• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Đổi mới công tác chủ nhiệm lớp ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng

Thứ tư - 05/07/2017 13:18

    Trong quá trình đào tạo - bồi dưỡng, công tác chủ nhiệm lớp giữ vị trí, vai trò quan trọng. Chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa nhà trường với học viên của lớp mà mình chủ nhiệm. Do đó, để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp cần phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có trình độ từ đại học trở lên, có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính và những điều kiện nhất định, đồng thời phải nắm vững những yêu cầu và nhiệm vụ được giao, có như vậy mới có thể thể hiện tốt vai trò của mình.  
    Hiện nay, ở các Trường Chính trị tỉnh, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với cán bộ, giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp được quy định theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG, ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc HVCTQGHCM quy định 3 tiêu chuẩn như sau:
   + Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
   + Có trình độ đại học, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên.
   + Có kiến thức và kinh nghiệm quản lý giáo dục, nắm vững chương trình đào tạo, quy chế, quy định về quản lý đào tạo, nội quy của Nhà trường, các chế độ chính sách đối với giảng viên, học viên.
   Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp đó là:
  + Chuẩn bị, quản lý hồ sơ lớp học, cùng phòng đào tạo xây dựng kế hoạch toàn khóa để Ban giám hiệu phê duyệt.
  + Quản lý, điều hành quá trình học tập, rèn luyện của học viên theo đúng quy chế, quy định về quản lý đào tạo, chương trình kế hoạch toàn khóa…
  + Sau các phần học, kết thúc khóa học báo cáo với Ban giám hiệu (qua phòng đào tạo) về tình hình mọi mặt của lớp, chuẩn bị hồ sơ học viên, nhận xét học viên…..
   Thực hiện quy định trên, thực tiễn tại Trường chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng trong những năm qua, cán bộ, giáo viên được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp đáp ứng được những nội dung như:
   Thứ nhất, Chủ nhiệm lớp là người được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường phân công nhiệm vụ quản lý trực tiếp lớp. Do đó, chủ nhiệm lớp được dự các đại hội, hội nghị của chi bộ, theo dõi và kịp thời phản ánh với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu về tình hình rèn luyện phẩm chất đạo đức và tư cách người đảng viên của học viên lớp chủ nhiệm; đồng thời có trách nhiệm truyền đạt những chủ trương của Đảng uỷ Nhà trường tới đảng viên trong chi bộ mình phụ trách.
  Thứ hai, Chủ nhiệm lớp  được Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý lớp học theo quy chế đào tạo như: theo dõi việc học tập và rèn luyện của học viên, truyền đạt những chủ trương của Nhà trường đến lớp học, đề nghị Hiệu trưởng xem xét quyết định cử và công nhận Ban cán sự lớp; thông báo đặc điểm tình hình của lớp cho khoa, phòng có liên quan biết để thuận lợi trong phối hợp công tác, quản lý chặt chẽ danh sách học viên, theo dõi giảng dạy và học tập của lớp mình phụ trách, biết số học viên vắng mặt trong các buổi lên lớp; theo dõi tinh thần, thái độ học viên trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường, tổ chức theo dõi và thực hiện nghiêm túc các quy chế đào tạo. Trước khi kiểm tra điều kiện hoặc thi hết môn học, phần học, giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giảng viên trực tiếp phụ trách môn học, phần học về danh sách học viên vắng mặt để xét điều kiện dự kiểm tra, dự thi của học viên. Trong quá trình quản lý học tập, rèn luyện của học viên: giáo viên chủ nhiệm lớp phải biết được tâm tư nguyện vọng, những điểm mạnh và yếu của học viên, giúp học viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình theo mục tiêu, yêu cầu khoá học. Thực hiện nhiệm vụ sơ kết giữa khoá học, tổng kết và bình xét thi đua cuối khoá theo kế hoạch của Nhà trường, một tuần trước khi bế giảng phải nộp báo cáo tình hình học tập và rèn luyện của học viên trong toàn khoá học và đề nghị khen thưởng học viên cho Hiệu trưởng thông qua Phòng Đào tạo.
   Thứ ba, Chủ nhiệm lớp được dự các cuộc họp giao ban của Nhà trường bàn về những việc có liên quan trực tiếp đến lớp để phân công phụ trách như: Tham gia ý kiến với Ban Giám hiệu về xây dựng quy chế học viên, tham gia hội đồng xét tốt nghiệp, khen thưởng, kỷ luật học viên lớp do mình phụ trách; được hưởng mọi chế độ ưu đãi, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu thực tế hàng năm; có quyền phản ánh ý kiến của học viên đối với khoa hoặc từng giảng viên ở các khoa trong trường hợp thấy cần thiết.
   Muốn vậy, cán bộ giảng viên được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp cần phải có các yêu cầu về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực, kinh nghiệm quản lý. Về phẩm chất đạo đức: Chủ nhiệm lớp phải là cán bộ, đảng viên, phải tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, có thái độ trung thực, khách quan, khiêm tốn, có lối sống lành mạnh, tác phong gần gũi, sâu sát với học viên. Về trình độ năng lực: Chủ nhiệm lớp là người có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý có kiến thức và kinh nghiệm quản lý giáo dục, nắm vững nội dung chương trình, quy chế đào tạo, các chế độ chính sách đối với giảng viên, học viên; có hiểu biết nhất định, có kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức quản lý học viên. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm phải tâm huyết với công việc mình làm; phối kết hợp với khoa chuyên môn, các giảng viên giảng dạy theo dõi sĩ số của học viên qua từng tiết học; là hạt nhân của khối đoàn kết và dân chủ, mọi việc phải phổ biến cho cán bộ lớp, cho các học viên, bàn bạc thống nhất và đưa ra kế hoạch hoạt động sao cho phù hợp với nội quy, quy chế của nhà trường đề ra.
          Hiện nay, công tác chủ nhiệm lớp tại trường Chính trị Hoàng Đình Giong còn gặp nhiều khó khăn và chưa thật sự đạt được kết quả như các đồng chí lãnh đạo nhà trường mong muốn. Qua thực tế cho thấy các loại hình đào tạo bồi dưỡng của Nhà trường, công tác chủ nhiệm lớp thường do cán bộ phòng đào tạo đảm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp.
          Do lực lượng cán bộ của phòng còn thiếu, công việc nhiều nên cán bộ được phân công phụ trách làm công tác chủ nhiệm chưa thực sự đi sâu, đi sát theo dõi tình hình của lớp học. Dẫn tới tình trạng học viên còn nghỉ học nhiều và trong quá trình học trên lớp chưa thật sự chú tâm vào nội dung bài giảng của thầy cô trên lớp.
          Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm lớp trong thời gian vừa qua, lãnh đạo phòng đào tạo đã có quyết định mới đúng đắn trong công tác phân công, phân nhiệm làm công tác chủ nhiệm lớp.
        Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Ban giám hiệu, các đồng chí lãnh đạo trưởng phó các phòng khoa. Phòng đào tạo đã mạnh dạn phân công cho các đồng chí giảng viên trẻ làm công tác chủ nhiệm ở các loại hình đào tạo: Lớp Bồi dưỡng cán bộ làm công tác MTTQ, HND; Lớp Bồi dưỡng QLNN chính quyền cơ sở; Lớp trung cấp lý luận chính trị, Quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên… bước đầu đã gặt hái được thành công nhất định như:
        + Học viên tham gia học đầy đủ các buổi học trên lớp, không tự ý bỏ học nghỉ học không xin phép.
        + Không còn tình trạng học viên hết giờ học ra về không mang theo sách vở, tài liệu học tập.
        + Trong giờ học học viên tích cực tham gia bài giảng của giáo viên một cách sôi nổi
       + Lãnh đạo nhà trường, phòng đào tạo nắm bắt được tình hình của lớp hàng ngày để có những điều chỉnh kịp thời
       + Chất lượng bài thu hoạch cuối khóa học của các đồng chí học viên nâng lên rõ rệt: phần liên hệ thực tế học viên viết rất tốt và có phân tích đưa ra những giải pháp để khắc phục khó khăn đối với địa phương, không còn tình trạng học viên làm bài thu hoạch chống đối
          Đối chiếu với tiêu chuẩn của cán bộ, giảng viên theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG, để đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy đối với cán bộ giảng viên cũng như theo dõi việc học tập rèn luyện của học viên đang theo học tại các loại hình đào tạo - bồi dưỡng của Nhà trường, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
      Thứ nhất, phân công cho các đồng chí giảng viên ở các khoa trong Nhà trường làm công tác chủ nhiệm.
      Thứ hai, phân công cho các đồng chí giảng viên trẻ, mới nhận công tác làm phó chủ nhiệm lớp để quen với môi trường giảng dạy, nắm bắt được đối tượng học viên. Tránh tình trạng bỡ ngỡ khi lên lớp vì đối tượng học viên học tại trường đa số là đội ngũ cán bộ các cấp, sở, ban, ngành và đã có tuổi
     Thứ ba, bổ sung thêm phiếu đánh giá nội dung chất lượng giảng dạy của từng giáo viên với mỗi nội dung bài giảng, phiếu không ghi tên người đánh giá để thu được những nhận xét đúng và gần nhất đối với từng giáo viên qua đó từng giáo viên sẽ có những thay đổi nhất định để nâng cao chất lượng giảng dạy ở các lớp, loại hình đào tạo
    Thứ tư, có phiếu đánh giá nhận xét đối với học viên gửi về cơ quan sau mỗi phần học, để báo cáo số điểm của học phần, số ngày nghỉ cụ thể của từng học viên để học viên có ý thức hơn nữa trong quá trình học tại nhà trường và cơ quan chủ quản của mỗi học viên đang theo học nắm bắt được tình hình của cán bộ mình khi đi học. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí để xếp loại đánh giá, cán bộ hàng năm tại cơ quan, đơn vị.
     Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng, vai trò của người cán bộ giáo viên chủ nhiệm lớp có vị trí, vai trò quan trọng vì người cán bộ làm công tác chủ nhiệm lớp chính là chiếc cầu nối giữa Nhà trường với học viên, các qui định quy chế của Nhà trường học viên có tuân thủ chấp hành tốt hay không, chất lượng và thái độ học tập của học viên như thế nào thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ có hoàn thành tốt hay không đối với trách nhiệm của cán bộ làm công tác chủ nhiệm lớp. Khi công tác chủ nhiệm lớp đã thực hiện tốt chắc chắn chất lượng đào tạo - bồi dưỡng của Nhà trường sẽ ngày càng nâng cao, phát triển xứng đáng là chiếc nôi đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho các cấp, các ngành những người cán bộ đủ đức đủ tài vừa hồng vừa chuyên đáp ứng được mọi yêu cầu của Đảng và Nhà nước đã giao cho./.
                                                                          ThS. Nguyễn Ngọc Anh
                                                                Phó trưởng khoa Xây Dựng Đảng
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.