• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số giải pháp để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Chủ nhật - 17/01/2016 15:20

Cuộc sống hàng ngày phát sinh những mâu thuẫn, xích mích và tranh chấp nhỏ tại gia đình và trong cộng đồng dân cư, từ đó làm nảy sinh những rạn nứt trong quan hệ tình cảm gắn bó hàng xóm, láng giềng và đe doạ đến hạnh phúc, tổ ấm gia đình. Từ những mẫu thuẫn, tranh chấp nhỏ nếu không được ngăn chặn, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến những vụ việc phức tạp xảy ra tranh chấp, khiếu kiện dân sự kéo dài thậm chí còn có thể phát sinh thành vụ án hình sự. Để giải quyết những mâu thuẫn, xích mích và tranh chấp nhỏ này, công tác hoà giải ở cơ sở có vị trí và vai trò đặt biệt quan trọng.
Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII , kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 gồm 5 chương, 33 điều. Ngày 27 tháng 02 năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết có hiệu quả tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức; khôi phục, duy trì, củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; duy trì và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài hơn 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.707,85 km2; Đến ngày 31 tháng 12 năm 2014, Cao Bằng có 12 huyện, 01 thành phố, có 199 xã, phường, thị trấn, 2483 tổ dân phố, khu phố, khối phố, xóm, làng, bản; Dân số Cao Bằng có 520.168 người, dân cư phân bố không đồng đều, tập trung ở thành phố, thị trấn, vùng thấp, thưa ở vùng cao ven biên giới. Trong sự phát triển kinh tế - xã hội, có sự giao thoa văn hóa. Người dân luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, xóm, làng văn hóa, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được thành lập ở các tổ dân phố, khu phố, khối phố, xóm, làng, bản trong cộng đồng dân cư. Trong nhiều năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải luôn được củng cố kiện toàn. Thực hiện Kế hoạch số 3690/KH-UBND ngày 16/12/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về triển khai Luật Hoà giải ở cơ sở. Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh kiện toàn đội ngũ hoà giải viên cơ sở, đến ngày 31 tháng 12 năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 2.471 tổ hoà giải với số lượng 12.829 hòa giải viên. Năm 2014, các tổ hoà giải đã thụ lý 466 vụ việc, hòa giải thành 382 vụ, đạt tỷ lệ 82% các vụ hòa giải thành.
Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Cần nắm chắc các việc được hòa giải, không được hòa giải, nắm chắc cách xử lý các việc hòa giải đơn giản cũng như phức tạp. Nắm chắc thủ tục trước, trong và sau khi hòa giải.
Do Hòa giải viên là người ở tại cơ sở, nên khi tiến hành hòa giải, các hòa giải viên hiểu rõ về đối tượng được hòa giải, hiểu rõ về tính cách, tình hình thực tế, các mối quan hệ láng giềng nên dễ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của họ. Hơn nữa là người hiểu rõ phong tục tập quán, hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư nên nhanh chóng đưa ra được những các giải quyết có lý, có tình.
Bên cạnh những điểm mạnh, thực tế cho thấy công tác hòa giải còn có những hạn chế: Tuy đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn, nhưng có một số hòa giải viên chưa được tập huấn nghiệp vụ hòa giải. Các hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng ghi biên bản, lập hồ sơ lưu trữ.
Trong tình hình hiện nay, để phát huy tốt công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ Hoà giải viên.
Trung tâm học tập cộng đồng của Ủy ban nhân dân cấp xã mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức cho các Hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng ghi biên bản, lập hồ sơ lưu trữ. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức có thể tổ chức định kỳ mỗi năm ít nhất một lần, hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhập kịp thời những văn bản pháp luật mới vừa được thông qua, các văn bản pháp luật này liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân địa phương. Nội dung tập huấn nên xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương.
Thứ hai, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động
Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên là một trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có sức hấp dẫn và hiệu quả, thông qua các hội thi những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; những kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải hay được lan tỏa, nhân rộng. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các Hoà giải viên, đưa công tác hoà giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương, như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội.
Thứ ba, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ Hoà giải viên.
 Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm các đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Tài liệu hòa giải ở cơ sở cần tập trung vào các nội dung: Khái niệm, nguyên tắc, phạm vi, ý nghĩa, các bước hòa giải ở cơ sở; kỹ năng ghi biên bản và lập hồ sơ lưu trữ. Ủy ban nhân dân cấp xã cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các Tổ hoà giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các Hoà giải viên.
Thứ tư, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hay toạ đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải.
Đây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên, một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và đội ngũ Hòa giải viên của các Tổ hòa giải, mặt khác đây còn là diễn đàn để các Hoà giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả cũng như kiến nghị về công tác hòa giải nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.
Thứ năm, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật.
 Để nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hiện nay. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sử dụng kinh phí nhất định để chi cho các hoạt động hòa giải như: kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng công tác hòa giải; tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên; tổ chức thi Hòa giải viên giỏi; chế độ thù lao cho Hòa giải viên;… nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.
Tóm lại, công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết có hiệu quả tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, khôi phục, duy trì, củng cố đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc./.

Th.S Đào Công Dân
Giảng viên Phòng Đào tạo

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.