• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đáp ứng yêu cầu của trường chính trị chuẩn

Thứ ba - 24/12/2019 15:29

    Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu và đòi hỏi đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đang đặt ra bức thiết nhằm "Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo lý luận chính trị góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, phong cách làm việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" (Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý). Muốn vậy phải "Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo giúp học viên tiếp tục tự học về phương pháp tư duy, kỹ năng vận dụng và giải quyết tình huống thực tiễn" (Nghị quyết số 32-NQ/TW). Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trên, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố nói chung, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng nói riêng hướng đến xây dựng trường chính trị chuẩn là việc làm cấp thiết.
    Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Hoàng Đình Giong luôn quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, hàng năm chọn cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo chương trình sau đại học, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phục vụ giảng dạy. Hiện nay, trường có 34 giảng viên/41 tổng số cán bộ, viên chức (chiếm 82,9%). Đội ngũ giảng viên của Trường có trình độ chuyên môn cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy: 100% giảng viên có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 2/34 giảng viên có trình độ tiến sỹ (chiếm 5,9%), 22/34 giảng viên có trình độ thạc sỹ (chiếm 64,7 %), 10/34 giảng viên có trình độ cử nhân (chiếm 29,4), có 8/34 giảng viên chính (chiếm 23,5 %); 16/34 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị (chiếm 47%) (Số liệu năm 2019). Giảng viên Nhà trường đang đảm nhiệm giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng, Bồi dưỡng công tác Đảng, đoàn thể, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy. Các giảng viên còn tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh với tư cách là chủ nhiệm đề tài hoặc thành viên chính; một số giảng viên còn tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, tham gia biên soạn sách, giáo trình, lịch sử Đảng bộ địa phương phục vụ công tác giảng dạy. Hàng năm thông qua các đợt nghiên cứu thực tế các giảng viên còn tham gia tích cực viết tin, bài cho bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn, cổng thông tin điện tử của Nhà trường và của các cơ quan báo chí khác của Trung ương và địa phương. Bằng các hoạt động thực tiễn của mình đội ngũ giảng viên Trường đã góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh
    Tuy nhiên hiện nay, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đang đứng trước một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ giảng viên có trình độ cử nhân vẫn cao (29,4%), số giảng viên chưa có trình độ lý luận chính trị chiếm tỷ lệ còn khá lớn (41,2%), trình độ trung cấp lý luận chính trị (11,7%). Chất lượng giờ giảng của một số giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, việc cập nhật các văn bản mới, kiến thức thực tiễn còn hạn chế, chưa gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, chưa giải đáp trúng các vấn đề thực tiễn đặt ra. Một số giảng viên còn hạn chế trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy mới, các phương tiện, công cụ giảng dạy hiện đại dẫn đến chất lượng giờ giảng chưa cao... Những hạn chế trên được phản ánh qua phiếu phản hồi của học viên, qua ý kiến của đồng nghiệp. Bên cạnh đó một số giảng viên chưa thực sự quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, chất lượng của một số công trình nghiên cứu chưa cao, chưa bám sát các chương trình của tỉnh và những vấn đề đang đặt ra ở địa phương, cơ sở.
    Thực trạng đó xuất phát từ các nguyên nhân khách quan sau: trong nhiều năm trở lại đây đội ngũ giảng viên của Trường không được tăng thêm nhưng số lớp đào tạo, bồi dưỡng và hình thức đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng theo yêu cầu của tỉnh, số giờ lên lớp nhiều nên ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng cao chất lượng bài giảng; một số chuyên đề giảng dạy được thiết kế trong giáo trình chưa phù hợp với học viên nên cũng gây ra những khó khăn nhất định cho giảng viên trong soạn giảng. Bên cạnh đó nguyên nhân chủ quan là sự thiếu nỗ lực của một số giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, chưa chủ động tự trau dồi, cập nhật kiến thức chuyên môn, thông tin thời sự, chưa thường xuyên dự giờ, góp ý đồng nghiệp, rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm, sử dụng công cụ, phương tiện dạy học hiện đại...
     Ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 587/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu cơ bản là: Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, học viên và các trường chính trị cấp tỉnh đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế. Ngày 26/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh đã ban hành Kết luận số 479-KL/HVCTQG “về xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay” đã cụ thể hóa các tiêu chí của một trường chính trị chuẩn trong đó có tiêu chí về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên.
      Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng các yêu cầu Quyết định 587/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ và Kết luận số 479-KL/HVCTQG của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
      Thứ nhất, tập thể Ban Giám hiệu nhà trường tập trung phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên trên tất cả các mặt: tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn... đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của cả đội ngũ giảng viên nói chung và từng cá nhân giảng viên nói riêng để từ đó có các giải pháp phù hợp.
       Yêu cầu đánh giá đòi hỏi phải khách quan, trung thực, đảm bảo tính lịch sử, khoa học hướng đến xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng đáp ứng yêu cầu của trường chính trị chuẩn; lãnh đạo trường là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đánh giá đội ngũ, có quyết tâm chính trị cao trong việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch cụ thể, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện; thường xuyên báo cáo, phản ánh tình hình Trường với Thường trực Tỉnh ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để xin ý kiến chỉ đạo về mọi mặt. Hiện nay thực hiện Đề án tổ chức cán bộ của tỉnh, biên chế tỉnh giao cho Trường nằm trong lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021 còn 38 cán bộ, viên chức, như vậy đến năm 2021 Nhà trường không tuyển thêm biên chế. Trong điều kiện lớp mở nhiều như hiện nay càng đặt ra cho tập thể Ban Giám hiệu nhà trường bài toán khó để giải quyết mối quan hệ giữa số lượng với chất lượng giảng viên, giữa số lượng lớp được giao hàng năm với chất lượng giảng dạy. Việc đánh giá đúng thực trạng để từ đó có biện pháp tác động đúng, trúng vào đội ngũ giảng viên đang đặt ra cấp thiết.
       Thứ hai, việc xây dựng kiện toàn bộ máy Nhà trường phải theo các quy định của Trung ương, tỉnh đối với trường chính trị.
        Các quy định của Đảng và Nhà nước như: Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 587/QĐ-TTg, ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030"; Kết luận số 479-KL/HVCTQG của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về "Xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay"; Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 08/11/2018 của Tỉnh ủy Cao Bằng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Cao Bằng, trên cơ sở các quy định, Nhà trường phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển Trường từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
       Theo các quy định nói trên, đến năm 2025 độ tuổi giảng viên phải có cơ cấu 4 độ tuổi, đảm bảo sự kế thừa liên tục: dưới 40 tuổi chiếm 15%; từ 40 đến 50 tuổi chiếm 35% đến 40%; từ 50 đến 60 tuổi chiếm 35% đến 40%; trên 60 tuổi chiểm 5% đến 10%; đến năm 2030 giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% cán bộ, viên chức trong từng đơn vị; tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa có trình độ chuyên môn phù hợp chức danh, vị trí việc làm; 70% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực thực tiễn. Có lộ trình phù hợp để đến năm 2025 và những năm tiếp theo, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng chuyên môn có trình độ tiến sỹ, tiến tới năm 2030 các trưởng khoa có trình độ tiến sỹ. Giảng viên trường phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hoặc phương pháp giảng dạy tích cực, phải được đi thực tế ở cơ sở theo các phương thức khác nhau, sau 7 năm công tác tại trường phải có trình độ cao cấp lý luận, biên soạn được tài liệu giảng dạy, học tập theo phân cấp, có khả năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn...
        Thứ ba, mỗi giảng viên phải tự xác định cho mình các tiêu chí trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt, năng lực chuyên môn, kiến thức thực tiễn... để phấn đấu hoàn thiện mình; đề cao vai trò trách nhiệm của lãnh đạo các khoa chuyên môn.
         Là người thầy, nhưng giảng viên trường chính trị có những đặc thù riêng, trước hết họ phải có phẩm chất của một người cán bộ, người chiến sỹ cộng sản trên mặt trận lý luận, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nói và viết theo đúng quan điểm, tư tưởng của Đảng, có tinh thần đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, có khả năng nắm bắt thực tiễn, biết gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, giúp người học giải quyết các tình huống đặt ra trong thực tiễn. Phẩm chất, bản lĩnh chính trị và kiến thức, năng lực chuyên môn là các yếu tố cơ bản của một người giảng viên lý luận chính trị. Đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, say mê, tận tụy với công việc là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy; chính từ sự say mê, tâm huyết, trách nhiệm mà người thầy tự mình trau dồi, tích lũy kiến thức lý luận, thực tiễn ở mọi nơi, mọi lúc, tự mình rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm để chuyển tải đến học viên một cách hiệu quả nhất. Đối tượng học viên của trường chính trị là những cán bộ công tác trong hệ thống chính trị, là những người giàu vốn sống, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, thậm chỉ ở từng lĩnh vực cụ thể họ còn có sự hiểu biết sâu hơn thầy. Việc trang bị cho mình những kiến thức thực tiễn, gắn kết lý luận với thực tiễn, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng đòi hỏi của người học là yêu cầu bắt buộc. Nếu người dạy chỉ lên lớp với tâm thế "cho xong", truyền đạt kiến thức "như sách giáo khoa", "không sai"... thì sẽ dẫn đến sự nhàm chán, không tạo được hứng thú cho người học, giờ học, bài học kém chất lượng.
       Nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên cũng cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo khoa chuyên môn, những người chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên môn đối với mỗi bài giảng của giảng viên đồng thời chịu trách nhiệm về hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên trong khoa. Đa dạng hóa các kênh thông tin đánh giá giảng viên trên cơ sở dự giờ, qua ý kiến đánh giá từ phía học viên, đồng nghiệp, cơ sở liên kết đào tạo...
       Thứ tư, song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực thực tiễn thì việc rèn luyện cho mình khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện.     
       Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp, bổ sung cho nhau. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên, trước hết cần nâng cao nhận thức cho cán bộ giảng viên về ý nghĩa, trách nhiệm của hoạt động này; đồng thời định hướng cho các giảng viên lựa chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp với hoạt động chuyên môn của Nhà trường có nhiều giá trị thực tiễn khi trở thành nguồn tài liệu tham khảo bổ ích trong dạy và học. Chú trọng hoạt động nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, đẩy mạnh việc cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, củng cố bổ sung, lý giải những vấn đề đặt ra ở cơ sở. Quan tâm sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện của giảng viên, kịp thời nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả và chấn chỉnh những biểu hiện qua loa, đại khái trong hoạt động nghiên cứu.
                                                                       ThS. Trịnh Thị Ánh Hoa
                                                                   Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.