• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay

Thứ ba - 19/01/2016 08:26

Toàn cầu hoá là một hiện tượng, một quá trình, một xu thế liên kết trong quan hệ quốc tế làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, an ninh, văn hoá, môi trường… giữa các quốc gia. Nói cách khác, toàn cầu hoá là quá trình ảnh hưởng, tác động và phụ thuộc lẫn nhau của các khu vực, quốc gia, dân tộc trên thế giới. Vì vậy, toàn cầu hóa vừa là thách thức vừa là cơ hội cho tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, tác động một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong phạm vi nội dung bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một khía cạnh đó là tác động của toàn cầu hóa đối với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nước ta là một quốc gia đa văn hóa, với 54 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, nhưng cộng đồng các dân tộc Việt Nam có điểm chung đó tình tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách. Đặc điểm này là thành quả được tích lũy qua ngàn năm giữ nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là những giá trị chủ yếu làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc. Đó là: lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của dân tộc; tình tương thân, tương ái, gắn kết cộng đồng, gia đình, họ tộc, làng xã, cần cù lao động, chế ngự thiên nhiên, để mưu sinh tồn tại; khát khao lẽ phải, sự công bằng trong xã hội, trọng nghĩa tình, tôn sư trọng đạo. Những giá trị đó giúp dân tộc ta đứng vững và khẳng định trước những biến cố lớn của dân tộc, của thời đại. Đứng trước tác động của toàn cầu hóa, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết.
Thực tế, toàn cầu đã tác động một cách sâu sắc đến văn hóa. Đối với văn hóa, toàn cầu hóa là thời cơ tốt để mở rộng với thế giới bên ngoài, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới như: tiếp thu tính công nghiệp, tính khoa học, tính kỷ cương trong công việc và trong sinh hoạt giao tiếp cộng đồng, tiếp cận những thành tựu to lớn của khoa học công nghệ trên các lĩnh vực truyền thông, truyền hình, in ấn, xuất bản, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật và đào sâu thêm giá trị nhân văn - dân chủ - quốc tế của văn hóa ....Đồng thời, loại bỏ những tàn dư của ý thức hệ phong kiến gia trưởng.
Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bản sắc văn hóa của các dân tộc Cao Bằng có những đặc điểm riêng so với các địa phương khác đó là ngôn ngữ, phong tục tập quán, kiến trúc, trang phục... Do tác động của quá trình toàn cầu hóa về văn hóa như: Một số trẻ em ở thành phố, thị trấn biết nói và nghe tiếng của dân tộc mình ngày càng ít đi; các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang tính sáng tạo như hát then, Sli lượn, nàng ới, trang phục dân tộc… dần bị mai một, thay thế bằng nhạc Rap, Hip hop, Remix, trang phục phản cảm…
Trước thực trạng trên, đòi hỏi các nhà quản lý, những người làm công tác văn hóa phải đưa ra được những giải pháp tổng thể và đồng bộ về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa.
Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần nhận thức về toàn cầu hóa là khách quan, chủ động đón nhận và có các đối sách nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực để đứng vững trước những thách thức của toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa về văn hóa nói riêng.
Thứ hai, Nhà nước cần có những biện pháp quản lý hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngăn chặn, đẩy lùi những sản phẩm phi văn hóa. Đồng thời, các phương tiện thông tin đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục truyền thống văn hóa, giá trị thẩm mỹ, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, những giá trị văn hóa truyền thống của cồng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng cần được bảo tồn, phát huy, trở thành nội dung giảng dạy trong các nhà trường, trung tâm nhà văn hóa thiếu nhi và coi trọng giáo dục truyền thống văn hóa gia đình.
Như vậy, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay là tất yếu khách quan. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các dân tộc có trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam phát triển, là động lực góp phần xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.

                                                                            ThS. Lương Thị Bằng
Phó trưởng Khoa Dân vận

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.