• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ ba - 31/03/2020 16:12

    Nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học đối với giảng viên trường chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghiên cứu thực tế của giảng viên trường chính trị có thể hiểu là hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội…; việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, đơn vị; công tác xây dựng tổ chức đảng, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở; việc vận dụng lý luận mà cán bộ, công chức tại cơ sở đã được trang bị vào giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế…
    Nghiên cứu thực tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên trường chính trị tỉnh. Theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể về hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên, nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên.
    Hiện nay, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong có 01 tiến sỹ; 23 thạc sỹ (chiếm 71,87% tổng số cán bộ giảng viên), 09 cử nhân (trong đó 03 người đang học cao học, chiếm 39,13%); 08 giảng viên chính (chiếm 25%). Tuy nhiên, một trong những hạn chế hiện nay đối với Nhà trường là một số giảng viên thiếu kiến thức thực tiễn trong giảng dạy, bài giảng chủ yếu là lý luận chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu của người học.
    Xác định tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế, trong những năm qua Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Hoàng Đình Giong luôn chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu thực tế được triển khai dưới nhiều hình thức như thông qua hoạt động đưa học viên các lớp đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở (chia lớp thành các nhóm thảo luận theo chủ đề); các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các trường bạn do Nhà trường tổ chức; nhóm nghiên cứu phục vụ một số đề tài cấp trường, cấp tỉnh giúp giảng viên củng cố tri thức lý luận và bổ sung kiến thức thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy. Tuy vậy, công tác này vẫn còn một số những hạn chế nhất định như: hoạt động nghiên cứu có phần còn nặng tính hình thức, đối phó; tổ chức đi nghiên cứu thực tế có đợt mới chỉ dừng lại ở việc tham quan; chất lượng nghiên cứu chưa cao. Nguyên nhân của những hạn chế đó là do số giờ giảng dạy chuẩn theo quy định cao (GVCC: 310 giờ chuẩn, GVC: 290 giờ chuẩn, GV: 270 giờ chuẩn); định mức giờ chuẩn nghiên cứu khoa học đối với giảng viên nhiều (GVCC: 310 giờ chuẩn, GVC: 290 giờ chuẩn , GV: 270 giờ chuẩn); giảng viên không có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu khoa học; hiện nay số lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng mở nhiều, công tác kiểm tra giám sát hoạt động nghiên cứu thực tế chưa chặt chẽ, kinh phí dành cho nghiên cứu thực tế hạn chế. 
    Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên theo tôi Nhà trường cần tập trung vào một số giải pháp sau:
    Một là, cần nâng cao nhận thức của giảng viên về vai trò của hoạt động nghiên cứu thực tế. Nghiên cứu thực tế là một trong những hoạt động quan trọng, giúp giảng viên có thêm những kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm để bổ sung vào bài giảng mang tính thuyết phục và tham gia viết bài nghiên cứu khoa học một cách khách quan và chính xác.
    Hai là, khi tham gia nghiên cứu thực tế, giảng viên phải nghiêm túc lắng nghe cơ sở báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương; thu thập tài liệu, chi chép các thông tin cần thiết; xây dựng các câu hỏi trao đổi liên quan đến nội dung nghiên cứu phục vụ bài giảng; rèn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích, đánh giá, kỹ năng thu thập thông tin…Từ đó, giúp giảng viên có thể đưa vào các bài giảng những ví dụ, số liệu, tình huống thực tế tại cơ sở.
    Ba là, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu thực tế cơ sở của giảng viên. Cần bố trí hài hòa giữa thời gian giảng dạy trên lớp và thời gian nghiên cứu thực tế. Đặc biệt đối với các giảng viên trẻ nên dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu thực tế.
    Bốn là, Ban Giám hiệu cần đưa ra các phương pháp quản lý hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên đảm bảo chất lượng hiệu quả. Các khoa xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của khoa, chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu về hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở của giảng viên. Sau mỗi đợt đi thực tế, mỗi giảng viên viết báo cáo, rút ra kinh nghiệm, chỉ rõ được kết quả nghiên cứu thực tế phục vụ cho việc nghiên cứu vào bài học, phần học cụ thể, tránh hiện tượng làm qua loa, sao chép. Lãnh đạo các khoa cần có sự kiểm tra, giám sát các báo cáo của giảng viên.
    Năm là, cử giảng viên đi thực tế dài ngày, có thời hạn ở cơ sở. Đây là cơ hội để giảng viên học tập, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức thực tế vào bài giảng, lựa chọn tình huống cụ thể, sát với đối tượng người học để minh họa bài giảng sinh động, phong phú.
    Nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế cho giảng viên có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do đó, mỗi giảng viên cần xác định rõ mục đích, yêu cầu của hoạt động này, phải xem đây là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng và cũng là quá trình tự hoàn thiện của bản thân, khi đã có vốn kiến thức chắc về lý luận và thực tiễn sẽ giúp giảng viên tự tin, chủ động hơn, bài giảng sẽ thu hút học viên, từ đó chất lượng giảng dạy và đào tạo của Nhà trường cũng được nâng lên.

 ThS. Đoàn Thị Vân Thúy
Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.