• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Đôi điều suy nghĩ về nâng cao nhận thức đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ ở Cao Bằng

Thứ tư - 15/11/2017 09:15

    Cao Bằng là một tỉnh vùng cao biên giới, có trên 52 vạn dân, trong đó trên 95% là người dân tộc thiểu số. Với những phong tục tập quán riêng biệt của các dân tộc đã tạo nên bức tranh phong phú về văn hóa như: chuyện “Báo Luông, Slao Cải”, minh chứng cho sự hình thành nghề nông, khởi đầu cuộc sống con người trên miền non nước Cao Bằng. Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng Vùa” (Chín chúa tranh Vua) đề cập đến nhân vật lịch sử là Thục Phán vào khoảng cuối đời Hùng Vương, thế kỷ III trước Công nguyên. Người đã hợp nhất lãnh thổ của hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt thành nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Là cơ sở cho thấy hiện thực về một vùng đất với bề dày lịch sử huy hoàng.
    Trong đó, đáng kể nhất là người Tày đã sáng tạo ra chữ Nôm với các tác phẩm văn học thành văn đề cập đến nhiều phương diện tri thức về y tế, địa lý, phong tục tập quán, lịch sử, lịch thời gian. Mỗi dân tộc mang trang phục riêng độc đáo, rực rõ sắc màu tô đẹp thêm cho những ngày chợ phiên, cùng với đó nhà ở các dân tộc được thiết kế với lối kiến trúc độc đáo nhà sàn bốn mùa thoáng mát.
   Cao Bằng, vùng đất lưu giữ rất nhiều những âm hưởng dân ca của các dân tộc như hát then, hát sli, hát lượn đa dạng về thể loại, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là chưa kể đến mảng dân ca lễ hội và các lễ nghi khác đều mang đậm thi ca.
   Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số nét bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc như: trang phục, nếp sống văn hoá - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán..., đang bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị thất truyền. Trong khi đó, văn hoá truyền thống của các dân tộc chưa được kiểm kê, đánh giá đầy đủ; Công tác bảo tồn, bảo tàng, quản lý và phát huy giá trị văn hoá truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; Cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ hoạt động văn hoá cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn thiếu thốn; Việc thể chế hoá các văn bản quản lý, một số cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hoá còn nhiều bất cập; Lực lượng cán bộ làm công tác sáng tác, nghiên cứu khoa học còn thiếu; Mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn chênh lệch.
   Để giữ gìn, phát huy những những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới cần có những giải pháp thích hợp với đặc điểm vùng miền và của từng dân tộc. Trong đó, có việc nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ tỉnh Cao Bằng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
   Để tuổi trẻ Cao Bằng nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về những giá trị văn hóa truyền thống, tự giác bảo tồn và phát triển những giá trị tinh thần quý báu đó, theo tôi cần tập trung vào các vấn đề sau:
  Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
  Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa tạo điều kiện cho việc giao lưu, tiếp biến những giá trị văn hóa tốt đẹp và đa dạng của các dân tộc trên thế giới đồng thời chứa đựng những nguy cơ mai một, biến dạng văn hóa dân tộc. Từ đó đặt ra yêu cầu cho thế hệ trẻ phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức về việc gìn giữ, phát huy những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời bổ sung những giá trị văn hóa mang đậm hơi thở của cuộc sống hiện đại, bổ sung yếu tố tiên tiến, hiện đại cho nền văn hóa dân tộc. Muốn vậy, công tác giáo dục cần phải chú trọng, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc. Không chỉ có vậy, thế hệ trẻ cần thấy được sự cần thiết của việc gìn giữ những giá trị đặc sắc, đậm đà bản dân tộc Việt Nam gắn với lịch sử hình thành, tồn tại của dân tộc mình. Giữ gìn phải thực sự là một cuộc cách mạng nhằm chọn lọc, giữ lại những giá trị tích cực, hạt nhân hợp lý trong bản sắc dân tộc đồng thời loại bỏ khắc phục những gì đã trở nên lạc hậu, trở thành lực cản sự phát triển của các dân tộc.
  Hai là, xây dựng tốt môi trường giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
  Môi trường giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ là gia đình, trường học và xã hội. Trong đó, môi trường nào cũng có vai trò quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất kỳ môi trường nào. Gia đình là nơi giáo dục đầu đời và phải duy trì thường xuyên đối với thế hệ trẻ thông qua sự truyền dạy, sự làm gương của các thế hệ đi trước trong mọi hoạt động, mọi mối quan hệ. Trường học là môi trường giáo dục không chỉ dạy chữ mà phải dạy làm người, trong đó phải giáo dục thế hệ trẻ tiếp thu, nuôi dưỡng, bổ sung và phát triển những giá trị đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc một cách bài bản, chuyên sâu và có hệ thống như tình thương, lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc. Xã hội là trường học rộng lớn, đa dạng, đa chiều nên ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ thông qua nhiều tầng nấc, tổ chức, thiết chế xã hội, các tổ chức chính trị xã hội trong việc định hướng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tinh hoa của dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội vừa đậm chất truyền thống phù hợp với giá trị mới của thời đại.
   Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, môi trường pháp lý tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tích cực tham gia việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
   Cao Bằng là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự tham gia của thế hệ trẻ trong công cuộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
   Việc nâng cao nhận thức về những giá trị văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt là của thế hệ trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa đã được các thế hệ đi trước dựng xây. Việc đẩy mạnh công tác giáo dục, xây dựng môi trường thuận lợi giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, nhất là thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết hiện nay./.  
                                           ThS. Nông Văn Dũng
                  Giảng viên Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.