• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tìm hiểu một số quy định mới trong Luật Tố cáo 2018

Thứ hai - 01/04/2019 08:32

     Sau 7 năm thực hiện Luật Tố cáo năm 2011, hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo đã được quy định cụ thể, chi tiết phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, qua thực tiễn các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật này đã bộc lộ một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung.
     Trên cơ sở kế thừa, phát triển; tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Luật Tố cáo năm 2018 đã được chính thức thông qua với 9 chương, 67 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011.
      Khi so sánh với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 được cho là có nhiều điểm mới, đáng chú ý:
     Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh
     Điều 1 Luật Tố cáo năm 2018 quy định phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo”.
     Luật Tố cáo năm 2018 chỉ nói chung là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, bỏ cụm từ “cán bộ, công chức, viên chức” trong Luật Tố cáo năm 2011. Quy định như vậy mang tính chất bao quát, không chỉ tố cáo hành vi của cán bộ, công chức, viên chức mà Luật Tố cáo năm 2018 còn mở rộng đối tượng khác khi được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
     Thứ hai, những hành vi bị nghiêm cấm 
     Điều 8, Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung các hành vi sau:
     “Phân biệt đối xử trong giải quyết tố cáo
     Làm mất hồ sơ, tài liệu trong quá trình giải quyết tố cáo”
     Bỏ hành vi bị nghiêm cấm “Vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo”.
     Thứ ba, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
     -  Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung  quy định người tố cáo có quyền rút tố cáo, được bồi thường thiệt hại theo quy định (Điều 9).
     - Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định người tố cáo có trách nhiệm hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu (Điều 9).
    Thứ tư, quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo
    - Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung người bị tố cáo có quyền được thông báo về việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; quyền được giải trình; được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Điều 10).
    - Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung người bị tố cáo có nghĩa vụ: Có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo (Điều 10).
    Thứ năm, bổ sung quy định về tố cáo nặc danh
     Tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh là nội dung mới được bổ sung tại Điều 25, Luật Tố cáo năm 2018:
     - Không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật Tố cáo (Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền).
     - Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên những có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh..
     Thứ sáu, rút gọn trình tự giải quyết tố cáo
     Tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 04 bước, thay vì 05 bước như quy định trước đây: “1. Thụ lý tố cáo; 2. Xác minh nội dung tố cáo; 3. Kết luận nội dung tố cáo; 4. Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.”
      Bỏ bước công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011.
     Thứ bảy, rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo
     Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30).
     Trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn này là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
     Thứ tám, bổ sung quy định về việc cho phép rút tố cáo
     Luật Tố cáo năm 2011 không quy định việc rút tố cáo. Vì vậy trên thực tế nhiều trường hợp người tố cáo nhận thức được việc tố cáo của mình không đúng nên rút tố cáo nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải thụ lý giải quyết tố cáo, điều này làm mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì vậy, Điều 33 Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung quy định về việc rút tố cáo, đó là“Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản”...và các trường hợp của rút tố cáo.
     Thứ chín, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo
     Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này, trong khi đó Luật Tố cáo năm 2018 cho phép “Người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan; cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại” (Điều 34).
     Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền….
     Thứ mười, bổ sung những quy định về việc bảo vệ người tố cáo
     Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo từ Điều 47 đến Điều 58.
     Điều 47. Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ
     Điều 48. Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ
     Điều 49. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ
     Điều 50. Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ
     Điều 51. Xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo
     Điều 52. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
     Điều 53. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
     Điều 54. Thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ
     Điều 55. Hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ
     Điều 56. Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin
     Điều 57. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm
      Điều 58. Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm
      Như vậy, xuất phát từ vai trò quan trọng của việc đảm bảo quyền tố cáo của công dân và tổ chức theo quy định trong Hiến pháp 2013, đảm bảo việc giải quyết tố cáo đúng thẩm quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đầy đủ, thống nhất, đồng bộ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo sự vận hành của Nhà nước và xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 đã tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về việc giải quyết vấn đề tố cáo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong thời kỳ đổi mới.
Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chuyên đề 10: “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở cơ sở” (Phần III.2. Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước) có thời lượng 04 tiết học. Trong mục 3. Giải quyết tố cáo của công dân: chuyên đề sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về tố cáo và giải quyết tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo; thủ tục giải quyết tố cáo. Như vậy, rất nhiều nội dung về giải quyết tố cáo của công dân trong giáo tŕnh c̣n sử dụng Luật Tố cáo năm 2011 (đã hết hiệu lực) là không phù hợp; đòi hỏi cần được giảng viên cập nhập, thay thế bằng Luật Tố cáo năm 2018.
     Để hoạt động giảng dạy đạt được chất lượng cao, giảng viên cần chú ý: cập nhập đúng, chính xác Luật Tố cáo năm 2018; giải thích cho học viên những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018 so với Luật Tố cáo năm 2011; sưu tầm, lấy ví dụ minh họa thực tiễn cho học viên hiểu và vận dụng giải quyết công việc có liên quan đúng quy định hiện hành...
      Với những ý kiến tìm hiểu về những điểm mới của Luật tố cáo năm 2018; hi vọng sẽ góp phần giúp cho giảng viên, học viên vận dụng trong quá trình dạy và học để đạt kết quả./.
                                                       ThS. Nguyễn Thị Oanh
                                       Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.