• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Học tập tính tiết kiệm thông qua câu chuyện thực hành tiết kiệm thời gian của Bác

Thứ bảy - 31/03/2018 15:12

   Trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm.
   Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc lợi ích cho đồng bào, cho tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng.
   Tiết kiệm là một trong những nội dung luôn được Bác Hồ rất mực coi trọng. Trong suốt thời gian lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Bác luôn nhấn mạnh vai trò và tầm ý nghĩa của tiết kiệm dù ở trong điều kiện hoàn cảnh nào. Không chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền của mà còn phải tiết kiệm cả thời gian, sức lực, tiết kiệm ngôn từ, nói ít làm nhiều, lời nói phải đi đôi với việc làm và tất cả mọi người đều phải tiết kiệm.
   Có hàng trăm mẩu chuyện về Bác. Chuyện nào cũng cảm động, sâu sắc. Nhưng một trong những chuyện vừa thể hiện sự mẫu mực, vừa thể hiện sự tôn trọng mọi người, vừa là lời phê bình nhẹ nhàng nhưng lại có tác dụng nhắc nhở tất cả mọi người về vấn đề tiết kiệm thời gian, đó là câu chuyện: "Thời gian quý báu lắm!"[1].
   Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: Trong giấy mời tới đây nói 8h bắt đầu, bây giờ 8h10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ vì thời gian quý báu lắm!.
   Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cán bộ cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút. Tất nhiên là đồng chí đó có lý do là mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Thế nhưng, Bác vẫn nhẹ nhàng bảo:
   - Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.
   Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một vị cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:
   - Chú đến chậm mấy phút?
   - Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!
   - Chú tính thế không đúng.10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.
   Bác quý thời gian của mình đồng thời cũng quý thời gian của đồng bào. Bác tiết kiệm thời gian cho những công việc của mình và cũng là tiết kiệm thời gian làm việc cho những cán bộ khác.
   Thậm chí, đến tận giây phút cuối đời, Bác vẫn không quên dặn lại một câu nổi tiếng liên quan đến thời gian: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”[2].
   Qua câu chuyện, chúng ta cần học tập ở Bác sự quý trọng, tiết kiệm thời gian. Bởi lẽ, thời gian qua đi không trở lại, mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời thật quý giá. Đối với những người cán bộ, công chức, viên chức thời gian lại càng quý báu hơn, bởi đó là thời gian của Nhà nước, của nhân dân. Sự gương mẫu trong tiết kiệm thời gian với phong cách làm việc khoa học, đúng giờ, tôn trọng mọi người và chỉ với những hành động bình dị, tưởng chừng nhỏ bé ấy đã phần nào làm tôn thêm sự vĩ đại, cao cả của Người.
   Thực tế hiện nay, bên cạnh những người hàng ngày tâm huyết, tận tụy với công việc, hết lòng phục phục nhân dân, tranh thủ tiết kiệm thời gian, trân trọng thời gian vàng ngọc của bản thân, cơ quan, đơn vị để chung sức, chung lòng đóng góp sức lực trí tuệ xây dựng cơ quan, đơn vị, thì đâu đó còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước chưa có ý thức tiết kiệm thời giờ, chưa tận dụng hết thời gian để học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học; mà ngược lại, họ bớt xén thời gian đó để phục vụ cho những thú vui sở thích cá nhân như sa vào các trò chơi trên mạng trong giờ làm việc, buôn dưa lê, bán dưa chuột mất thời gian của người khác.
   Đối với trường Chính trị, nhiệm vụ chính của giảng viên là làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thực hiện theo kế hoạch chung của Nhà trường trong những năm qua, mỗi giảng viên đã tích cực và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao như: soạn giảng, ra đề thi và đáp án, thao giảng ở các khoa, bổ sung cho đồng nghiệp được hoàn thiện hơn. Thường xuyên học tập nghiên cứu và bổ sung những kiến thức mới cho bài giảng. Nhiều giảng viên đã chủ động cập nhật các tin, bài viết nghiên cứu trao đổi, đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường.
   Ngoài yêu cầu về kiến thức chuyên môn, giảng viên của trường chính trịcần phải được trang bị thường xuyên những kiến thức thực tế. Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế mỗi giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ có cơ hội rèn luyện, trải nghiệm và nghiên cứu nhiều vấn đề mới của đời sống xã hội. Những kinh nghiệm thực tiễn tích luỹ được từ việc đi nghiên cứu thực tế sẽ giúp cho các giảng viên tự tin hơn khi đứng trên bục giảng, sàng lọc những thông tin phù hợp vận dụng vào bài giảng làm cho bài giảng thêm sinh động và phong phú hơn, đáp ứng yêu cầu lý luận gắn liền với thực tiễn, qua đó đã tạo được niềm tin và sự hưng phấn cho người học, tạo cho không khí buổi lên lớp sinh động và hấp dẫn hơn, giờ giảng thuyết phục được học viên.Với tầm quan trọng như vậy, ngay từ đầu năm các khoa, phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch đi thực tế ở các xã, trong toàn tỉnh; tổ chức các buổi hội thảo cấp khoa, phòng và cấp trường nhằm trao đổi thông tin giữa các giảng viên, giữa giảng viên với học viên, bổ sung kiến thức lý luận và thực tiễn, góp phần vào nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của Nhà trường.
   Đối với bản thân, là một giảng viên luôn phấn đấu học tinh thần tiết kiệm thời gian của Bác không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống. Thông qua các nhiệm vụ được giao, bản thân cố gắng sắp xếp, xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động chung của Nhà trường, tự giác nghiên cứa tài liệu, cập nhật thông mới phục vụ cho soạn giảng.
   Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc học tập tinh thần tiết kiệm thời gian của Bác, mỗi giảng viên của Nhà trường nhất là các giảng viên trẻ cần phải có kế hoạch học tập, nghiên cứu rèn luyện không ngừng, để nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ tri thức, làm chủ bản thân mình, nếu không dành thời gian học tập, nghiên cứu nguy cơ thụt lùi và lạc hậu trước tri thức và khoa học công nghệ thì người giảng viên sẽ hết sức khó khăn trong việc nghiên cứu, giảng dạy cho đối tượng vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có kinh nghiệm qua công tác, đặc biệt là trải nghiệm gắn bó mật thiết với cơ sở. Do vậy, việc cập nhật tri thức, thông tin mới, làm chủ được tri thức giúp mỗi giảng viên tự tin vận dụng vào bài giảng, hiệu quả giờ giảng cao hơn.
   Mỗi người giảng viên phải là tấm gương sáng, gương mẫu trong lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với làm. Giảng có hay, có hấp dẫn, song bản thân người cán bộ, giảng viên lại sống vô kỷ luật, buông thả, hưởng thụ hay tham ô, lãng phí của công, trục lợi cá nhân, tỵ nạnh, đố kỵ trong cơ quan, đơn vị thì hình ảnh của người cán bộ, giảng viên đã hoàn toàn bị mâu thuẫn với chính nội dung bài giảng trên lớp. Phải giữ lối sống trong sáng và giản dị, đoàn kết với đồng chí, đồng nghiệp, giữ quan hệ đúng mực với học viên và nơi cư trú.
   Mỗi giảng viên phải thực hành tự phê bình và phê bình, phải đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, sai trái.  Đấu tranh để loại bỏ cái xấu, không gây bè phái, chia rẽ, cục bộ, không được trù dập hay toan tính lợi ích cá nhân; đấu tranh để mỗi cá nhân tự nhìn lại, tự sửa chữa và hoàn thiện bản thân mình; do đó, mỗi người cán bộ, giảng viên phải luôn tự sửa mình phê bình và tự phê bình như rửa mặt hàng ngày, để ngày càng hoàn thiện bản thân.
   Vì vậy, để công việc hoàn thành và hiệu quả cao, mỗi chúng ta phải biết sử dụng thời gian sao cho hiệu quả, mỗi người cần rèn luyện cho mình thói quen sống, làm việc đúng giờ để mỗi phút trôi qua đều có ý nghĩa./.
                                                           CN. Hứa Thị Thoa
                         Giảng viên Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 



[1]Hồ chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, trang 115
[2] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, HN, 2014.

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.