• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nâng cao kỹ năng tiếp công dân góp phần chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng

Thứ ba - 31/03/2020 16:30

    Tiếp công dân là giai đoạn đầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, là khâu then chốt góp phần giải quyết có hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó bảo vệ lợi ích của nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
    Phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng là phường trung tâm về chính trị, kinh tế - văn hóa, an ninh - quốc phòng. Phường có tổng diện tích tự nhiên là 92.07ha, trong đó đất nông nghiệp là 4.57ha, đất phi nông nghiệp là 87.5ha; số dân trên địa bàn là 3.189 hộ/11.759 nhân khẩu, cư trú tại 12 tổ dân phố, với nhiều thành phân dân tộc cùng sinh sống đã mang lại sự đa dạng về văn hóa. Trong những năm qua được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, thành phố, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn phường nên tinh hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo.
    Công tác tiếp công dân trên địa bàn Phường luôn được Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường quan tâm, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, là cơ sở để nắm rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vừa tiếp nhận đóng góp ý kiến về tất cả các lĩnh vực hoạt động nhằm xây dựng chính quyền cơ sở, đồng thời tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để kéo dài và tạo thành điểm nóng.
    Hiện nay số cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện tiếp công dân, giải quyết đơn thư là 03 người; số đơn thư tiếp nhận từ 01/01/2019 đến 15/11/2019 là 17: trong đó 01 đơn khiếu nại, 08 đơn đề nghị phản ánh, 08 đơn kiến nghị; số đơn thư, thư khiếu nại, kiến nghị đã được giải quyết là 16; đang giải quyết là 01 đơn)
    Thời gian qua cho thấy hoạt động tiếp công dân của Phường đã đạt được nhiều kết quả tích cực tạo được niềm tin cho đại bộ phận công dân. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác tiếp công dân như: thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bố trí lãnh đạo tiếp công dân thường xuyên theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ, công chức luôn có thái độ ôn hòa, nhã nhặn, thân thiện với quần chúng nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, cởi mở lắng nghe công dân trình bày vấn đề, các đơn thư đã được xử lý kịp thời, đúng quy định… Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận một số ít cán bộ làm công tác tiếp dân chưa làm tốt nhiệm vụ chức năng của mình như công chức chưa có kỹ năng trong tiếp công dân, thiếu kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời dẫn tới nhân dân khiếu kiện vượt cấp… Điều đó làm cho người dân có việc đi khiếu nại trong tâm trạng rất bức xúc, không giữ được bình tĩnh, thậm chí “nói tục”, “chửi thề” là không tránh khỏi. Thực tế là họ coi đến chỗ tiếp công dân để mà “xả” những nỗi bức xúc ấy; tạo ra nhiều áp lực, thách thức cho cán bộ làm công tác tiếp công dân.
    Do đó việc nâng cao kỹ năng, trình độ, năng lực cán bộ tiếp công dân góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ của Phường, giải tỏa được những bức xúc, mang lại niềm tin cho người dân là rất cần thiết. Thông qua công tác tiếp công dân, cơ quan nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kịp thời chấn chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ các nội dung không còn phù hợp. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, tranh thủ trí tuệ của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; bảo đảm việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức nhà nước trong sạch vững mạnh. Thông qua công tác tiếp công dân tạo ra động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của mình, từ đó có những điều chỉnh kịp thời, thích hợp. Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ hạn chế khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, cũng như nhiều bất cập khác của công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp không thể xem nhẹ hoạt động tiếp công dân.
    Để thực hiện tốt công tác tiếp công dân trước hết người cán bộ được phân công phụ trách công việc này phải nắm vững chủ trương, nghị quyết và các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình địa phương; có phẩm chất đạo đức tốt và phải nắm vững nguyên tắc trong đối thoại giao tiếp, không để cái tôi lấn át công việc, đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa Nhà nước và công dân tham gia giao tiếp; đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, ứng xử trong giao tiếp phải mang tính dân tộc và phản ánh truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, tranh thủ trí tuệ của nhân dân, huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; đảm bảo việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức nhà nước góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Thông qua công tác tiếp dân tạo ra động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của mình, từ đó có những điều chỉnh thích hợp, kịp thời.
    Cán bộ phụ trách tiếp công dân nhất thiết phải có kỹ năng, có hiểu biết sâu về lĩnh vực này. Các kỹ năng tiếp, giải quyết công việc với công dân của người cán bộ, công chức được hình thành trên nền tảng kiến thức, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức, phong cách làm việc của người cán bộ, công chức. Do đó phải rèn luyện, tích lũy qua thời gian mới có được.
    Thứ nhất, là kỹ năng giao tiếp, đây là kỹ năng đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định bước đầu sự thành công hay thất bại của việc tiếp công dân. Có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp, sự tin tưởng và cơ hội để người dân cùng chính quyền giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn từ khi mới phát sinh. Kỹ năng giao tiếp đòi hỏi, cán bộ công chức tiếp công dân cần phải tự tin vào bản thân, điều này thể hiện bằng những hiểu biết của mình về chủ đề, về đối tượng tiếp. Khi gặp gỡ người dân đến trụ sở tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân phải chào hỏi, tự giới thiệu về mình, sau đó ân cần hỏi họ tên và người dân cần giải quyết, không để người dân phải chờ đợi lâu. Trong khi tiếp công dân, người tiếp phải ngồi ngay ngắn, nghiêm túc. Với ánh mắt, nụ cười, nét mặt, cử chỉ thân thiện… phù hợp với bối cảnh giao tiếp lắng nghe người dân trình bày, ghi chép những nội dung cần thiết. Bắt tay là hình thức biểu đạt sự thân thiện, nồng nhiệt, kính trọng lúc gặp, sự lưu luyến, gửi gắm niềm tin khi chia tay đối với người dân. Do đó khi tiếp công dân người cán bộ không được để sơ suất những động tác này.
    Thứ hai, kỹ năng nói có vị trí rất quan trọng trong hoạt động tiếp công dân, có tính chất quyết định kết quả của buổi tiếp công dân. Khi giao tiếp với công dân, cán bộ tiếp công dân phải sử dụng lời nói chuẩn mực, theo ngôn từ hành chính đồng thời phải nói chính xác, rõ ràng, không mập mờ, lơ lửng, phải sát với nội dung công dân nêu ra. Không nên trình bày dài dòng, thiếu mạch lạc, không rõ ràng, không quan tâm đến thái độ của người dân. Đảm bảo chững chạc, đàng hoàng tạo sự kính trọng người nghe. Tác phong, thái độ cởi mở, tế nhị và chu đáo, tinh thần hiếu khách, phong cách lịch sự và nghiêm túc là những chuẩn mức giao tiếp quan trọng và cần thiết.
    Thứ ba, kỹ năng nghe người dân trình bày. Để trả lời, giải đáp và hướng dẫn người dân phải hiểu được họ đang muốn điều gì, đang bức xúc vấn đề gì, do đó phải lắng nghe người dân trình bày và hướng dẫn họ trình bày. Điều đó đòi hỏi cán bộ phải được rèn luyện kỹ năng nghe. Kỹ năng đòi hỏi khi nghe người dân trình bày ý kiến cán bộ tiếp công dân phải có ánh mắt, nụ cười, nét mặt, cử chỉ… phù hợp với bối cảnh giao tiếp. Xác định đâu là điểm mẫu chốt, quan trọng và cần được ghi chép lại để ghi nhớ các điểm đó; quan tâm đến điệu bộ, cử chỉ, nét mặt khuynh hướng tư duy của người dân; suy nghĩ khách quan và cố gắng phân tích; thể hiện tư duy cởi mở, lắng nghe, bày tỏ sự quan tâm, cảm thông với người dân, trong mọi trường hợp không được tỏ thái độ nóng nảy, bức xúc. Không cắt ngang, lời người đang nói. Nếu không thống nhất quan điểm, cách làm việc nên trao đổi từ tốn, thuyết phục với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự, lạc quan, tích cực, chân tình, cởi mở, thể hiện sự sẵn sàng hợp tác và có thể làm được.
    Việc nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng cho cán bộ tiếp công dân sẽ góp phần bước đầu trong việc tạo lập môi trường thân thiện, cởi mở và sẵn sàng hợp tác gây dựng niềm tin của người đến khiếu kiện. Đây là tiền đề để thực hiện tốt các bước tiếp theo trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phán ánh của người dân góp phần hạn chế việc khiếu kiện đông người, lòng vòng, vượt cấp, trái pháp luật, tạo sự công bằng, giải tỏa được bức xúc, mang lại niềm tin cho người dân là rất cần thiết. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí tầm quan trọng của hoạt động tiếp công dân theo quy định của Đảng, Nhà nước, chọn cử những người có đủ năng lực, trình độ để làm nhiệm vụ tiếp công dân. Cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác tiếp công dân, bởi trên thực tế, phần lớn cán bộ tiếp công dân khi được bố trí công tác tiếp công dân đều tự mình mày mò học hỏi, vừa học, vừa làm là chính vì vậy không tránh khỏi những sai sót trong thực hành tiếp công dân.
Kỹ năng tiếp công dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, do đó các cấp ủy chính quyền trên cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với hoạt động tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, của cấp dưới, từ đó sàng lọc những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ và kỹ năng trong tiếp công dân, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu các cấp chính quyền và các cơ quan nhà nước trong việc không thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước đối với tiếp công dân.

   ThS. Hoàng Ngọc Mai
       Giảng viên  Khoa Nhà nước và pháp luật
 


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.