• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả vận động tất yếu của lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

Thứ ba - 31/03/2020 16:24

    Ngày 31/8/1858 thực dân Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, chính thức xâm lược Việt Nam. Từ Đà Nẵng thực dân Pháp đánh vào Bình Định, Trung kỳ rồi Nam kỳ, lần lượt thâu tóm Việt Nam, biến Việt Nam trở thành quốc gia thuộc địa nửa phong kiến. Chính vào thời điểm lịch sử đó, phong trào yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp, canh tân đất nước phát triển mạnh mẽ theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam. Có thể kể đến Phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi diễn ra theo ý thức hệ phong kiến, Phong trào đấu tranh của các nhà trí thức Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can... diễn ra dưới ý thực hệ dân chủ tư sản, Phong trào đấu tranh theo ý thức hệ vô sản theo Chủ nghĩa Mác - Lênin.
    Phong trào đấu tranh theo ý thức hệ phong kiến: Giai cấp địa chủ phong kiến, là lực lượng giai cấp thống trị. Do chính sách cai trị của thực dân, ngay trong tầng lớp quan lại, địa chủ bị phân hóa, một bộ phận làm tay sai cho Pháp, một bộ phận có tinh thần dân tộc đứng lên chống thực dân. Song các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp vẫn tiếp tục diễn ra. Điển hình là phong trào Cần Vương (1885 -1896), do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động, kêu gọi các lực lượng văn thân, sĩ phu trong giai cấp phong kiến, mở cuộc tiến công vũ trang vào các trại lính Pháp ở kinh thành Huế. Khi vua Hàm Nghi bị bắt, Phong trào Cần Vương tiếp tục phát triển ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng; khởi nghĩa ở Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hà Tĩnh; khởi nghĩa của Tống Duy Tân ở Quảng Xương, Thanh Hóa; khởi nghĩa của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình; khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hương Khê thất bại, chính thức chấm dứt Phong trào cần Vương. Cùng thời điểm này, còn nổ ra các cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế (1884 - 1913) do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, hoạt động ở vùng Tây Bắc Giang, Tam Đảo, Thái Nguyên. Trước các cuộc vây quét gắt gao của thực dân Pháp, hầu hết các tướng lĩnh bị hy sinh, Hoàng Hoa Thám bị sát hại, sự kiện này đã đánh dấu sự thất bại của Phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Tuy Phong trào Cần Vương và Phong trào nông dân Yên Thế thất bại, song đã đánh dấu tinh thần đấu tranh yêu nước của những sĩ phu, văn thân yêu nước theo khuynh hướng ý thức hệ phong kiến không chịu khuất phục sự xâm lược của thực dân Pháp.
   Phong trào dân chủ tư sản: Quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội Việt Nam, theo đó nhiều thành thị ra đời với đông đảo tầng lớp thị dân, lớp người có tư tưởng nhạy bén với những thông tin, tri thức mới, công khai phát triển đường lối dân chủ tư sản, trong đó có những tư tưởng tiến bộ như Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, Việt Nam Nghĩa đoàn, Phục Việt, Hưng Nam, Thanh niên Cao Vọng… Thành lập trường học, phát triển công thương, cải cách các phong tục lạc hậu, phát triển văn hóa, giáo dục, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Nhưng chính các khuynh hướng này cũng không được thực dân Pháp ủng hộ và tìm cách dập tắt. Mặc dù thất bại, nhưng phong trào yêu nước theo khuynh dân chủ tư sản đã góp phần thúc đẩy tầng lớp trí thức yêu nước, giải phóng dân tộc. Sau này nhiều nhà trí thức yêu nước đã chuyển lập trường từ dân chủ tư sản sang lập trường vô sản và trở thành cốt cán của phong trào cách mạng vô sản.
    Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và khuynh hướng vô sản: Sự khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã hình thành ở Việt Nam lực lượng lao động mới, đó là giai cấp công nhân. Đời sống của giai cấp công nhân Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp vô cùng cực khổ, ngày làm việc từ 10 đến 12 tiếng. Ngoài đồng lương rẻ mạt, giai cấp công nhân còn bị chà đạp, đánh đập, cúp lương. Trước tình trạng áp bức, bóc lột, cộng với truyền thống yêu nước đã thúc đẩy giai cấp công nhân đứng lên đấu tranh, từ những hình thức tự phát đầu tiên là đòi tăng lương, giảm giờ làm đến các hình thức cao hơn là bãi công tập thể, thành lập tổ chức “Công hội”[1]. Điển hình, năm 1921 “Liên đoàn công nhân tàu biển ở Viễn Đông” được thành lập, phát triển ở Ma Cao, Thượng Hải. Bãi công của 600 công nhân thợ nhuộm Sài Gòn - Chợ lớn năm 1922; bãi công của thợ dệt Nam Định năm 1924; bãi công của 1000 công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son…Đánh dấu những bước trưởng thành của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Đặc biệt khi bắt gặp ánh sáng học thuyết của Chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ tự phát sang tự giác, chuyển từ thiếu căn bản mục đích chính trị sang mục tiêu chính trị rõ ràng, đồng thời trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 1929 trong nước xuất hiện ba tổ chức Đảng Cộng Sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (17-6-1929); An Nam Cộng sản Đảng (11-1929); Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1-1-1930). Năm 1930, trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng vô sản Việt Nam, Người đã đến Hương Cảng chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng Cộng sản thành một Đảng duy nhất của Việt Nam lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua ba văn kiện quan trọng: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, đồng thời xác định quy luật ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đúng như lịch sử đã diễn ra là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
      Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam có một ý nghĩa to lớn, xác định đúng đắn về đường lối cách mạng, mở ra con đường mới cho đất nước. Đường lối này là cơ sở chính trị đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và đoàn kết thống nhất dân tộc để hoàn thành sứ mệnh của lịch sử, cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây cũng là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển, thắng lợi con đường cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua.
    Như vậy, có thể khẳng định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1930 là kết quả tất yếu, nằm trong quy luật vận động của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là do thời đại lịch sử, giai cấp và dân tộc quy định, giải quyết nhiệm vụ của lịch sử Việt Nam, về đường lối đấu tranh cách mạng; mục tiêu chính trị cách mạng; lực lượng đấu tranh cách và phương pháp đấu tranh cách mạng.

ThS. Trần Thị Thu Hồng
Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng
         

 
         
 
 
 


[1] Tổ chức “Công hội” thành lập năm 1920 là tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.