• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Một số giải pháp nâng cao bình đẳng giới đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Thứ sáu - 29/12/2017 16:31

   Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Trong xã hội hiện đại, quyền con người được xem như là  "thước đo" của sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển hay bản sắc văn hóa. Nguồn gốc tư tưởng về quyền con người có từ lâu đời, xuất phát từ  các nền văn hóa, tôn giáo và học thuyết ở cả phương Đông và phương Tây.
   Cho đến nay "Tuyên ngôn thế giới về quyền con người" và hai Công ước: "Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị"; "Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá", năm 1966 được xem là Bộ luật quốc tế về quyền con người. Đồng thời đây cũng là cơ sở lý luận - thực tiễn của khái niệm quyền con người.
   Từ khái niệm quyền con người có thể nhận thấy Bình đẳng giới là một quyền của con người. Sau nhiều năm, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thấy cần phải thay đổi nhận thức về phụ nữ, cho họ được quyền sống với phẩm giá và tự do mong muốn, và tự do khỏi sợ hãi. Bình đẳng giới cũng được coi là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển và xóa đói giảm nghèo.
   Theo dòng lịch sử, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 Việt Nam đã khẳng định: "đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện (Điều 9)". Sau đó các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đều thể hiện nguyên tắc này. Thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp 2013 đã dành một chương (Chương II) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Trong chương II, các nguyên tắc về quyền con người cũng như những quy định cụ thể về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được liệt kê đầy đủ tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn.
   Hiến pháp 2013 quy định:
   "1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
    2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng." (Điều 14  Chương II).
   Điều 26 quy định:
  "1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
   2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
   3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới."
   Quy định nghiêm cấm sự phân biệt đối xử về giới đã được thay thế cho quy định nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ được nêu trong Hiến pháp 1992 tại điều 63. Như vậy, có sự thay đổi trong cách tiếp cận về bình đẳng giới, đó là không chỉ nhấn mạnh sự phân biệt đối xử với riêng giới nữ mà là bình đẳng cho cả hai giới.
     Để nâng cao bình đẳng giới, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo đảm quyển con người ở Việt Nam, chúng ta cần làm tốt một số vấn đề sau:
     Thứ nhất, nâng cao nhận thức về bình đẳng  giới
     Có thể nói tình trạng nhận thức sai lầm, thiếu hụt, lệch lạc về giới và bình đẳng giới cần phải sớm được khắc phục. Trong nhận thức nói chung của xã hội có thể vẫn còn nhiều người cho rằng bảo đảm bình đẳng giới là đem lại nhiều quyền và cơ hội hơn cho nữ giới. Có trường hợp lại cho rằng bình đẳng giới là xóa bỏ sự khác biệt về giới trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, là việc đàn ông cũng phải làm những công việc như phụ nữ và ngược lại.
    Tuy nhiên tình trạng "trọng nam, khinh nữ" vẫn đang là một vấn đề tư tưởng lớn, hạn chế không chỉ quyền của nữ giới mà còn hạn chế cả sự phát triển của xã hội. Bình đẳng giới cũng như quyền con người là một chỉ báo về sự tiến bộ của xã hội. Bình đẳng giới nếu được giảm thiểu tất yếu sẽ tạo điều kiện cho nữ giới đóng góp nhiều hơn cho phát triển. Cho đến nay chưa có giải thích nào thỏa đáng cho tỷ lệ nữ thấp, thậm chí là rất thấp trong các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các cấp. Tình trạng này chỉ có thể được trả lời thỏa đáng là do nhận thức của chính cán bộ, Đảng viên, công chức của Đảng và nhà nước về giới vẫn còn lạc hậu. Điều này không chỉ bởi sự lạc hậu trong nhận thức của nam giới mà ở cả nữ giới. Nói rằng bất bình đẳng giới bắt nguồn từ văn hóa, từ sự lạc hậu của phương Đông là chưa thỏa đáng. Trên thế giới đã có không ít phụ nữ từng là nguyên thủ quốc gia…
    Thứ hai, thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới; hoàn thiện chính sách, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
    Ngay từ khi chưa trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Nhà nước ta đã tự nhận trách nhiệm, cam kết thực hiện những công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Năm 1982, Việt Nam đã gia nhập các công ước sau: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa, 1966 và Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với nữ giới, 1979. Ngay sau khi gia nhập các công ước nói trên Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động bảo đảm các quyền con người theo những chuẩn mực của công ước, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Nhà nước ta đã hoàn thiện Luật Hôn nhân gia đình. Có thể nói vấn đề bình đẳng giới đã sớm được luật hóa trong pháp luật Việt Nam. Đồng thời luật này thường xuyên được cập nhật, sửa chữa, bổ sung  phù hợp với sự phát triển của tư duy chính trị - pháp lý của Đảng và Nhà nước ta. Năm 1959, Việt Nam lần đầu tiên có luật về Hôn nhân gia đình. Sau khi gia nhập công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với nữ giới, năm 1986. Cho đến nay, Việt Nam đã sửa đổi luật này trở thành Luật Hôn nhân gia đình năm 1914. Năm 2006, Nhà nước ta ban hành Luật Bình đẳng giới. Sau đó,Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới ( 2011-2020).
   Để thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, từ thực tiễn chúng ta cần cần tập trung những vấn đề cơ bản sau:
   Trước hết, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Trên cơ sở chủ trương, chính sách, pháp luật đã được ban hành các ngành, các cấp cần  cụ thể hóa các mục tiêu trong các chính sách, chương trình, dự án công tác. Các cơ quan tổ chức cần đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể lồng ghép trong các nhiệm vụ, giải pháp của cơ quan, đơn vị.
   Thứ hai, trên cơ sở chương trình của tỉnh được phê duyệt, các cấp, các ngành xây dựng cần lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu đã đề ra trên các lĩnh vực.
   Chẳng hạn về chính trị cần có chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử, cấp ủy, lãnh đạo đoàn thể xã hội; cần có chương trình học tập, đào tạo nâng cao trình độ, bao gồm kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho nữ giới. Trên lĩnh vực kinh tế các ngành, các cấp cần quan tâm đến các dịch vụ mà nữ giới có thể tham gia. Trong điều kiện kinh tế thị trường các cơ quan tổ chức nhất là các đoàn thể cần có kế hoạch thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công ty trên địa bàn tuyên truyền phổ biến về Luật Lao động, Luật Bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền của nữ giới trong lao động.
   Thứ ba, tập trung xử lý những vấn đề "nóng" về giới.
   Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, lạm dụng tình dục đang là những vấn đề " nóng" cần giải quyết. Lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm vấn đề này. Các cơ quan pháp luật cần có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Thậm chí có thể sửa đổi pháp luật, nâng cao khung hình phạt đối với các tội phạm về bạo lực giới, buôn bán và lạm dụng tình dục đối với nữ giới.
   Cần nhân rộng các mô hình tuyên truyền về bình đẳng giới như "Câu lạc bộ bình đẳng giới", tổ công tác "tư vấn, hỗ trợ bạo lực giới", xây dựng "Nhà tạm lánh" hỗ trợ người bị bạo hành về giới.
    Thứ tư, loại bỏ các phong tục tập quán lỗi thời, lạc hậu mang tính định kiến giới.
    Ở Việt Nam hiện nay, phong tục tập quán vẫn có giá trị quan trọng trong đời sống con người, trong đó có cả những phong tục tập quán văn minh, tiến bộ đồng thời vẫn có những phong tục, tập quán lỗi thời lạc hậu, vi phạm quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng nam nữ. Vì vậy, nhà nước cần áp dụng những phong tục tập quán tích cực, loại trừ dần những quy định lỗi thời, có hại cho phụ nữ, trẻ em.
   Thứ năm, thu hẹp khoảng cách về giới tại nơi làm việc.
   Pháp luật đã có quy định cụ thể về nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính, song cần bảo đảm việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới trên thực tế. Cần nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích kinh tế và xã hội của bình đẳng giới và thay đổi tư duy của người sử dụng lao động nhằm gỡ bỏ những định kiến và rào cản văn hóa đối với cả hai giới.
   Nhà nước giúp các cơ sở lao động có cơ chế linh hoạt đối với lao động trong lĩnh vực thai sản, cung cấp và xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ em để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động  dù họ là phụ nữ hay nam giới; đảm bảo phụ nữ và nam giới được tạo cơ hội bình đẳng trong các chương trình đào tạo và hướng dẫn đặc biệt.
   Bình đẳng giới nói riêng, bình đẳng nói chung là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quyền con người. Có thể nói, bất bình đẳng giới tác động tiêu cực và ngược lại bình đẳng giới sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển và bảo đảm quyền con người, điều này là tất yếu với không chỉ riêng một quốc gia nào. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quyền con người đã tạo nên lãnh địa chung duy nhất trên toàn cầu, trong đó phụ nữ và nam giới là hai người chủ có vai trò quan trọng như nhau trong việc xây dựng nên ngôi nhà chung. Trong ngôi nhà chung đó, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, lao động, giáo dục… đều đòi hỏi có sự bình đẳng trong việc phân công cũng như trong cơ hội tiếp cận dành cho cả hai người. Bảo đảm bình đẳng giới cần được thực hiện không chỉ từ góc độ pháp luật mà còn cần có sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng nhân loại, trong đó giá trị đạo đức và văn hóa của mỗi quốc gia đóng vai trò đặc biệt quan trọng./.
                                                                         ThS. Tô Vũ Ninh
                                              Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Đình Giong
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.