• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ ba - 24/12/2019 15:25

    Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những thành tố cơ bản của quá trình giảng dạy, đào tạo. Nếu không có thành tố cơ bản này hoạt động dạy- học không thể diễn ra một cách thuận lợi và đạt được hiệu quả cao. Cơ sở vật chất trường học là tất cả phương tiện vật chất được huy động vào việc giảng dạy, học tập và các hoạt động gắn liền với quá trình đào tạo, bồi dưỡng; thiết bị dạy học là công cụ mà giảng viên trực tiếp sử dụng để thực hiện hoạt động giảng dạy của mình, thông qua đó, giúp học viên lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hoàn thiện nhân cách trong suốt quá trình học.Có thể khẳng định chất lượng đào tạo luôn quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của nhà trường, ngoài các yếu tố như nội dung chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo hay đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên thì yếu tố cơ sở vật chất cũng có vai trò hết sức quan trọng. Một nhà trường có đầy đủ các yếu tố nêu trên nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của xã hội thì sẽ không thể có được một chất lượng đào tào tốt nhất. Do đó, việc tăng cường cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại trong trường học sẽ góp phần đào tạo nên đội ngũ giảng viên có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế hội nhập quốc tế.
    Nhận thức được vai trò của cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, trong những năm qua, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ngành Trung ương và địa phương trong việc ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng như: khuôn viên khang trang, sạch, đẹp; phòng làm việc của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng cơ bản đáp ứng số lượng cán bộ, giảng viên với diện tích làm việc tối thiểu 4m2/người trở lên, trang thiết bị làm việc được cấp đầy đủ theo định mức Nhà nước quy định; xây dựng mới 02 phòng học với 80 chỗ chỗ ngồi, 01 hội trường lớn 180 chỗ có trang bị điều hòa, quạt điện, bảng phấn, máy chiếu, phông chiếu, bảng gim, hệ thống âm thanh, ánh sáng chất lượng tốt; 01 phòng họp chung với sức chứa 50 chỗ ngồi, 01 phòng khách với khoảng 20 chỗ ngồi được trang bị đầy đủ trang thiết bị như: điều hòa, ti vi, bình đun nước nóng, tủ lạnh, bàn ghế, mạng internet... các phòng làm việc, phòng họp, phòng khách với các thiết bị đảm bảo thuận tiện cho công tác phục vụ; 02 khu ký túc xá với 40 phòng khép kín, đáp ứng 150 chỗ nghỉ cho học viên được trang bị các thiết bị cơ bản, trong đó có 05 phòng khách được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết cho sinh hoạt... Song bên cạnh những ưu điểm trên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường vẫn còn tồn tại một số bất cập như: cơ sở hạ tầng các khu nhà gồm nơi làm việc của cán bộ, giảng viên, giảng đường, ký túc xá chưa hợp lý, chưa có phòng tiếp khách, phòng nghỉ giữa giờ của giảng viên; thư viện, phòng truyền thống diện tích sử dụng nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khai thác thông tin của cán bộ, giảng viên và học viên; một số phòng học cũ bàn ghế không đảm bảo, hư hỏng nhiều, hệ thống tăng âm, loa đài cũ, đã sửa chữa nhiều lần nên chất lượng sử dụng kém, hệ thống dây điện, đường ống cấp, thoát nước cũ, nhỏ chưa đáp ứng được nếu mở nhiều lớp cùng thời điểm.
    Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế khẳng định: “Đẩy mạnh xã hội hóa… tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học… từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật…”. Kết luận số 479-KL/HVCTQG ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay”, trong đó phấn đấu về cơ ở vật chất, kỹ thuật từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trường chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt những tiêu chí như: có khuôn viên độc lập, không gian cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng văn hóa trường đảng, có nhà làm việc của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng; có phòng họp, phòng hội thảo, phòng khách, nhà đa chức năng; có khu giảng đường riêng với nhiều loại phòng học đáp ứng nhu cầu học viên mỗi lớp khác nhau; phòng học được trang bị hiện đại; có thư viện, phòng đọc, tài liệu được số hóa, kết nối mạng toàn cầu; có hệ thống trực tuyến kết nối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị trong cả nước; có ký túc xá, khu dành riêng cho hoạt động tập thể, nhà ăn, nhà để xe; có hệ thống cấp thoát nước, thu gom rác thải, phòng vệ sinh…
    Để đáp ứng các tiêu chí trên, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong cầntiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch thực hiện lâu dài. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, Trường cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
    Thứ nhất, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về đề án xây dựng trường chính trị chuẩn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch đầu tư kinh phí cho Nhà trường tiến hành xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
    Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đảm bảo sự tăng tiến cả về chất lượng và số lượng. Xây dựng kế hoạch đầu tư phân chia rõ giai đoạn đầu tư ngắn hạn 1-2 năm, trung hạn 3-5 năm, dài hạn 5 năm trở lên với phương châm đầu tư hoàn thiện trạng thiết bị theo nhu cầu sử dụng đảm bảo đồng bộ, đồng thời hàng năm cần có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
    Thứ hai, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc nâng cấp trang thiết bị phòng học như: điều hòa, tăng âm loa đài, vệ sinh môi trường... quá trình đó cần chú ý đến chất lượng, số lượng, dự kiến thời gian sử dụng, hỏng hóc, phương án thay thế.
    Thứ ba, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cấp trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy của Trường phải được tiến hành đồng bộ, định kỳ được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế bảo đảm đáp ứng điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cán bộ giảng viên và học viên.
    Nâng cao chất lượng đào tạo cần đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó cơ sở vật chất, trang thiết bị là một trong những yếu tố quan trọng trực tiếp tác động tới hiệu quả, chất lượng và uy tín của cơ sở đào tạo. Mặc dù Nhà trường trong những năm qua đã không ngừng tăng cường và củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại song trước đòi hỏi của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà thì điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà trường vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Những giải pháp trên cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban, sở, ngành hữu quan của tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên cùng chung tay giúp sức để xây dựng Trường Chính trị Hoàng Đình Giong xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà.
                                                         ThS. Nông Thị Ngọc Hà
                                     Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.