• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một vài suy nghĩ về giảng viên trẻ trong việc học tập phong cách ứng xử của Bác

Chủ nhật - 31/03/2019 10:12

    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng tất cả mọi người về cách ứng xử. Tùy từng đối tượng mà Bác có cách giao tiếp khác nhau, với cách ứng xử linh hoạt tạo nên phong cách riêng của Người. Học tập và làm theo phong cách ứng xử của Bác, giúp đội ngũ giảng viên nhất là giảng viên trẻ khắc phục được những hạn chế, yếu kém khi ứng xử trong công tác để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân.
    Phong cách ứng xử Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phong ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của Người trên một số nội dung chủ yếu sau:
    Thứ nhất, khiêm tốn, nhã nhặn và lịch thiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiêm tốn không bao giờ đặt mình cao hơn người khác mà luôn quan tâm chu đáo, hòa nhã đến những người xung quanh, nhất là đối với phụ nữ và người lao động.
    Hai là, chân tình, nồng hậu và tự nhiên. Với một lời chào chân tình, một nụ cười niềm nở, một cử chỉ thân thiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ mọi sự cách biệt về chức vụ, địa vị, giữa cấp trên cấp dưới, giữa lãnh tụ với nhân dân, tạo nên bầu không khí thân thiện, gần gũi. Sự ân cần nồng hậu xóa đi mọi nghi thức, bằng tình cảm chân thực, tự nhiên của Người đã đi thẳng đến trái tim của mỗi người.
    Ba là, linh hoạt, chủ động, biến hóa. Ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm trước cái nhỏ.
    Bốn là, vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Trong các hoạt động giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh luôn xuất hiện với thái độ vui vẻ, cùng với sự hóm hỉnh, năng khiếu hài hước, đã xóa đi mọi khoảng cách, tạo không khí chan hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân như giữa những người bạn.
    Qua việc nghiên cứu các nội dung trong phong cách ứng xử của người, thiết nghĩ với trách nhiệm mỗi giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ Trường Chính trị Hoàng Đình Giong là người trực tiếp truyền đạt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, nên việc học tập và vận dụng phong cách ứng xử của Người thật sự cần thiết.
    Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã quán triệt các Chỉ thị của Bộ Chính trị, gần đây nhất là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó nội dung học tập chủ đề năm 2019 với chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kế hoạch số 163/KH-TCT, ngày 11 tháng 02 năm 2019 của Trường Chính trị Hoàng Đình Giong về Học tập và thực hiện Chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng đã có ý thức xây dựng, đổi mới phong cách làm việc, đặc biệt thường xuyên học tập, rèn luyện tác phong, ứng xử với đồng nghiệp, học viên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên trẻ đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện đạo đức, sự nhìn nhận về đạo đức, lối sống ứng xử của mình trong công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày.
     Việc học tập phong cách ứng xử của Bác đều được thể hiện một cách chân thực, giản dị và gần gũi trong công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày và được thể hiện qua nhiều kênh khác nhau như qua sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ, các hoạt động của Nhà trường và các đoàn thể đến đồng nghiệp, bạn bè và học viên. Trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp, giữa cấp trên hoặc đồng nghiệp lớn tuổi thể hiện thái độ kính trọng, khiêm nhường; đoàn kết, chân tình, cởi mở và có tinh thần cầu tiến. Đồng thời, khi nhận xét cho đồng nghiệp cần phải góp ý cho nhau trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, có tính xây dựng, vì lợi ích chung chứ không vì quan điểm cá nhân mà trù dập, kéo bè, kéo cánh, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau. Đối với những người có khuyết điểm sai lầm, Bác luôn mong muốn và tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm vì theo Người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, v.v….”[1]. Đó cũng chính là động lực để các giảng viên trẻ trưởng thành, tự tin hơn khi giải quyết các công việc được giao. Đối với nhân dân và học viên, mỗi giảng viên trẻ cần có tấm lòng bao dung, độ lượng, lòng yêu thương con người trong các mối quan hệ giao tiếp, ứng xử. Sự thân thiện, cởi mở, gần gũi, chân tình hướng dẫn, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn, có thái độ tích cực trong phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân ở cơ quan cũng như nơi cư trú chính là cơ sở, nền tảng cho sự thành công của mỗi người khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
    Tuy nhiên, trong tác phong ứng xử của đội ngũ giảng viên nhất là giảng viên trẻ đôi khi vẫn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, vẫn còn tình trạng quan liêu, xa rời dân, nói không đi đôi với làm, hứa nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo, chưa nhiệt tình trong một số hoạt động của Nhà trường, tinh thần phục vụ chưa cao. Một số giảng viên còn hạn chế trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp và học viên, năng lực làm việc còn hạn chế, đôi lúc chưa nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước nên có phần ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.
    Hiện nay, mỗi giảng viên cần phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị, lối sống trong sáng, giản dị, luôn gắn bó mật thiết với đồng nghiệp, với học viên và nhân dân. Đặc biệt, cần nêu gương và thực hành phong cách giao tiếp linh hoạt, nhã nhặn, lịch thiệp trong mọi cuộc giao tiếp, đồng thời phải chuẩn mực với học viên, tạo bầu không khí thân thiện, gần gũi, gắn bó làm cho buổi học hiệu quả hơn. Thấy được tầm quan trọng như trên, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã ban hành Quy định số 01-QĐi/TCT ngày 13 tháng 12 năm 2018 về chuẩn mực đạo đức, tác phong công tác, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qui định là căn cứ để kiểm điểm kết quả phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, cá nhân và tập thể, đây được xem là tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng và thành tích công tác hàng năm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc Nhà trường quản lý.
    Để học tập và rèn luyện phong cách ứng xử của Bác được hiệu quả hơn, mỗi giảng viên trẻ cần tích cực thực hiện tốt các biện pháp sau:
    Một là, cần thường xuyên nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị Quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", tự "chuyển hóa" trong nội bộ; khắc phục những hạn chế trong phong cách ứng xử, thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với làm.
    Hai là, bản thân mỗi giảng viên trẻ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện có phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, vững vàng trong công tác chuyên môn, xây dựng phong cách làm việc khoa học.
    Ba là, cần thường xuyên rèn luyện phong cách ứng xử khiêm tốn, hòa nhã, lịch thiệp, tôn trọng đồng chí đồng nghiệp “kính trên, nhường dưới”, thương yêu và đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
    Bốn là, thực hiện tốt quy chế về ứng xử văn hóa của Nhà trường; tin tưởng và tôn trọng trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân và học viên; đặc biệt luôn gắn bó mật thiết với nhân dân.
    Thực hiện tốt những điều trên sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên trẻ của Trường có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường cũng như sự phát triển chung của đất nước./.

                                                                             CN. Hứa Thị Thoa
                                                                    Giảng viên khoa Lý luận cơ sở


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.15, tr.672

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.