• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tìm hiểu về một số thành tựu của “liên kết” trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Cao Bằng hiện nay

Thứ hai - 29/06/2020 20:04

    Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh, việc  “liên kết” trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Cao Bằng đã đạt được một số thành quả bước đầu:
    Về trồng trọt: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 274 ngàn tấn, vượt 3,4% so với kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 40 triệu đồng/ha, đạt kế hoạch. Trong đó: hơn 2.000 ha diện tích đạt trên 50 triệu đồng/ha. Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: thuốc lá, trúc sào, hồi, mía, miến dong, chanh leo, quýt, cam… tiếp tục được mở rộng quy mô, diện tích đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
    Về chăn nuôi: giá trị sản lượng tăng trên 6%/năm; kinh tế trang trại, gia trại đã được hình thành và phát triển, một số sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ như thịt bò, lợn đen. Nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng trên 500 tấn/năm.
    Về lâm nghiệp: tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp là 492.543 ha, đạt 92,3% diện tích đất lâm nghiệp trong tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng tăng theo từng năm: năm 2015, đạt 51%; dự kiến hết năm 2020, ước đạt 55%, vượt 2 điểm phần trăm so với kế hoạch.
    Cơ cấu chuyển dịch trong lĩnh vực nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, trong đó: trồng trọt chiếm 55,4% (giảm 9% so với năm 2015); chăn nuôi chiếm 35% (tăng 2% so với năm 2015); lâm nghiệp chiếm 6% (tăng 3% so với năm 2015)([1]).
    Có được những kết quả trên là do ngành nông nghiệp đã cơ bản hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp có sự liên kết “4 nhà” tương đối rõ nét, như: Vùng thuốc lá nguyên liệu tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh...; vùng trúc sào tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc; vùng mía nguyên liệu tại các huyện: Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An; vùng sắn nguyên liệu tại các huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An;vùng nguyên liệu miến dong tại các huyện Nguyên Bình, Hòa An... Bước đầu ứng dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh trồng cây nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, một số tỉnh lân cận và thị trường Trung Quốc.
    Hiện nay, Cao Bằng đã và đang có sự kết nối tốt giữa chính quyền với nông dân bằng các hoạt động đồng hành cụ thể như: đã chỉ đạo các cấp các ngành tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm như các mô hình sản xuất, phát triển giống lê mới và giống lê địa phương tại xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình; mô hình cây lê vàng tại xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc; mô hình sản xuất rau sạch, năng suất cao đạt trên 200 triệu đồng/ha tại huyện Hòa An; mô hình gừng trâu theo hướng xuất khẩu tại các xã vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng...mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, chăn nuôi gà lông màu, chăn nuôi vịt với các giống bản địa chất lượng tốt; mô hình trồng hà thủ ô phân tán dưới tán rừng…Đến hết tháng 6 năm 2018 toàn tỉnh đã kêu gọi được 42 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp trong đó đã cấp chủ trương đầu tư 27 dự án gồm trồng trọt có 7 dự án, chăn nuôi 17 dự án, chế biến nông sản thực phẩm 03 dự án ([2])
    Thực hiện Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 22/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020”, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cao Bằng là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả trên là do người nông dân đã:
    Thứ nhất, bước đầu chủ động liên kết với nhau trong sản xuất kinh doanh, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, phát huy ý thức cộng đồng, cùng nhau sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau cùng phát triển.
    Thứ hai, tìm hiểu các văn bản của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã tích cực đồng hành với chính quyền, cùng tìm hướng đi để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ; cùng tháo gỡ những khó khăn, thử thách trong quá trình sản xuất kinh doanh.
    Thứ ba, có sự liên kết dưới sự lãnh, chỉ đạo của chính quyền các cấp. Sự liên kết này đã hình thành sự kết nối trong cung ứng giống cây trồng vật nuôi, quy trình sản xuất, thông tin về thị trường, chất lượng, mẫu mã sản phẩm... điều đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, dần khắc phục được tình trạng “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”.
    Thứ tư, tiếp cận và chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Cùng với đó, nhiều nông dân đã được “tri thức hóa”, làm chủ toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.
    Qua tìm hiểu về thực hiện “liên kết” trong sản xuất nông nghiệp, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được nêu trên, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
    Thứ nhất, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong công tác vận động nông dân thực hiện chủ trương “liên kết” trên cơ sở nắm rõ đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh gia đình và mong muốn của nông dân để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động nông dân sao cho họ tự nguyện tham gia với tinh thần tự lực, chủ động.
    Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động đồng hành giữa doanh nghiệp với nông dân như: tọa đàm, hội thảo tạo cơ hội gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ký chương trình phối hợp. Doanh nghiệp và nông dân đồng hành để hạn chế việc được mùa mất giá; để người mua có thể tìm được sản phẩm nông nghiệp chất lượng, người bán có thể bán được thứ người mua cần thông qua vai trò cầu nối của chính quyền.
    Thứ ba, từng bước xây dựng hình ảnh “Người nông dân mới” có khả năng tiếp cận, áp dụng và làm chủ khoa học công nghệ với sự hỗ trợ của chính quyền và các trung tâm khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh để hoàn thiện chu trình sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
    Tóm lại, việc “liên kết” trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền trong tỉnh, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là sự cần thiết tất yếu giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy “liên kết” trong sản xuất  nông nghiệp là một cách làm thiết thực có giá trị kết nối cộng đồng, góp phần thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Cao Bằng. Phát huy được những yếu tố “liên kết” trong sản xuất là cơ sở giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững./.
                                                                               CN. Triệu Văn Lượng
                                                                           Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng




(1) Tỉnh ủy Cao Bằng (2020): Dự thảo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.
 
(2) Tỉnh ủy Cao Bằng (2018): Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.