• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở Cao Bằng thời kỳ 1941-1945

Thứ tư - 15/11/2017 08:46

   Mùa xuân năm 1941, sau khi nghiên cứu tình hình cách mạnh trong nước và phong phong trào cách mạng Cao Bằng. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 28 tháng 01, Nguyễn Ái Quốc quyết định cùng các đồng chí cán bộ Trung ương và một số cán bộ Cao Bằng từ biên giới Trung Quốc trở về nước, qua mốc 108 xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, và chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Để tiện cho việc hoạt động bí mật, Người lấy tên là Già Thu, nhân dân Cao Bằng quen gọi Người là với cái tên thân mật, Ông Ké.
   Tại căn cứ địa Cao Bằng, để phục vụ cho công tác thông tin và tuyên truyền, phục vụ cho việc xây dựng lực lượng cán bộ cốt cán và phong trào cách mạng, hướng dẫn đồng bào vào các tổ chức đấu tranh. Người sáng lập ra tờ Báo Việt Nam độc lập, gọi tắt là “Việt Lập”. Ngày 1/4/1941 số báo đầu tiên được ra đời mang mã số 101, báo được lưu hành ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn với nhiều bài viết của Người. Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19/ 5/ 1941 tại lán Khuổi Nậm, Pác Bó, Hà Quảng - Cao Bằng. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trường Trinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên và một số đại biểu của Trung Kỳ, Bắc Kỳ, một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị đã hoàn chỉnh về đường lối chiến lược và sách lược của Việt Nam, chính thức bầu ra Ban chấp hành Trung Ương Đảng, bầu đồng chí Trường Trinh làm Tổng Bí thư, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Chính sách Việt Minh được đề ra cụ thể, đồng thời xác định dường lối giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam.
   Ngoài những việc chuẩn bị về mặt tổ chức cách mạng. Nguyễn Ái Quốc còn chuẩn bị về mặt công tác chính trị, công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ cách mạng. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp  dịc`h tài liệu về cách mạng vô sản Nga, viết rất nhiều tài liệu như: “Con đường giải phóng”, “Lịch sử nước ta”, “Địa dư Cao Bằng”, “Chương trình, Điều lệ Việt Minh”."Kinh nghiệm đánh du kích". Những tài liệu này trở thành những tài liệu tuyên truyền và huấn luyện, giáo dục cán bộ, về tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc của dân tộc trong lịch sử. Đề ra phương pháp, cách thức tổ chức các hội quần chúng nhân dân đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, tài liệu Chương trình, Điều lệ Việt Minh được đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển thể thành thể thơ 5 chữ từ bài  “Mười chính sách Việt Minh”  của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và dịch ra ba thứ tiếng, tiếng Tày, tiếng Mông và tiếng Dao, dùng làm tài liệu phổ biến trong các lớp tuyên truyền và huấn luyện chính trị, văn hóa của phong trào Việt Minh và phong trào vận động quần chúng. Sau lại được đồng bào Cao Bằng chuyển thể thành những bài hát lượn tuyên truyền rộng khắp trong tỉnh, nức lòng dân chúng, sự ủng hộ của đồng bào đối với phong trào cách mạng ngày càng cao, quần chúng nhân dân Cao Bằng không kể đó là Tày, Nùng, Mông, Dao hay Sán Chỉ, đều tích cực, hăng hái tham gia vào các Hội cứu quốc ngày một đông, làm cho thực dân Pháp hoang mang, khiếp sợ.
   Các lớp huấn luyện cán bộ được bí mật mở ra ở nhiều nơi do các đồng chí Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên trực tiếp bồi dưỡng cho cán bộ người Tày, Nùng, Mông, Dao ở Kéo Quảng, Lũng Lừa, Lũng Mán của châu Nguyên Bình, Tỉnh Giảo, Kéo Cam, Lũng Phầy thuộc châu Hòa An; Lũng Hoài, Sĩ Hai, Thượng Thôn, Hạ Thôn châu Hà Quảng. Qua lớp huấn luyện, cán bộ, hội viên có những hiểu biết về tình hình phong trào cách mạng trong nước và thế giới, học tập về đường lối, các hình thức đoàn kết, tổ chức hội đoàn.  Sau khi được đào tạo, lực lượng cán bộ này trở về địa phương, cơ sở phụ trách công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào cách mạng.
   Mặc dù thực dân Pháp tổ chức, săn lùng ráo riết cán bộ Việt Minh, hết khủng bố, chuyển sang dụ dỗ đồng bào không theo Việt Minh, nhưng các tổ chức cách mạng và phong trào cách phát triển mạnh mẽ và được tổ chức chặt chẽ, nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ an toàn lực lượng các mạng. Trong tỉnh xuất hiện các châu “hoàn toàn” của Việt Minh là Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An. Ngoài ra phong trào cách mạng của quần chúng còn lan rộng đến các châu khác trong tỉnh, mở rộng ra các vùng thuộc các châu khác ở Thông Nông, Bảo Lạc, Ngân Sơn, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang và lan sang Na Rì, Bạch Thông, Chợ Rã, Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn, Na Hang tỉnh Tuyên Quang. Lực lượng hội viên cứu quốc tăng lên hàng năm. Chẳng hạn như châu Hà Quảng, năm 1941 là 1.053 người, đến năm 1943 đã lên tới 3.096, cuối năm 1934 toàn thể nhân dân trong châu đều ra nhập các tổ chức cứu quốc, số hội viên lên tới 5.453 hội viên. Toàn châu đã mở 6 lớp huấn luyện chính trị, ba lớp huấn luyện quân sự, xây dựng 1004 tự vệ thường, 15 đội tự vệ chiến đấu. Các cơ sở Việt minh được mở rộng ở vùng nông thôn, theo phương thức tổ chức toàn dân, vũ trang toàn dân.
   Tháng 8 Năm 1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh sang Trung Quốc gặp chính quyền Tưởng Giới Thạch, bàn về mối quan hệ giữa hai nước trong công cuộc chống Nhật, khi đến Thôn Túc Vinh, huyện Đức Bảo - Quảng Tây,  Người bị chính quyền địa phương Tưởng Giới Thạch bắt giữ ngày 28 tháng 8, chúng giải Người đi khắp 31 nhà lao của 13 huyện thị thuộc Quảng Tây - Trung Quốc. Sau hơn 1 năm giam giữ, chúng không khai thác được gì, buộc phải trả lại tự do cho Hồ Chí Minh ở Liễu Châu vào ngày 27/ 9/1943. Người lại trở về Pác Bó, tại Nà Sác - Hà Quảng, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại Khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc xã Tam Kim - Nguyên Bình. Đội gồm có 34 chiến sỹ trung kiên nhất được lựa chọn từ các chiến sĩ Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy, trong 34 chiến sỹ đó có 28 chiến sỹ là con em các dân tộc Cao Bằng. Với những chiến thắng đầu tiên, giòn giã ở Phay Khắt, Nà Ngần đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của đông đảo quần chúng nhân dân đối với cách mạng.
   Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương tạo điều kiện khách quan chín muồi cho cuộc tổng khởi nghĩa. Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh dời Pác Bó sang Tân Trào - Tuyên Quang chuẩn bị Đại hội Quốc Dân và tổng khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Phong trào cách mạng cả nước nhanh chóng chuyển biến, Ban khởi nghĩa của tỉnh Cao Bằng cấp tốc được thành lập, đồng thời phát động phong trào khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Các lực lượng giải phóng quân, lực lượng vũ trang, các đội du kích, đội tự vệ cùng toàn thể nhân dân nổi dậy, đánh chiếm các đồn bốt của Nhật tại các châu, lỵ, thị xã. Đi đến đâu cắm cờ đỏ sao vàng đến đó, uy hiếp tinh thần của phát xít Nhật. Ngày 22 tháng 8 năm 1945 Cao Bằng hoàn toàn giải phóng khỏi phát xít Nhật.
   Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Cao Bằng thời kỳ 1941 - 1945 gắn với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các cán bộ Trung ương, gắn liền với sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh Đảng bộ Cao Bằng trong công tác xây dựng Đảng, củng cố các chi bộ cơ sở Đảng, công tác huấn luyện cán về phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng các cơ sở quần chúng kiên trung vì mục tiêu giải phóng dân tộc; tổ chức tập hợp, đoàn kết nhân dân các dân tộc, giác ngộ quần chúng, phát huy truyền thống yêu nước trong đấu tranh cách mạng; xây dựng Cao Bằng trở thành một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng của cả nước trước khởi nghĩa./. 
                                                   ThS. Trần Thị Thu Hồng
                                                    Trưởng Khoa Dân Vận

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.