• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Triết lý nhân sinh trong triết học Lão Tử

Thứ bảy - 30/09/2017 16:40

     Lão Tử, một Triết gia Trung Quốc thời cổ đại, ông được coi là người sáng lập ra trường phái Đạo gia, tư tưởng của ông ảnh hưởng lớn đến đời sống của người Trung Quốc và các nước vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam. Học Thuyết của ông được khái quát sâu rộng, hàm chứa một tư tưởng triết học uyên bác.
    Chủ thuyết về nhân sinh của ông hoàn toàn khác với các triết gia cùng thời. Trong khi các triết gia theo đuổi con đường sự nghiệp “hữu vi” (tư hữu), lập danh thống trị thiên hạ như Khổng Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử. Thì ông lại đề cao chủ trương “vô vi”, “vô dục”, “vô tư”, thuận theo tự nhiên.
     Lão Tử khái quát về lẽ sống, phương pháp ứng xử đơn giản, bình dị, tất cả mọi người có thể ứng dụng được trong cuộc sống. Ông khuyên con người nên tuân theo quy luật quân bình, nghĩa là không nên làm điều gì vượt quá giới hạn mà phải “biết đủ, biết dừng”. Đây có thể nói là một trong những luận điểm nổi bật trong triết lý nhân sinh của ông về quy tắc ứng xử. Ông nhấn mạnh “biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”. Tất cả những người được coi là khôn ngoan, sáng suốt trong trong lịch sử Trung Quốc và các nước Á Đông đều vận dụng quy luật biết đủ, biết dừng của ông. Ông cho rằng : “người kiêu tất bại, người ngạo tất vong”. Giầu sang mà kiêu ngông, tài chí mà không khiêm tốn, sớm hay muộn thì họa sẽ tới. Khi xưa Thạch Sùng ở thời Tây Tấn chỉ vì tranh đua giầu sang với Lương Khải, lấy của cải ra làm vật thi đấu đến khi bị dẫn ra pháp trường mới sực tỉnh cơn mê. Hàn Tín một danh tướng kỳ tài cũng chỉ vì muốn tranh tài với Lưu Bang mà bị truy sát. Trong khi đó, Phạm Lãi giúp Câu Tiễn lập lại giang sơn, Trương Lương phò Lưu Bang lập nên nhà Hán, sự nghiệp thành công rồi cáo lui về ở ẩn, không những sinh mệnh được bảo toàn mà còn hưởng cuộc đời an lạc tuổi già. Đó chính là “thành công rồi thi nên thoái lui”, cũng là tuân theo quy luật biết đủ, biết dừng của Lão Tử.
    Theo Lão Tử, cuộc đời con người quý nhất là cái thân, trong cái thân con người quý nhất là đạo đức và uy tín, ông coi đó là hai báu vật của cuộc đời, con người phải biết giữ gìn, mất hai thứ này coi như mất tất cả. Ông viết “Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí, sinh mệnh với của cải cái nào trọng. Vậy nên ham danh lợi thì hao tổn nhiều, tàng trữ của cải thì mất mát nhiều”. Đối với ông danh và lợi chỉ là những vật hư ảo ngoài thân, không tồn tại vững bền, nay được mai mất.
     Đối với nước ta, chuyện ngoài đời đâu có thiếu những Tăng Minh Phụng, Vũ Xuân Trường, Lã Thị Kim Oanh, Trịnh Xuân Thanh..., những tham quan chạy chức, chạy quyền, chạy địa vị, chạy án, chạy tội…. Có những người được danh, được lợi, song cũng có người mất của cải, mất uy tín, mất đạo đức, mất sinh mệnh, tai tiếng còn để lại đời sau.
      Thuật ngữ đạo đức của Lão Tử được đề cao trong hai từ “khiêm hạ”, được ví như hình ảnh của nước, mềm mại, khiêm nhu, thường ở chỗ thấp, nhưng lại đem đến sự sống cho muôn loài. Những nhà lãnh đạo đạt được chân này gọi là những người có “đức dày”, ở địa vị càng cao thường làm nhiều điều lợi cho dân chúng, nhưng không cho mình đã làm nhiều, làm tốt, mà cho rằng đó là lẽ tự nhiên. Cho nên những phẩm chất ấy được quần chúng nhân dân ca ngợi.
       “Thắng người là có sức, thắng mình mới là mạnh”. Đây cũng là một chân lý sâu sắc trong triết lý nhân sinh của Lão Tử. Người dùng sức mạnh, địa vị, quyền lực để thắng người khác thì dễ, nhưng thắng cái “tôi” của chính mình mới là điều khó. Thực tế muốn thắng được chính mình không phải điều không dễ, mà phải là người có đủ nhân, trí, dũng. Người xưa có câu: Phá giặc trong núi thì dễ, phá giặc trong lòng thì khó. Phật giáo có câu: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Triết lý nhân sinh của Lão Tử được viết rất cô đọng, khái quát chỉ khoảng 100 từ trong một tác phẩm dài không quá 5000 từ, qua học thuyết về Đạo, hình thành một triết lý sống, một nghệ thuật sống, nghệ thuật xử thế đầy khôn ngoan.
       Những triết lý nhân sinh của ông đưa ra mộc mạc, đơn giản. Tuy nhiên lại đòi hỏi sự rèn luyện lớn về tu dưỡng những giá trị đạo đức chuẩn mực kể cả thời cổ đại và thời đương đại, hướng dẫn con người vượt qua cái tôi nhỏ bé, vượt qua cái vị kỷ, vị lợi của cá nhân để đến được với tư duy đại đồng, bản thể cao cả của nhân loại là cả một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ của mỗi con người, xây dựng một xã bình đẳng, hữu ái và tốt đẹp hơn./.
                              ThS. Trần Thị Thu Hồng
                               Trưởng khoa Dân vận

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.