• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Nguyên tắc bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 của thể chế dân chủ Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị

Thứ sáu - 13/05/2016 10:32

     Cách mạng Tháng Tám thành công, việc xây dựng bộ máy chính quyền thống nhất từ Trung ương đến địa phương là nhiệm vụ cấp bách, nhằm tiếp tục thực hiện công cuộc cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Ngày 03/9/1945, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội, là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân sẽ cử ra một “Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ”[1]. Với ý nghĩa to lớn đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công. Đây là cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là gốc rễ chính trị - xã hội để xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.
 
    Ngày 08/9/1945 Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ban hành Sắc lệnh số 14 ấn định sau 2 tháng sẽ mở cuộc tổng tuyển cử; ngày 26/9/1945, Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyền cử được thành lập theo Sắc lệnh số 39. Ủy ban có nhiệm vụ soạn thảo thể lệ Tổng tuyền cử để Chính phủ chính thức ban hành Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về Thể lệ Tổng tuyển cử với những quy định thật sự tự do, thật sự dân chủ. Ngày 2/12/1945, Chính phủ ban hành tiếp Sắc lệnh số 71 và Sắc lệnh số 72 để sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 51 về thủ tục ứng cử; bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh để nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên 330 đại biểu. Để tạo điều kiện cho những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử, ngày 18/12/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 76 quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946... Các Sắc lệnh nói trên đã trình bày cụ thể các nguyên tắc cơ bản của Cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên ở nước ta, cụ thể:
   Về quyền tự do bầu cử, ứng cử của công dân, Điều 2 Sắc lệnh 14 và Sắc lệnh 51 quy định rõ: “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử...”.
 
   Về quyền tự do ứng cử của công dân, Điều 11 Sắc lệnh 51 ngày 17/10/1945 quy định: “chậm nhất là 15 ngày trước ngày bỏ phiếu, công dân có quyền bầu cử muốn ứng cử chỉ cần gửi thẳng đơn ứng cử lên UBND tỉnh (hay thành phố) nơi mình ra ứng cử kèm theo giấy chứng nhận của UBND nguyên quán hoặc nơi trú ngụ là đủ điều kiện ứng cử”. Điều 12 Sắc lệnh 51 quy định: “Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi”. Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân có quyền bầu cử thực hiện được quyền tự do ứng cử, Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 còn sửa đổi quy định Điều 11 Sắc lệnh 51 nói trên để người ứng cử chỉ cần “gửi đơn ứng cử cho UBND nơi mình trú ngụ và yêu cầu UBND ấy điện cho UBND tỉnh (thành phố) nơi mình xin ứng cử” thì đã được đưa tên vào danh sách ứng cử của tỉnh hoặc thành phố đó, đơn và giấy chứng nhận đủ điều kiện ứng cử sẽ do UBND nơi trú ngụ chuyển sau cho UBND tỉnh, thành phố. Đặc biệt, khi thấy có những nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không đủ thì giờ để nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76 của Chính phủ lâm thời quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 và quy định hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến ngày 27/12/1945 để những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử đủ thời gian nộp đơn ứng cử và vận động tranh cử.
 
   Về vận động tranh cử, Sắc lệnh số 51 xác định: “mọi cá nhân và tổ chức được tự do vận động tuyển cử, nhưng cuộc vận động không được trái với nền Dân chủ cộng hòa. Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an đều bị cấm” (Điều 3 - Điều 6) v.v.
 
   Những quy định nói trên của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử thể hiện triệt để nguyên tắc tự do bầu cử, là cơ sở pháp lý rất quan trọng bảo đảm cho mọi công dân có quyền bầu cử muốn ứng cử đều có thể thực hiện được trực tiếp và dễ dàng quyền tự do ứng cử, tự do vận động tranh cử của mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”[2]. Chính vì vậy, nguyên tắc này đã đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động của một cuộc Tổng tuyển cử thực sự tự do, thực sự dân chủ.
 
   Về nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu: với mục đích nhằm thu hút tuyệt đại đa số dân cư ở trong nước đạt đến độ tuổi trưởng thành nhất định theo quy định của pháp luật tham gia vào bầu cử, nguyên tắc bầu cử phổ thông được quy định tại Điều 2 Sắc lệnh số 14 và Sắc lệnh số 51: “Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Nguyên tắc này, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã tạo ra cơ sở pháy lý quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, bằng ý chí và nguyện vọng của mình, có trách nhiệm lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài đại diện cho quyền lợi của mình tại cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia. Bên cạnh đó, điểm độc đáo của việc áp dụng triệt để nguyên tắc này trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta là pháp luật bảo đảm quyền bầu cử cho cả những người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam, trung thành với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều 5 Sắc lệnh số 73 ngày 7/12/1945 quy định: “những người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà được Ủy ban nhân dân tỉnh thấy có đủ điều kiện và ưng nhận, thì được hưởng ngay quyền bầu cử và ứng cử, không phải chờ sắc lệnh cho nhập quốc tịch Việt Nam”.
 
  Về nguyên tắc bầu cử bình đẳng: Sắc lệnh về Tổng tuyển cử quy định nguyên tắc bầu cử bình đẳng, nhất là bình đẳng nam nữ về quyền bầu cử, ứng cử ngay trong những ngày đầu tiên của nền Cộng hòa dân chủ nhân dân ở nước ta có ý nghĩa và giá trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc, nâng địa vị người phụ nữ Việt Nam lên ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời. Đây là điều hoàn toàn khác với một số các quốc gia đã có những tuyên bố nổi tiếng về quyền bình đẳng nhưng phải hàng trăm năm sau đó, người phụ nữ mới có được quyền bầu cử, chẳng hạn ở Mỹ, phụ nữ chỉ có được quyền này vào năm 1920; ở Anh là năm 1928; ở Ý, Pháp là năm 1945; phụ nữ Thuỵ Sĩ phải mãi đến năm 1971 mới được hưởng quyền bầu cử[3]…
 
Để bảo đảm nguyên tắc bầu cử bình đẳng, Điều 17 Sắc lệnh sô 51 quy định rõ: “Mỗi cử tri chỉ được đi bầu một nơi hoặc ở nguyên quán, hoặc ở một nơi mà cử tri đã trú ngụ ít nhất là 3 tháng tính đến ngày bầu cử” và “nếu người ứng cử nào ứng cử nhiều nơi hoặc khai gian những giấy chứng thực về điều kiện ứng cử sẽ bị phạt ...”(Điều 7 - Điều 12 Sắc lệnh số 51).
 
Những quy định này thể hiện triệt để nguyên tắc bầu cử bình đẳng, đặc biệt là quyền bình đẳng của những người ứng cử, không có ứng cử viên nào cảm thấy mình chỉ là người "lót đường" cho các ứng cử viên khác "sáng giá" hơn.
 
   Về nguyên tắc bầu cử trực tiếp được quy định trong sắc lệnh về Thể lệ Tổng tuyển cử rất cụ thể, rõ ràng, Điều 31 Sắc lệnh số 51 về Thể lệ tổng tuyển cử quy định: “Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư”. Chính những quy định cụ thể, rõ ràng này là một trong những lý do giải thích vì sao cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 nguyên tắc này đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Ở những nơi tổ chức bầu cử khó khăn do thực dân Pháp và bọn Việt gian chống phá bầu cử, ngăn cản không cho cử tri đi bầu thì tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử không cao, thậm chí có địa phương tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ đạt 65 - 75 % số người có quyền bầu cử.
 
   Về nguyên tắc bỏ phiếu kín: để giúp những cử tri không biết chữ thực hiện được quyền bầu cử, Sắc lệnh số 51 quy định: “…trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 3 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm tra. Khi viết xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật” (Điều 36 – Điều 38, Sắc lệnh 51) v.v. Có thể khẳng định rằng những quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ ràng, cụ thể và triệt để những nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ: nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
 
   Tóm lại, nguyên tắc bầu cử, ứng cử được thể hiện trong các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta năm 1946 rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ, có hiệu lực trực tiếp. Đây chính là điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm cho pháp luật bầu cử sớm đi vào cuộc sống, để chúng ta có thể tổ chức được cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 sau hơn 4 tháng nước nhà giành được Độc lập, như lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp như nước Việt Nam ta hồi bấy giờ”[4] .
 
   Trải qua 70 năm với 13 khóa Quốc hội, các nguyên tắc bầu cử dân chủ, tự do của Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, các nguyên tắc đó tiếp tục được quy định tại Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong không khí cả nước đang khẩn trương nghiêm túc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, việc nghiên cứu các nguyên tắc đó có ý nghĩa thiết thực, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân trong đợt sinh hoạt chính trị to lớn này./.
 
      CN. Tô Quang Hải
Trưởng khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 
[1] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.4, tr. 8, tr. 133
[2].  Báo Cứu Quốc, ngày 30/12/1945
[3] . Văn minh nhân loại - Những bước ngoặt lịch sử, Nhxb Văn hóa - Thông tin, năm 2002, tr 305
[4] . Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ với Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên của VNDCCH trong Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1997, tr. 18

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.