• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Một số quy định của Luật Tiếp cận thông tin

Thứ bảy - 31/03/2018 14:26

   Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016. Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 Điều, Chương I Những quy định chung; Chương II Công khai thông tin; Chương III Cung cấp thông tin theo yêu; Chương IV Trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; Chương V Điều khoản thi hành. Một số nội dung chính của Luật Tiếp cận thông tin:
   Thứ nhất, khái niệm thông tin, tiếp cận thông tin
   Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra.
Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.
   Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin
   Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân, tạo tiền đề cho việc hưởng các quyền và lợi ích khác và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin mang lại ý nghĩa, lợi ích thực sự cho người dân, không mang tính hình thức, cũng như để thể chế hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về việc ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Luật đưa ra nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
   Thứ ba, các hành vi bị nghiêm cấm
   Công dân có quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên quyền tiếp cận thông tin không phải là quyền không có giới hạn, do đó, trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin công dân và cơ quan nhà nước đều có nghĩa vụ nhất định và không được thực hiện các hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.
   Thứ tư, chi phí tiếp cận thông tin
   Cung cấp thông tin là trách nhiệm của nhà nước, do vậy, Luật không đặt ra việc thu phí hay lệ phí tiếp cận thông tin, trừ trường hợp luật khác có quy định. Người yêu cầu cung cấp thông tin chỉ phải trả các chi phí thực tế cho việc in ấn, sao chụp, gửi thông tin. Về mức chi phí cụ thể, việc quản lý và sử dụng chi phí cung cấp thông tin, Luật ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể.
   Thứ năm, chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin
   Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Bên cạnh đó, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật.
Đối với các trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy, Luật quy định họ chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
   Thứ sáu, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin
   Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều cần lưu ý là các cơ quan chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin thuộc phạm vi thông tin được tiếp cận và do mình tạo ra. Riêng đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của Ủy ban nhân dân cấp xã, Luật giao thêm trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cung cấp thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
   Thứ bảy, cách thức tiếp cận thông tin
   Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai; Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
   Thứ tám, thông tin các cơ quan nhà nước phải công khai
   Nhằm bảo đảm cho thông tin được công khai và phổ biến đến người dân ở phạm vi rộng nhất, Luật quy định các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết. Bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính; Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước; Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước; Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ; Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;  Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
   Thứ chín, thông tin được cung cấp theo yêu cầu
   Các loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu: Thông tin phải được công khai nhưng chưa được công khai; đã hết thời hạn công khai hoặc đang được công khai nhưng vì lý do khách quan người yêu cầu không thể tiếp cận; Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin; Thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 của Luật Tiếp cận thông tin và khoản 2 Điều này.
   Thứ mười, quy trình tiếp cận thông tin theo yêu cầu của công dân
   Khi có yêu cầu cung cấp thông tin, người yêu cầu cung cấp thông tin có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin hoặc gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.
   Việc cung cấp thông tin theo yêu cầu được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin hoặc qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax. Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo hình thức mà người yêu cầu đề nghị phù hợp với tính chất của thông tin được yêu cầu cung cấp và khả năng của cơ quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
   Cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin và vào Sổ theo dõi cung cấp thông tin theo yêu cầu. Trường hợp thông tin được yêu cầu không thuộc trách nhiệm cung cấp thì cơ quan nhận được yêu cầu phải thông báo và hướng dẫn người yêu cầu đến cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin. Tùy theo từng loại thông tin khác nhau, sẽ được cung cấp thông tin ngay hoặc trong thời hạn chậm nhất từ 03 ngày đến 15 ngày.
   Thứ mười một, biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân
   Các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân: Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; Vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo quy định của Chính phủ; Tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan và các phương tiện thông tin đại chúng; Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin; Bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan; Củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê; trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem,    nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan nhà nước và qua mạng điện tử.
   Thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin sẽ góp phần đem đến những chuyển biến cơ bản trong việc sản xuất, kinh doanh giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cho mình các kế hoạch đầu tư dài hạn. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp cho các doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt các nghĩa vụ pháp lý, giảm vi phạm pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện, giảm thiểu chi phí kinh doanh và các rủi ro khi đầu tư, từ đó thu hút đầu tư và tạo được nhiều việc làm cho xã hội. Người dân cũng tin tưởng hơn vào Nhà nước, chủ động đóng góp ý kiến về hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật, thực hiện tốt quyền giám sát, kiến nghị, phản ánh các hoạt động của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự công bằng, tăng lòng tin của người dân đối với Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt công việc của cơ quan, đơn vị. Các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình luôn cân nhắc, lựa chọn và đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với lòng dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước./.

ThS. Đào Công Dân
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.