• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

"Đường cách mệnh" - Cẩm nang giáo dục, bồi dưỡng lý luận và thực tiễn cho cán bộ, đảng viên

Thứ bảy - 29/12/2018 10:15

    Tác phẩm Đường cách mệnh là một di sản của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta công nhận là Bảo vật quốc gia[1]. Đây là tổng hợp những bài giảng của người tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927, được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành sách năm 1927. Trải qua 90 năm từ khi ra đời đến nay tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị và trở thành cẩm nang giáo dục, bồi dưỡng lý luận và thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp.
    Ra đời trong hoàn cảnh phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ, phong trào giải phóng dân tộc ở trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang sắc màu chính trị khác nhau; thực tiễn lịch sử đòi hỏi phải có một tổ chức mới, được xây dựng trên cơ sở hệ tư tưởng cách mạng và khoa học, có đường lối chính trị đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ thì mới lãnh đạo cách mạng đi đến thành công - cuốn sách Đường cách mệnh có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Nội dung của tác phẩm thể hiện rõ quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về chính trị, tư tưởng và tổ chức chuẩn bị tiến tới việc thành lập Đảng. Mục đích của tác phẩm chính là kêu gọi dân tộc đứng lên làm cách mạng giành độc lập tự do “muốn sống thì phải cách mệnh”[2]. Khi tiến hành cách mệnh thì phải độc lập sáng tạo, tự lực, tự cường không trông chờ ỷ lại, chủ động tiến công, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cách mạng thế giới.
    Tác phẩm thể hiện rõ tư tưởng của Người về giáo dục lý luận chính trị và vai trò của lý luận đối với sự thành công của cách mạng, bởi vậy ngay từ đầu Người đã đồng tình với quan điểm của Lênin và đặt câu nói của Lênin làm lời tựa cho tác phẩm tuyên truyền của mình “không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền”3. Đồng thời, Người cũng khẳng định “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”4. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
    Theo Hồ Chí Minh giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị trong tác phẩm bao gồm  giáo dục đạo đức cách mạng và giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin.
    Về giáo dục đạo đức cách mạng ngay từ phần đầu người đã nói đến “tư cách của người cách mệnh”5, theo Người đây được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với người cách mạng và là vấn đề gốc của mọi vấn đề. Người yêu cầu mỗi đảng viên của Đảng đều phải tự rèn luyện, trau đồi tư tưởng chính trị, đạo đức cho bản thân, tự mình phải cần kiệm; biết sửa lỗi mình; làm việc cẩn thận, nhẫn nại; chịu khó học hỏi, nghiên cứu; chí công vô tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói đi đôi với làm; giữ chủ nghĩa cho vững; dám hy sinh vì nghĩa lớn, “ít lòng ham muốn về vật chất”[3] mà theo Người ham muốn về vật chất dễ dẫn con người ta đến chỗ bất chấp tất cả để đạt được mục đích, mà chủ nghĩa cá nhân là gốc của mọi căn bệnh khác. Mặt khác mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải tự mình nêu gương người tốt, việc tốt để hướng dẫn mọi người cùng hành động, cùng noi theo, lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân. Người muốn cán bộ đi làm cách mạng, trước hết phải thấm nhuần đạo đức tư cách người cách mạng, khi trong tư tưởng đã được trang bị vấn đề này rồi, thì mọi cái khó khăn, vướng mắc khác sẽ gỡ ra được.
    Đặt vấn đề đạo đức cách mạng lên hàng đầu cho thấy sự sáng suốt của Người, lịch sử của các phong trào cách mạng trước đó khi giành được chính quyền và cầm quyền chỉ vì không giữ được cái tâm trong sáng dẫn đến tha hóa quyền lực và cuối cùng là sụp đổ. Bởi vậy, để đặt tư cách của người cách mệnh lên hàng đầu chính là kết quả của một quá trình nghiên cứu, tìm tòi và trải nghiệm của Người.
    Về giáo dục Chủ nghĩa Mác Lênin, Người khẳng định “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng học thuyết chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin”2 và Người khẳng định “muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”3 mà theo Người học tập chủ nghĩa Mác chính là học cái biện chứng, phải nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp, tinh thần cách mạng, mà học để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta chứ không phải giáo điều học từng câu từng chữ. Sự nghiệp cách mạng đòi hỏi mỗi người muốn hoàn thành nhiệm vụ phải sáng tạo, phải có sáng kiến trong các lĩnh vực công tác. Người phân tích, lý luận chính trị làm cho dân giác ngộ, bày cho quần chúng nhân dân tổ chức, động viên quần chúng hành động cách mạng. Có lý luận chính trị Mác - Lênin soi đường thì quần chúng nhân dân hành động mới đúng đắn, mới phát triển tài năng và lực lượng vô tận của họ.
    Tác phẩm đã toát lên được phong cách tuyên truyền, giáo dục của Người, với cách diễn đạt cô đọng ngắn gọn, giản dị đời thường nhưng cực kỳ sâu sắc về tư tưởng. Cho thấy, trong giáo dục lý luận chính trị phải trình bày, truyền đạt một cách dễ hiểu, đồng thời phải hiểu rõ được đối tượng hướng đến. Từ đó chất lượng giáo dục lý luận chính trị được nâng lên.
    Đã hơn 90 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên, vậy mà những vấn đề mà Người nêu ra từ khi Đảng chưa được thành lập, phong trào cách mạng “đêm tối không có đường ra” đến giờ vẫn còn nguyên giá trị đủ thấy được nhãn quan chính trị của một vĩ nhân - Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tác phẩm đã toát lên tư tưởng cao cả về đạo đức cách mạng, về vai trò tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, về lẽ sống, đức hy sinh của người cách mạng.
    Vận dụng dụng quan điểm, tư tưởng của người Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng giành được nhiều thắng lợi to lớn. Đảng đã chỉ đạo rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống, chương trình học tập đa dạng, phong phú cho nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ giảng viên trường chính trị nói chung về cơ bản đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của giáo dục lý luận chính trị trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng ở cơ sở đã thành nề nếp, các tổ chức đã xây dựng được chương trình cụ thể hiệu quả và ngày càng thiết thực hơn; công tác giáo dụng lý luận đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở. Đội ngũ cán bộ đảng viên nắm được quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để họ đổi mới suy nghĩ và hành động trong tình hình mới. Đối với công tác giáo giục lý luận chính trị đã có những đổi mới về phương thức, phương pháp giảng dạy và truyền đạt nên chất lượng và hiệu quả công tác được nâng lên một bước góp phần tích cức vào kết quả cuộc vận động xây dựng đổi mới chỉnh đốn Đảng, kiện toàn xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.
    Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong công tác giáo dục lý luận chính còn có nhưng hạn chế nhất định, cụ thể như: Chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học tập lý luận chính trị chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ; các chương trình giáo dục lý luận chính trị trình bày nặng về lý luận chung, phần bồi dưỡng nghiệp vụ công tác còn hạn chế, phương pháp giảng dạy, truyền đạt chậm đổi mới, chủ yếu là thuyết giảng; chế độ đối với người làm công tác giáo dục lý luận chính trị chưa phù hợp. Ngân sách giáo dụng lý luận chính trị còn hạn chế và chưa được quy định cụ thể; nhận thức của cán bộ đảng viên về việc học tập lý luận chính trị chưa được đầy đủ và sâu sắc. Trong Nghị quyết Trung ương bốn khóa XII của Đảng lại chỉ ra rằng “công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra”. Từ đó cho thấy được vai trò tầm quan trọng của giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị.
    Hiện nay, sự nghiệp đổi mới của nước ta đang phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu, được tiến hành trong điều kiện trong nước và quốc tế có những thuận lợi, song khó khăn thách thức cũng rất lớn, nhiều vấn đề mới đặt ra cả lý luận và thực tiễn, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa nghiên cứu lý luận vừa tổng kết thực tiễn. Tình hình đó đòi hỏi sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Thực tiễn đòi hỏi phải tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
    Từ những nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị trong tác phẩm và thực tiễn, vai trò của giáo dục, bồi dưỡng lý luận hiện cho ta hiểu vì sao Đường cách mệnh lại là cẩm nang giáo dục, bồi dưỡng lý luận, thực tiễn cho cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, tác phẩm cũng để lại bài học vô giá về xây dựng Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, với vai trò là giảng viên trường chính trị nơi đi đầu trong việc giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh thiết nghĩ, việc học tập nghiên cứu nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị, cách truyền đạt của Người trong tác phẩm không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giảng viên trong nhà trường mà là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả cán bộ, đảng viên./.

CN. Đàm Ngọc Nguyễn
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng


[1] Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t2, tr.261
3,4,5 Sđd: tr.259, tr.259, tr.260
[3],2,3 Sđd, tr.260, tr.268, tr.280

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.