• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Một số giải pháp phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Thứ ba - 24/09/2019 19:32

    Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM); ngày 04/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn  2010 - 2020. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và để phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Quan điểm xuyên suốt của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân cần nhận thức sâu sắc xây dựng NTM phải là một phong trào quần chúng rộng lớn, phát huy đầy đủ quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân. Trong đó nhấn mạnh: “Đối tượng thụ hưởng là người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn. Đối tượng thực hiện: người dân và cộng đồng dân cư nông thôn; hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội”. Như vậy, thực hiện và phát huy tốt dân chủ cơ sở vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng của xây dựng NTM.
    Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đảm bảo thực hiện nghiêm túc. Quá trình thực hiện dân chủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã huy động được sức dân trong xây dựng NTM. Người dân trực tiếp là chủ thể xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân chọn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng” và được trực tiếp tham gia vào các công việc cụ thể để hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Trong đó, những nội dung công khai được thực hiện khá tốt là những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống người dân như: kế hoạch phát triển kinh tế  xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những dự án đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc tổ chức bình xét hộ nghèo, bình xét gia đình văn hóa, việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ cho địa phương, các khoản đóng góp huy động trong nhân dân...
    Nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp chủ yếu chủ trương, mức đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng ở địa phương như nhà văn hóa xóm, trường học, trạm y tế, xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.... Nếu như trước đây, việc vận động nhân dân tham gia đóng góp cùng nhà nước nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn mang tính chất đơn lẻ, tùy theo nhu cầu cấp bách của từng khu dân cư, thì nay với việc thông tin đầy đủ các chủ trương, kế hoạch xây dựng NTM, cùng với đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo”, hầu hết các tuyến đường đều được người dân chủ động tổ chức bàn bạc, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và trực tiếp đóng góp để cùng nhà nước nâng cấp, mở rộng, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn của từng xã. Phong trào làm đường bê tông được thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ”, từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã khai thác, kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư; khơi dậy và huy động các nguồn lực trong nhân dân đạt giá trị gần 37 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, trong đó, nhân dân ủng hộ tiền mặt 13 tỷ 473 triệu đồng, ủng hộ vật liệu xây dựng trị giá 1 tỷ 398 triệu đồng, hiến 442.129m2 đất, ủng hộ 95.672 công lao động. Những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định như: xây dựng hương ước, quy ước thôn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn...được thực hiện nghiêm túc.
    Để thực hiện dân chủ ở cơ sở hiệu quả, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, cấp huyện; Ban Quản lý thực hiện Chương trình cấp xã được thành lập lại và kiện toàn kịp thời, đảm bảo việc chỉ đạo, điều hành. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; sự hỗ trợ, đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân ngày càng được nâng cao. Nội dung của Chương trình NTM được triển khai, phổ biến lồng ghép thông qua các cuộc họp dân, thông qua hệ thống loa phát thanh, tiếp xúc cử tri...Các chương trình, kế hoạch thực hiện, bản đồ quy hoạch các hạng mục được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân để nhân dân tiện theo dõi, giám sát. Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Cao Bằng thường xuyên đăng các tin bài, phóng sự về các hoạt động xây dựng nông thôn mới của tỉnh; tổ chức 01 Hội thảo “Liên kết bốn nhà trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng”; giao cho các Hội, đoàn thể của tỉnh tổ chức tuyên truyền cho các hội viên; trong năm 2016 và năm 2017, tổ chức được 61 lớp, với 3.080 lượt người tham gia. Năm 2018, dự kiến và tổ chức tuyên truyền 42 lớp, cho 2.213 người tham gia; tổ chức 02 cuộc hội thảo tại tỉnh. Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ được chú trọng, năm 2016, tỉnh đã liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước tổ chức tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới được 65 lớp, với 3.340 lượt người tham dự. Với những cố gắng, tính đến 31/12/2018 thì toàn tỉnh có 15 xã được công nhận NTM.
    Tuy nhiên, hoạt động phát huy dân chủ trong ây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc thực hiện các hình thức công khai cho người dân như tuyên truyền, huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; một số nội dung người dân tham gia biểu quyết còn mang tính hình thức; trình độ của cán bộ, công chức cấp cơ sở còn hạn chế...
    Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của hoạt động thực hiện dân chủ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:
    Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong chỉ đạo tổ chức, tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thống nhất, đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của của xây dựng NTM là nhiệm vụ không thể tách rời với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
    Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM ở các cấp cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và dựa vào “Nội lực là chính”; phát huy vai trò chủ động, tích cực của người dân. Phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng thời kỳ, với nhiều đối tượng người dân khác nhau; đồng thời nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình này.
    Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách kích cầu, khơi dậy nguồn lực tại chỗ của nhân dân, xã hội hoá trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hoá nguồn lực đầu tư; phát huy nội lực địa phương là chính, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và lợi thế tại chỗ; đồng thời, phải tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án, tạo ra nguồn lực tổng hợp và đầu tư dứt điểm từng lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả, tránh dàn trải. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên khích lệ kịp thời các địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình.
    Thứ tư, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở phải luôn thể hiện rõ vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình, xây dựng nội bộ Đảng, cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất, gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện công tác dân vận chính quyền; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ; xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định pháp luật.
    Thứ năm, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp; tăng cường đối thoại, tiếp xúc và đổi mới các hình thức lấy ý kiến tham gia của người dân, tích cực vận động nhân dân địa phương thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân; kết hợp phát động các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xem đây làcơ sở cần thiết, quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.
    Thứ sáu, tăng cường phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong nhiệm vụ thực hiện dân chủ gắn với xây dựng NTM nhằm huy động tối đa lực lượng tham gia để đạt hiệu quả cao.
    Như vậy, để đạt được những thành tựu trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cần phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và vai trò chủ thể của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó đảm bảo thực hiện dân chủ là yêu cầu quan trọng. Việc thực hiện thành công nhiệm vụ trên ở giai đoạn hiện nay sẽ thực sự tạo ra một diện mạo mới cho nông thôn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã đề ra./.
                                                                                   ThS. Nguyễn Thị Oanh
                                                                       Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

 
 
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.