• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Trường Chính trị Hoàng Đình Giong hiện thực hóa lý tưởng của đồng chí Hoàng Đình Giong vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Chủ nhật - 26/05/2019 14:21

   1. Lý tưởng của đồng chí Hoàng Đình Giong về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng  
   Đồng chí Hoàng Đình Giong, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của dân tộc, nhà hoạt động chính trị thực tiễn chuyên nghiệp, một trong những cán bộ chính trị, quân sự cấp cao lớp đầu tiên của Đảng và Quân đội Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là một tác phẩm lớn về đạo đức cách mạng trong sáng, sự cống hiến vô tư cho quê hương, đất nước và đức hy sinh cao đẹp của một người đảng viên Đảng Cộng sản mẫu mực, chân chính, tiêu biểu cho lực lượng thanh niên trí thức Cao Bằng thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.
   Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí không dài nhưng đã để lại những đóng góp to lớn đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng của Đảng thời kỳ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những cán bộ - đồng chí, học trò của đồng chí Hoàng Đình Giong sau này đã trở thành những hạt giống đầu tiên gieo mầm phong trào cách mạng quê hương như: Hoàng Văn Nọn, Lê Đoàn Chu, Nông Văn Đô, Bùi Bảo Vân…
    Lý tưởng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của đồng chí Hoàng Đình Giong được thể hiện rõ nét qua thực tiễn phong phú trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của bản thân, đó chính là: Khát vọng về xây dựng những thế hệ cán bộ có lòng yêu nước, thương dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, chủ nghĩa Mác – Lê Nin, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tự học tập và đào tạo bồi dưỡng kiến thức văn hóa và kiến thức lý luận chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vận dụng những tri thức đó vào hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng. Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức Đảng, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng, vận động thức tỉnh quần chúng đấu tranh cách mạng, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân…
   Sinh trưởng trong một gia đình nông dân hiếu học và giàu truyền thống cách mạng[1], hằng ngày chứng kiến những cảnh bất công, áp bức của thực dân Pháp đối những người nông dân qua chính sách thuế, bắt phu, Hoàng Đình Giong đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, đánh đuổi thực dân Pháp. Thời còn là học sinh của trường tiểu học Pháp - Việt tại Cao Bằng, trong một bài văn bình luận, Hoàng Đình Giong đã phê phán vua Gia Long là tên vua "cõng rắn cắn gà nhà và rước voi giày mả tổ"[2]… Những lần bị đánh trượt dù bài thi rất tốt đã giúp Hoàng Đình Giong thấu hiểu thân phận của một người dân bị mất nước, mất tự do càng giúp anh nuôi ý chí đánh đuổi thực dân.
   Tại Trường Bách Nghệ, Hoàng Đình Giong kết thân với những người bạn cùng chí hướng như: Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi, Lê Đoàn Chu.., thường xuyên nghiên cứu các tài liệu bí mật: "Chiêu hồn nước" của cụ Phan Bội Châu[3], đàm đạo các vấn đề chính sự của đất nước và trở thành hạt nhân tích cực của phong trào yêu nước của học sinh và trí thức Hà Nội. Năm 1926, Hoàng Đình Giong trở lại Cao Bằng tiếp tục cùng một số đồng chí Bùi Đức Năng, Hoàng Bùi Phồn, mở các lớp dạy học vừa để kiếm sống, vừa tích cực tuyên truyền tinh thần yêu nước[4] và đấu tranh chống thực dân Pháp tại một số châu trong tỉnh.
   Sự kiện thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập (năm 1925) đã đánh dấu một mốc son lịch sử quan trọng về sự chuyển hướng lập trường cách mạng của chàng thanh niên Hoàng Đình Giong. Với những đóng góp tích cực của mình, đồng chí được tổ chức Hội thanh niên giới thiệu cùng một số đồng chí khác sang Trung Quốc tham dự lớp chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 6/1928, sau khi kết thúc khóa học, Hoàng Đình Giong chính thức được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Ánh sáng từ những tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, về cách mạng Tháng Mười Nga như làn gió mới, tiếp lửa cho tinh thần yêu nước và lý tưởng về sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hoàng Đình Giong, đánh dấu sự chuyển biến từ lập trường yêu nước sang lập trường vô sản, chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, đấu tranh có mục tiêu, có lý tưởng rõ ràng. Tháng 12/1929, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc), đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ. Từ đó đồng chí trở thành một trong những trụ cột, hạt nhân tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào phong trào phong trào yêu nước.
   Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong, các cơ sở Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng được củng cố và phát triển. Từ các chi bộ được thành lập tại các châu trong tỉnh, nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú được cử chọn sang Long Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện chính trị và trở thành những hạt giống đỏ của phong trào cách mạng, từ Cao Bằng tỏa đi các tỉnh miền xuôi, kết nối với các phong trào cách mạng trong nước. Song song với việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng, đồng chí vừa chỉ đạo tổ chức thành lập các tổ chức cách mạng của quần chúng ở Cao Bằng, cơ quan tuyên truyền của Đảng[5]. Để tuyên truyền cho quần chúng hiểu về cách mạng và mục đích của phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí đã làm bài thơ: "Lẩn toẹn Liên Xô" (Kể truyện Liên Xô)[6] bằng thơ Tày, lời thơ mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu, khái quát về một đất nước Liên Xô, một xã hội tươi đẹp. Những hoạt động tích cực của Hoàng Đình Giong và các tổ chức cơ sở Đảng thúc đẩy tinh thần giác ngộ và phong trào đấu tranh của quần chúng lao động, nông dân, công nhân ở Cao Bằng phát triển mạnh mẽ, làm cho thực dân pháp hoang mang, kinh sợ.
   Bị thực dân Pháp bắt giữ và bị tra khảo (năm 1936 tại Hải Phòng), đồng chí đanh thép trả lời tên Chánh sở mật thám: "Chúng tôi sống và chiến đấu vì mục đích cao cả là đánh đuổi bọn xâm lược giành lại giang sơn đất nước… Trong cuộc chiến đấu giữa chúng tôi, những người mất nước và các ngài những kẻ cướp nước, việc tôi bị bắt, hy sinh vì sự nghiệp chính nghĩa là lẽ thường"[7]. Những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La (1937-1941), thấy được sự cần thiết phải có một tổ chức Đảng của các tù chính trị để thống nhất tư tưởng và phương pháp đấu tranh cách mạng, đồng chí Hoàng Đình Giong cùng các đồng chí Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Sao Đỏ, Xuân Thủy và các bạn tù khác bí mật thành lập Chi bộ gồm 10 đồng chí và cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư Chi bộ[8], vừa đấu tranh với các cai ngục Pháp, vừa tổ chức anh em học tập, biến nhà tù Sơn La trở thành nhà tù kiểm mẫu về chính trị, kỷ luật và tổ chức sinh hoạt tù nhân cộng sản[9], với tư tưởng "Giặc bắt giam ta nhưng chúng không thể giam được tư tưởng và ý chí của ta. Chúng ta phải biến nhà giam của chúng thành trường học cách mạng"[10]. Tinh thần lạc quan cách mạng khí phách của người chiến sĩ cộng sản kiên trung và nét tinh tế văn khoa của đồng chí còn thể hiện trong hai câu đối: "Hẹn với non xanh đưa mới lại; Phá toang cửa ngục đón xuân vào"[11]. Đồng chí còn là báo cáo viên trong việc tổ chức, truyền đạt, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho anh em trong tù; bằng lý luận sắc bén và tình cảm, đồng chí đã cảm hóa được một số anh em tù chính trị là đảng viên Quốc dân Đảng từ cảm tình rồi ngả sang Cộng sản…
   Thời gian bị đi đày ở đảo Nôxilava, thuộc Mađagátxca (năm 1941), đồng chí  Hoàng Đình Giong  cùng với các đồng chí Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Minh với bản lĩnh chính trị và dày dặn trong đấu tranh được tất cả anh em tù chính trị suy tôn là những người lãnh đạo[12]. Ngoài thời gian lao động, Hoàng Đình Giong còn tổ chức dạy học cho anh em, thảo luận, trao đổi về triết học, kinh tế học, các vấn đề duy tâm, duy vật, siêu hình, biện chứng, đồng chí đã truyền cho anh em về tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm tin tất thắng của cách mạng, của dân tộc.
   Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 01/10/1945, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chỉ huy bộ đội vào miền Nam tiếp tục chiến đấu. Tại chiến trường miền Tây, đồng chí đã trực tiếp nghiên cứu địa bàn, phân tích tình hình thực tiễn, xuống các đơn vị bộ đội, tìm hiểu những khó khăn cụ thể, nghiên cứu quy luật hoạt động đồn bốt của địch. Với tầm nhìn chiến lược và những quyết định sáng suốt của một nhà lãnh đạo, một người chỉ huy dày dặn kinh nghiệm, đồng chí đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức, bố trí lại thế trận, mở lớp bồi dưỡng chiến tranh du kích cho cán bộ trung đoàn, Tỉnh đội dân quân, chỉ đạo triển khai ngay việc sản xuất vũ khí, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc kháng chiến, xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt, bám cơ sở quần chúng nhân dân ở địa bàn các tỉnh, phát triển du kích chiến tranh, các hình thức hoạt động của mạng lưới hậu cần nhân dân được xây dựng... Với những phẩm chất cách mạng trong sáng, tin dân, gần dân, và các chính sách vận động đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa người Chăm, người Khmer, người Kinh, đồng chí nhanh chóng chiếm được lòng tin và sự mến phục của đồng bào miền Tây Nam Bộ, tự nguyện ủng hộ lương thực và thực phẩm cho cách mạng. Nhân dân miền Tây coi cụ Vũ Đức (tức Hoàng Đình Giong) như một vị lãnh tụ: "Nước Nam ta có Phật, ở Bắc có Phật Hồ Chí Minh, ở đây mình có Phật Vũ Đức, thằng Pháp rồi sẽ chết vì giám xúc phạm tới đất Phật"[13]
   Tháng 5/1947,  đồng chí đã anh dũng hy sinh tại Chiến khu 7 (tỉnh Ninh Thuận) giữa lúc nhiệt huyết cách mạng đang tràn đầy, tài năng đang nở rộ…
   2. Trường chính trị Hoàng Đình Giong hiện thực hóa lý tưởng của đồng chí Hoàng Đình Giong vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
   Trân trọng những công lao to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, năm 1957, Tỉnh ủy Cao Bằng quyết định đặt tên Trường Đảng tỉnh là Trường Hoàng Đình Giong; năm 1997 chính thức đổi tên thành Trường Chính trị Hoàng Đình Giong. Đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên của Trường vinh dự và tự hào được cống hiến, làm việc và học tập trong ngôi trường mang tên đồng chí, người chiến sĩ cộng sản chân chính của quê hương Cao Bằng, người đã đặt nền móng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Cao Bằng thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc; họ sẽ là những người tiếp nối sự nghiệp của đồng chí, hiện thực khát vọng xây dựng những thế hệ cán bộ đủ "Đức" đủ "Tài" - hạt nhân nòng cốt cho việc xây dựng một xã hội tốt đẹp trong điều kiện mới.
   Hiện thực hóa lý tưởng của đồng chí Hoàng Đình Giong chính là truyền bá lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững bản chất cách mạng; học tập, bồi dưỡng không ngừng nâng cao kiến thức văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị và vận dụng những tri thức đó vào hoạt động thực tiễn. Hết mình cống hiến, hy sinh phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, truyền bá tinh thần lạc quan cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chiến sĩ cộng sản Việt Nam thế hệ đi trước lựa chọn.
   Từ những những lớp cán bộ đầu tiên, khởi đầu sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, bổ túc văn hóa với các loại hình lớp ban đầu: huấn luyện giảng viên chi bộ, bổ túc văn hóa bí thư chi bộ… Trong điều kiện chiến tranh, nhiều lần trường phải tổ chức sơ tán, thay đổi địa điểm, tránh những đợt không kích nhảy dù của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, song các cán bộ, giảng viên vẫn kiên cường bám trụ, bám sát lớp học, động viên tinh thần học tập của học viên và tham gia các hoạt động trực chiến… Sau ngày sáp nhập Trường Đảng Hoàng Đình Giong, Trường Chính trị Hành chính tỉnh, Trung tâm giáo dục Chính trị thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành Trường Hoàng Đình Giong (ngày 18-9-1992), Trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 5-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng với 4 nhiệm vụ trọng tâm, đây là cột mốc đặt nền móng cho công cuộc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Mặc dù kết quả đào tạo của trường lúc đó còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần từng bước đáp ứng được yêu cầu công tác cán bộ trong điều kiện mới. Trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và một số lĩnh vực khác, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, cơ sở.
   Trường đã đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng được một số lượng cán bộ các cấp, các ngành và cơ sở, đóng góp công sức vào sự nghiệp cách mạng. Đã có lớp lớp các thế hệ học viên sau khi ra trường trở thành lực lượng cán bộ nòng cốt ở các địa phương, cơ sở, lãnh đạo nhân dân chiến đấu, lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
   Đồng thời qua quá trình công tác, nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên của trường đã trưởng thành, phát triển, trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành của tỉnh. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, tiêu biểu như: đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Trường Đảng Hoàng Đình Giong, sau là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Vũ Ngọc Ly - Giám đốc Trường Đảng Hoàng Đình Giong, sau là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Nông Hải Pín - Phó Giám đốc Trường Đảng Hoàng Đình Giong, sau là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Triệu Sỹ Lầu - Hiệu trưởng Trường Đảng Hoàng Đình Giong, sau là Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng các khóa XI, XII… và còn nhiều đồng chí khác trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, sở, ngành, huyện, thành phố…
   Hiện thực hóa lý tưởng của đồng chí Hoàng Đình Giong chính là kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Từ năm 2008, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường tăng lên khi Ban Bí thư ban hành Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008, giao cho hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh thực hiện 9 nhiệm vụ cơ bản. Trong đó trọng tâm là đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở theo phân cấp; bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã; bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp ủy các cấp; phối hợp tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị và cử nhân một số chuyên ngành theo yêu cầu của tỉnh...
    Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, giảng viên yêu nghề, có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giảng viên của trường đều được đào tạo chính quy, tập trung và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong quá trình giảng dạy. Trải qua 5 kỳ Hội thi "Giảng viên dạy giỏi toàn quốc" do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức; 10/10 giảng viên của Trường tham gia đều đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Trong đó có 2 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi xuất sắc. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong giai đoạn mới. Trong 5 năm (2014- 2018), trường đã mở được 206 lớp với 14.091 lượt học viên; riêng năm 2017 mở được 114 lớp với 8.441 lượt học viên. Trải qua 26 năm (từ khi sáp nhập 1992 đến 2018), Trường đã thực hiện được 551 lớp, với hơn 33.590 lượt học viên. Có thể khẳng định rằng, Trường Chính trị hoàng Đình Giong đã góp phần xứng đáng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, phục vụ thiết thực quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
   Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nhấn mạnh: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt; phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội…
   Trong thời gian tới, định hướng phát triển của Trường là: không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đề cao phương châm: gắn lý luận với thực tiễn, gắn trang bị kiến thức với phương pháp làm việc, gắn nâng cao trình độ, năng lực với rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên. Đảm bảo học viên sau khi tốt nghiệp có lập trường tư tưởng vững vàng; có trình độ lý luận chính trị sâu sắc, tư duy đổi mới, sáng tạo, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân. Xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng giảng viên các khoa, giảm viên chức hành chính. Tập trung nâng cao trình độ chuyên sâu, kiến thức thực tiễn, phương pháp sư phạm, kỹ năng công tác, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đầu đàn làm nòng cốt ở các phòng, khoa, xứng đáng là người thầy, người cán bộ, giảng viên Trường Đảng địa phương.
    Từ nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn mới, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong sẽ quyết tâm phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, nâng cao uy tín, vị thế, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, từng bước trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chất lượng cao, hiện thực hóa lý tưởng của đồng chí Hoàng Đình Giong và các thế hệ lãnh đạo tiền bối về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng.  
 

 Trịnh Thị Ánh Hoa
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
 
 
 


[1] Ông nội của đồng chí Hoàng Đình Giong là Hoàng A Cả có nhiều công lao chống thổ phỉ phương Bắc thời vua Tự Đức; anh trai Hoàng Đức Mộc (tức Sầm Sơn) là đảng viên Đảng Cộng sản từng đi học đúc lựu đạn ở Trung Quốc 1932; Hoàng Văn Lộc là đoàn viên thanh niên cộng sản, đại đội trưởng, hy sinh ở Lào Cai 1945; em gái Hoàng Thị Sở (Hoàng Lịch) tham gia hoạt động cách mạng vùng Hà Quảng, Thông Nông (1935 -1936); Hoàng Thị Bạch tham gia hoạt động cách mạnh từ rất sớm (Dẫn theo: Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 – 1947), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.17,18).
[2] Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 -1947), Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.23.
[3] Triệu Thị Mai, Chuyện về Hoàng Đình Giong, Nxb Văn hóa dân tộc, năm 2008, tr.17.
[4] Triệu Thị Mai, Chuyện về Hoàng Đình Giong, Sđd, tr.21.
[5] Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong - Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 -1947), Sđd, tr.55.
[6] Triệu Thị Mai: Chuyện về Hoàng Đình Giong, Sđd, tr.27.
[7] Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong - Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 -1947), Sđd, tr.54.
[8] Tỉnh ủy Cao Bằng:: Hoàng Đình Giong - Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 -1947), Sđd, tr.90. 
[9] Triệu Thị Mai: Chuyện về Hoàng Đình Giong, Sđd, tr.74.
[10] Triệu Thị Mai: Chuyện về Hoàng Đình Giong, Sđd, tr.68 – 69.
[11] Triệu Thị Mai: Chuyện về Hoàng Đình Giong, Sđd, tr.69.
[12] Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong - Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 -1947), Sđd, tr. 54. 
[13] Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong - Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 -1947), Sđd, tr.183.

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.