• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Công tác soạn giáo án của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong hiện nay

Thứ ba - 10/12/2019 08:11

    Giáo án là kế hoạch và dàn ý giờ lên lớp của giảng viên, bao gồm giờ lên lớp, mục tiêu, nội dung, phương pháp, trang thiết bị, những hoạt động cụ thể của giảng viên và học viên, khâu kiểm tra đánh giá được cân nhắc, tính toán kỹ từng nội dung. Tất cả được ghi ngắn gọn theo trình tự thực tế sẽ diễn ra trong giờ lên lớp.
    Giáo án được giảng viên biên soạn trong khâu chuẩn bị lên lớp và quyết định phần lớn sự thành công của bài giảng bởi nó giúp giảng viên quản lí thời gian dành cho mỗi nội dung bài học được tốt hơn. Giáo án chỉ ra mục tiêu, nội dung, phương pháp, giúp đảm bảo trật tự khoa học của thông tin, trình tự nấc bước sử dụng phương pháp, câu hỏi trao đổi, đáp án, công cụ, phương tiện hỗ trợ bài giảng, giúp cho giảng viên chủ động, bình tĩnh trong quá trình giảng dạy, tránh quên, bỏ sót, nhầm lẫn nội dung bài giảng. Do đó, giảng viên phải chuẩn bị giáo án của mình thật kỹ trước khi giảng dạy.
    Theo Quyết định số 2422/QĐ-HVCTQG ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Mẫu giáo án dùng cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giảng viên Trường Chính trị khi soạn giáo án phải thực hiện theo mẫu thống nhất.
    Kết cấu của giáo án gồm:
    1. Trang bìa chính, trang bìa phụ.
    2. Phần nội dung có các mục A, B, C, D. Trong đó:
    A. Kế hoạch bài giảng: Gồm có tên bài giảng; Thời gian giảng; Đối tượng học viên; Mục tiêu; Kế hoạch chi tiết.
    B. Tài liệu phục vụ soạn giảng: Gồm có tài liệu bắt buộc và tài liệu tham khảo.
    C. Nội dung bài giảng: Viết đầy đủ, chi tiết nội dung để giảng theo kế hoạch đã xây dựng.
    D. Câu hỏi ôn tập, thảo luận, tài liệu phục vụ học tập.
    3. Phần phê duyệt bài giảng gồm có xác nhận của Trưởng khoa và Ban Giám hiệu.
    Khi soạn giáo án, giảng viên phải tuân thủ các yêu cầu:
    - Thực hiện thống nhất theo mẫu giáo án do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quy định.
    - Đảm bảo đúng kết cấu và chất lượng nội dung giáo án. Do vậy giảng viên phải tích cực khảo sát, tìm tòi, phân tích, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận thống nhất các nội dung trong giáo án về:
    + Trình tự 05 bước lên lớp.
    + Mục tiêu bài giảng gắn với đối tượng học viên.
    + Kết cấu, thời lượng giờ giảng. Các nội dung trọng tâm của bài giảng.
    + Giáo trình và các văn bản, tài liệu được sử dụng để giảng viên soạn giảng, các văn bản, tài liệu giới thiệu cho học viên nghiên cứu.
    + Phương pháp giảng dạy gắn với từng nội dung.
    + Các giáo cụ, công cụ, phương tiện cần chuẩn bị.
    + Nội dung cho học viên ghi chép.
    + Nội dung phân tích, ví dụ minh họa.
    + Câu hỏi và đáp án, văn bản, tài liệu học tập.
   Công tác soạn giảng ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong luôn thực hiện tốt. Các bài giảng được giảng viên chuẩn bị tốt về nội dung, phương pháp giảng dạy, giáo cụ và phương tiện hỗ trợ; trong giờ giảng, giảng viên có nhiều đổi mới, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực được học viên đánh giá cao.
    Để có một bài giảng hay, là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của giảng viên đã đầu tư nhiều về thời gian, công sức, trí tuệ và tâm huyết trong việc soạn giáo án. Những bài giảng được lặp lại nhiều lần, sẽ giảng hay hơn nhiều so với những bài giảng lần đầu. Đối với những bài mới giảng và nhất là giảng lần đầu tiên, giảng viên khá vất vả trong nghiên cứu nội dung, thu thập văn bản hiện hành, thông tin thời sự về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả, tấm gương tiêu biểu, điển hình, soạn giáo án Word, Power Point, chuẩn bị các công cụ, phương tiện hỗ trợ cho bài giảng.
    Theo báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tháng 4 năm 2019, cho thấy giáo án của giảng viên đều soạn và phê duyệt trước khi lên lớp.
    - Chất lượng giáo án
    + Về nội dung: Giáo án đúng, đủ nội dung theo giáo trình, cập nhật văn bản pháp luật hiện hành. Về lời phân tích có giáo án phân tích nội dung tốt, có giáo án phân tích nội dung chưa sâu, đa số giáo án đã có ví dụ minh họa, nhưng vẫn có giáo án chưa đưa ra ví dụ minh họa.
    + Về hình thức: Giáo án trình bày đúng theo mẫu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định. Thông thường giảng viên có hai giáo án: 01 giáo án Word (theo quy định), 01 giáo án Power Point (giảng viên tự thiết kế theo từng bài giảng).
    Đa số các giáo án thường được trình bày như sau:
    Trang bìa chính giấy màu màu vàng; trang bìa phụ giấy màu trắng. Các nội dung đều thực hiện theo quy định của Học viện.
    Phần nội dung được trình bày đủ các mục A, B, C, D. Trong đó:
    A. Kế hoạch bài giảng: Gồm có tên bài giảng; Thời gian giảng; Đối tượng học viên; Mục tiêu; Kế hoạch chi tiết.
    B. Tài liệu phục vụ soạn giảng: Gồm có tài liệu bắt buộc và tài liệu tham khảo
    C. Nội dung bài giảng: Viết đầy đủ, chi tiết nội dung để giảng theo kế hoạch đã xây dựng.
    D. Câu hỏi ôn tập, thảo luận, tài liệu phục vụ học tập.
Số lượng câu hỏi ôn tập, thảo luận thường từ 3-5 câu. Các tài liệu phục vụ học tập chủ yếu là giáo trình và văn bản pháp luật hiện hành.
Số trang trong mỗi giáo án: Giáo án 4 tiết: khoảng 15-30 trang. Giáo án 8 tiết khoảng 30-50 trang. Giáo án 20 tiết: khoảng 60 - 80 trang.
    - Số lượng giáo án đối với mỗi giảng viên:
    Theo báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tháng 4 năm 2019, giảng viên được phân công giảng số lượng bài từ 1 đến 4 bài có 7 giảng viên; từ 5 đến 10 bài có 15 giảng viên;  từ 11 bài trở lên có 6 giảng viên. Số lượng giáo án đối với giảng viên được phân công là vừa phải, tuy nhiên trong trường hợp cần thiết phải đảo bài, phân công bài mới trong thời gian ngắn nên tạo ra áp lực đối với giảng viên trong lần giảng đầu tiên. Khi đó nhu cầu trao đổi, xin chia sẻ giáo án, bài giảng là cần thiết, nhất là đối với những giảng viên trẻ chưa có kinh nghiệm.
    - Việc thu thập thông tin, tài liệu
    Trên cơ sở nội dung giảng dạy giảng viên cần thu thập thông tin, tài liệu, các văn bản của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thu thập kế hoạch, báo cáo, quyết định có liên quan đến nội dung bài giảng, thu thập tìm hiểu kiến thức thực tế, mô hình tốt, cách làm hay, các tấm gương điển hình tiêu biểu ...để minh họa cho giáo án. Qua khảo sát cho thấy, giảng viên thực hiện tương đối tốt, nghiên cứu, bổ sung Văn kiện, báo cáo có 29 giảng viên; tài liệu tập huấn có 27 giảng viên; thông tin thời sự có 29 giảng viên.
    - Thời gian soạn giáo án: Thực tế cho thấy để soạn giáo án mới, giảng viên có kinh nghiệm mất khoảng thời gian từ 10 đến 15 ngày, giảng viên trẻ phải mất khoảng 01 tháng, giảng viên tập sự phải mất 01 đến 03 tháng. Giảng viên tập sự đòi hỏi phải có thời gian tự tập giảng, sau đó rút kinh nghiệm, chỉnh sửa, bổ sung giáo án cho phù hợp.
    - Về phương pháp giảng dạy được sử dụng khi soạn giáo án: Các giảng viên sử dụng đa dạng phương pháp giảng , trong đó: sử dụng phương pháp truyền thống (thuyết trình) có 6 giảng viên; kết hợp phương pháp truyền thống với các phương pháp tích cực có 30 giảng viên.
    - Việc góp ý, trao đổi, thảo luận các nội dung, phương pháp trong giáo án, bài giảng
    + Việc góp ý, trao đổi, thảo luận các nội dung, phương pháp trong giáo án trước khi lên lớp ít khi được thực hiện. Khoa ít khi tổ chức trao đổi chuyên môn về các bài giảng. Giảng viên trẻ có hỏi lãnh đạo khoa, giảng viên có kinh nghiệm về một số nội dung trong bài giảng. Đó là những nội dung gắn lý luận với thực tiễn. Trao đổi thêm về cách thu thập dữ liệu để minh họa cho bài giảng.
    + Việc góp ý, trao đổi, thảo luận các nội dung trong bài giảng sau khi lên lớp chỉ được thực hiện sau khi tổ chức dự giờ cấp khoa, thao giảng cấp trường. Thông thường, các khoa thực hiện 01 lần cho tất cả các giảng viên trong khoa. Việc góp ý, trao đổi, tập trung vào các nội dung: Góp ý về công tác chuẩn bị trước khi lên lớp; Góp ý về giáo án; về phương pháp giảng dạy; về tinh thần, thái độ của giảng viên. Thông qua việc trao đổi, góp ý, các giảng viên đã rút kinh nghiệm đối với bài giảng, từ đó soạn giáo án, chuẩn bị giáo cụ, nghiên cứu kỹ nội dung trước khi lên lớp.
    - Đánh giá công tác soạn và chia sẻ giáo án
    Ưu điểm: Việc phân công soạn giáo án được tổ chức họp bàn thống nhất trong khoa và Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học. Phân công soạn căn cứ theo trình độ chuyên môn được đào tạo của giảng viên, kinh nghiệm công tác giảng dạy, mong muốn đảm nhiệm bài giảng của giảng viên; Các giảng viên có ý thức trách nhiệm cao để soạn giáo án, dành thời gian, công sức để soạn giáo án trước khi lên lớp. Chất lượng giáo án bảo đảm đúng kết cấu theo mẫu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nội dung đảm bảo đúng theo giáo trình, cập nhật văn bản của Đảng, Nhà nước hiện hành. Nhiều giáo án bản in nội dung các phần có đầy đủ cả lời phân tích, ví dụ, liên hệ thực tế. Giáo án được phê duyệt.
    Hạn chế: Một số giáo án soạn chậm so với quy định, 01 ngày trước ngày lên lớp. Kết cấu chỉ có nội dung đúng như giáo trình. Một số phần học không có chuyên môn được đào tạo hoặc phân công đột xuất, nên gây khó khăn cho giảng viên khi soạn và chất lượng bài giảng không cao. Một số giáo án chưa cập nhật cách đặt các mục theo giáo trình mới.... Giáo trình có sự thay đổi về nội dung, kết cấu; văn bản của Đảng, văn bản của Nhà nước mới ban hành khá nhiều nên việc cập nhật, bổ sung khi soạn giáo án mất khá nhiều thời gian.
    Nguyên nhân của những hạn chế:
    - Các khoa chỉ đạo giảng viên soạn giáo án nhưng chưa thường xuyên theo dõi kiểm tra giảng viên cập nhật, bổ sung giáo án; giảng viên đã có giáo án được phê duyệt, có cập nhật bổ sung kiến thức, văn bản mới nhưng thường chỉ để trong máy vi tính, hoặc chỉ đưa vào giáo án Powerpoint, mà không đưa vào giáo án Word để . Vì hiện nay giảng viên giảng bài chủ yếu là trình chiếu Powerpoint là chính, kết hợp với bảng phấn là phụ. Việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong soạn giáo án chỉ được thực hiện giữa các cá nhân, chưa tổ chức trong khoa thành các buổi sinh hoạt trao đổi chuyên môn; Một số lịch giảng có sự thay đổi có khi đột xuất, bài giảng mới chỉ được giảng một lần do đó chất lượng soạn giáo án chưa cao; Một số bài có nội dung vừa rộng, vừa dài; trong khi đó lượng thời gian để giảng lại ngắn nên khi soạn giáo án giảng viên gặp không ít khó khăn trong việc cân nhắc, lựa chọn nội dung kiến thức để soạn giáo án.
    Từ thực tế công tác soạn giáo án tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, để nâng cao chất lượng soạn giáo án, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:
    Thứ nhất, giảng viên cần chủ động tự trau dồi, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, luyện tập sử dụng công cụ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.
Mỗi giảng viên phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị; thường xuyên cập nhật những thông tin thời sự, thu thập trên các phương tiện thông tin đại chúng để có phông kiến thức rộng, sâu. Để có giáo án khoa học, công phu, bài giảng hay, cuốn hút, giảng viên cần tập trung những vấn đề sau:
    - Để bài giảng sinh động giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải vững và hiểu sâu kiến thức chuyên môn, liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận. Do đó, giảng viên cần tích cực đi thực tế ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn để gặp gỡ trao đổi với cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan, đơn vị; gặp người dân để tham quan các các mô hình lao động sản xuất giỏi, những tấm gương điển hình có tính thời sự, tính chính xác, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp nội dung lý luận đang cần được phân tích chứng minh.
    - Giảng viên nghiên cứu để nắm vững lý thuyết về phương pháp giảng dạy, chủ động lựa chọn phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng người học. Cần chuẩn bị hệ thống các câu hỏi, các tình huống, đáp án phù hợp với từng nội dung của bài giảng, đối tượng học viên.
    - Giảng viên cần sử dụng thành thạo máy vi tính và các phương tiện dạy học hiện đại trực quan, bao gồm: máy vi tính, máy chiếu, máy quay phim và kết hợp với các đồ dùng học tập như: giấy A0, bút dạ, bảng ghim, bảng lật…để thiết kế bài giảng trên Powerpoint, có các từ khóa, hình ảnh, sơ đồ, Clip phù hợp làm phong phú thêm nội dung, tạo ra sự sinh động trong tiết giảng và gây hứng thú cho học viên, để học viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng trong thực tế.
    Thứ hai, soạn và sử dụng giáo án vào giảng dạy trên lớp
    Giáo án là cơ sở để giảng viên dùng lên lớp. Giảng viên tích cực cập nhật kiến thức, thường xuyên nghiên cứu bổ sung để bài giảng sau mỗi lần giảng được bổ sung hoàn thiện hơn. Giảng viên chuẩn bị bài giảng chu đáo, bài giảng có những phương pháp truyền tải phù hợp với đối tượng học viên, thiết kế các Slide trình bày khoa học, hợp lý, phương pháp giảng dạy phong phú, sinh động; giờ giảng có sức cuốn hút người nghe.
    Thứ ba, giảng viên tích cực chia sẻ, trao đổi chuyên môn, các khoa nên tổ chức soạn giáo án chung
    - Giảng viên trong khoa và giảng viên kiêm nhiệm cần xác định rõ soạn giáo án là một công việc cần được làm thường xuyên, liên tục, lâu dài và rất cần chia sẻ với nhau, nhất là những giảng viên cùng soạn 01 bài.
    - Giảng viên cần chủ động thường xuyên cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa giáo án cho phù hợp với nội dung bài giảng, đối tượng học viên.
    - Hàng tháng, quý, khoa tổ chức trao đổi chuyên môn, bổ sung kiến thức thực tế, đa dạng phương pháp giảng dạy. Giảng viên chưa có kinh nghiệm, cách thiết kế Silde minh họa chưa tốt cần tích cực học hỏi giảng viên có kinh nghiệm thiết kế giáo án Powerpoint để được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cách làm. Từ đó chỉnh sửa, thiết kế giáo án Powerpoint thêm phong phú, sinh động, phù hợp với nhu cầu tiếp thu kiến thức của học viên.
    Các khoa nên tổ chức soạn giáo án chung để tạo cơ hội trong việc trao đổi, chia sẻ chuyên môn, củng cố, khắc sâu kiến thức, thuận tiện chia sẻ giáo án, tài liệu giữa các giảng viên và đem lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, phát huy được năng lực của giảng viên. Giáo án chung được xây dựng theo trình tự nấc bước lên lớp, có đủ nội dung ghi chép theo mẫu chuẩn, những định nghĩa, những nội dung cơ bản của bài học, bên cạnh đó còn xây dựng một số ví dụ hoặc lời phân tích, các phương pháp sử dụng để truyền đạt các nội dung đó. Xây dựng giáo án chung có thể giúp giảng viên tiết kiệm thời gian, đặc biệt là khi một giảng viên mới nhận bài giảng, về cơ bản giáo án chung đã tương đối chuẩn về nội dung kiến thức cho học viên ghi chép, kiến thức sử dụng để minh họa, phân tích, các phương pháp truyền đạt, những văn bản, tài liệu phục vụ soạn giảng, giới thiệu cho học viên nghiên cứu, như vậy thay việc tìm tòi các nội dung có trong giáo án thì dành thời gian đó để bổ sung thêm, nghiên cứu phân tích sâu, tập giảng cho tốt. Tất cả những điều đó tạo nên một bước “đột phá” trong công tác soạn và trao đổi giáo án.
    Thứ tư, biểu dương, khen thưởng đối với các giảng viên có giáo án tốt, bài giảng hay, đồng thời nhắc nhở, phê bình giảng viên chuẩn bị giáo án chưa chu đáo.
     - Nhà trường cần biểu dương, khen thưởng các giảng viên có sự chuẩn bị giáo án chu đáo, công phu; có bài giảng hoặc nội dung giảng hay; Slide minh họa bắt mắt, phương pháp giảng dạy phong phú, sinh động; giờ giảng có sức cuốn hút, thuyết phục được người học; bài học đem lại hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó cần nhắc nhở, phê bình đối với các giảng viên soạn và chuẩn bị bài giảng chưa tốt, giáo án chỉ đơn thuần chép lại nội dung chính của giáo trình, ít cập nhật, bổ sung kiến thức, văn bản mới.
    Thứ năm, phối hợp xây dựng lịch giảng dạy, học tập.
    Đầu năm khoa họp trao đổi, thống nhất việc dự kiến phân công giảng viên đảm nhiệm các bài trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính do khoa đảm nhiệm, dự kiến giảng viên 1 là người giảng chính, giảng viên 2 là người giảng khi cần thiết có thể thay thế, giảng viên 3 là người đang chuẩn bị bài giảng.
    Lịch giảng dạy, học tập nên ban hành sớm (trước 10 - 15 ngày) để giảng viên chủ động trong công việc soạn, bổ sung giáo án trước khi lên lớp.
    Tóm lại, công tác soạn giáo án đóng vai trò rất quan trọng của giảng viên trước khi lên lớp, đem lại hiệu quả thiết thực trên thực tế. Soạn giáo án chu đáo, chuẩn bị công phu sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố, vững chắc về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tạo ra sự chủ động, tư tin của giảng viên trước, trong và sau khi lên lớp, góp phần nâng cao uy tín của giảng viên, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường./.
                                                                        ThS. Đào Công Dân
                                                    Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.