủ định. Nói quy luật phủ định của phủ định là có hàm ý cho rằng mỗi chu kỳ lặp lại xuất hiện sau hai lần phủ định, chứ không phải sau một hoặc sau nhiều lần phủ định. Khái niệm “phủ định” được dùng trong quy luật phủ định của phủ định cần được hiểu là sự thay thế cái gì đó bằng cái phủ định nó (cái không phải nó), chứ không nên hiểu là sự thay thế cái gì đó bằng cái khác. Ví dụ, mùa xuân bị thay thế bởi không phải mùa xuân. Không phải mùa xuân cũng là một tính quy định (tính chất, thuộc tính). Mùa xuân và không phải mùa xuân là hai tính chất phủ định nhau. Theo cách hiểu này, chúng ta có thể chuyển những ví dụ về sự thay đổi nhiều lần trong một chu kỳ thành những ví dụ về sự thay thế hai lần trong một chu kỳ. Thí dụ, chu kỳ “Trứng – tằm – nhộng – bướm – trứng” có thể chuyển thành chu kỳ “Trứng – không phải trứng – trứng”. Như vậy, chu kỳ lặp lại sau hai lần phủ định phù hợp với mọi trường hợp.
   Trên đây là những trao đổi của tác giả đối với cách hiểu về quy luật phủ định của phủ định. Hi vọng rằng với những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các độc giả khi tiếp cận sẽ có cách hiểu đầy đủ và chính xác hơn về nội dung của quy luật này./.
                                                          ThS. Nông Văn Dũng
                                 Giảng viên Khoa  Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.