• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động dự giờ tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ ba - 31/03/2020 16:14

    Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/12/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận chính trị và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã chỉ rõ những hạn chế trong công tác lý luận hiện nay, trong đó có nêu “Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị còn hạn chế về chất lượng, trùng lắp về nội dung, chương trình; chậm đổi mới về phương pháp”. Để nâng cao chất lượng giảng dạy của từng giảng viên thì dự giờ là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy.
    Theo Quy chế giảng viên (Ban hành kèm theo Quyết định số 2252- QĐ/HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Quy chế giảng viên trường chính trị, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương) thì hoạt động dự giờ là một trong những nhiệm vụ của giảng viên. Việc tổ chức dự giờ, giảng viên lên lớp sẽ chủ động nghiên cứu kỹ nội dung bài giảng trước khi lên lớp, tìm hiểu, cập nhập kiến thức mới, áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nội dung, linh hoạt sáng tạo trong xử lý tình huống. 
    Thời gian gần đây công tác dự giờ tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã được Đảng ủy và Ban Giám hiệu quan tâm, chỉ đạo các khoa chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch dự giờ, phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học thống nhất lịch dự giờ cấp khoa, cấp trường. Sau khi dự giờ, tổ chức rút kinh nghiệm, giảng viên nhận được những ý kiến góp ý từ đồng nghiệp, giảng viên tự nhìn nhận, đánh giá mặt được, chưa được của giờ giảng, từ đó có ý thức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và khoa chuyên môn sẽ tổng hợp phiếu đánh giá giờ giảng và phiếu phản hồi từ phía học viên, xếp loại, chỉ ra những hạn chế trên các mặt nội dung, phương pháp sư phạm, kỹ năng…; đưa ra những định hướng, biện pháp cụ thể để giảng viên khắc phục trong thời gian tới.
    Có thể nói, thời gian qua công tác dự giờ đã trở thành nền nếp, được giảng viên các khoa nhiệt tình hưởng ứng, thông qua dự giờ cho thấy chất lượng giảng dạy của giảng viên Nhà trường đã có nhiều chuyển biến, mức độ hài lòng của học viên đối với mỗi bài giảng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác dự giờ vẫn còn một số điểm cần được điều chỉnh, làm tốt hơn như: Có buổi số lượng giảng viên tham gia dự giờ rất ít vì vướng lịch lên lớp, hay cần giải quyết công việc gấp…nên việc đánh giá chất lượng giờ giảng chưa đảm bảo tính bao quát tổng thể; ý kiến nhận xét, chia sẻ kinh nghiệm đối với giờ giảng nghèo nàn, có ý kiến khi góp ý cho đồng nghiệp chưa mạnh dạn, chung chung, chưa cụ thể, không dám chỉ ra những hạn chế yếu kém của đồng nghiệp…
    Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động dự giờ trong thời gian tới, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
    Thứ nhất, Ban Giám hiệu tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với hoạt động dự giờ của các khoa chuyên môn. Thực hiện bằng nhiều biện pháp thiết thực như quán triệt các khoa xây dựng kế hoạch dự giờ thường xuyên; kiểm tra hoạt động dự giờ của các khoa; tiếp tục giám sát dự giờ trực tiếp và họp rút kinh nghiệm theo các khoa chuyên môn, nắm tình hình, những ưu điểm, hạn chế; từ đó có cơ sở để đánh giá những khoa nào làm tốt động viên khuyến khích, đồng thời chỉ ra những hạn chế yếu kém của hoạt động dự giờ nói chung và của từng khoa nói riêng; đưa ra định hướng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.
    Thứ hai, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tiếp tục tham mưu cho Ban Giám hiệu về kế hoạch dự giờ cấp trường, cấp khoa. Dựa trên kế hoạch xây dựng dự giờ, tổng hợp kết quả dự giờ của các khoa chuyên môn, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học bố trí, sắp xếp xây dựng kế hoạch dự giờ cấp trường vào thời gian thích hợp để tất cả giảng viên, giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm nhiệm tham gia dự giờ đông đủ.
    Thứ ba, thông qua các buổi dự giờ khoa chuyên môn tiếp tục triển khai các bước tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của từng giảng viên như: định hướng, hướng dẫn, trao đổi, hỗ trợ giảng viên cả về chuyên môn và phương pháp. Giảng viên có kinh nghiệm phải giúp đỡ cho giảng viên chưa có kinh nghiệm hoặc giảng viên còn hạn chế về chuyên môn, thậm chí “cầm tay chỉ việc” cho từng giảng viên, như cách dùng từ, trình bày bảng hay cách đặt câu hỏi với học viên, cách giao lưu với học viên, khả năng bao quát lớp; kỹ năng sử dụng máy tính, máy chiếu …
    Thứ tư, đối với giảng viên lên lớp cần chuẩn bị kỹ nội dung, phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết, thực hiện đầy đủ các bước trên lớp, chủ động lường trước những tình huống có thể sảy ra như mất điện, trục trặc máy tính, máy chiếu để chủ động xử lý. Giảng viên sau mỗi buổi rút kinh nghiệm cần ghi chép đầy đủ các ý kiến góp ý để từ đó khắc phục, điều chỉnh bản thân, phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm hạn chế, có tinh thần cầu thị để bài giảng đạt hiệu quả cao.
    Có thể nói, hoạt động dự giờ là công việc thường xuyên, cần thiết đối với mỗi giảng viên của các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục và Trường Chính trị Hoàng Đình Giong. Để làm tốt việc này, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện của Ban Giám hiệu, các khoa chuyên môn và sự nỗ lực, cố gắng chủ động của mỗi giảng viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường trong bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển.

ThS. Đinh Thị Thúy Hường
Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.