• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân trong giai đoạn hiện nay

Thứ bảy - 30/09/2017 16:37

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về mối quan hệ giữa Đảng ta với nhân dân: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân. Người chỉ rõ: Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Theo quan điểm đó của Người, có thể khẳng định sức mạnh của Đảng không chỉ ở bản thân Đảng mà chủ yếu bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Vì vậy để phát huy được sức mạnh của mình với vai trò là Đảng lãnh đạo toàn xã hội thì Đảng ta phải thực hiện tốt công tác dân vận nhằm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, và quan hệ đó phải được đặt trong mối quan hệ hai chiều, đó là Đảng có trách nhiệm trước nhân dân, phục vụ nhân dân; nhân dân có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Và chỉ khi nào mối quan hệ đó được phát huy từ cả hai phía Đảng và nhân dân thì sức mạnh của Đảng mới được phát huy dựa trên nền tảng nhân dân.
    Tuy nhiên thực tế trong giai đoạn hiện nay mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân đang đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại đó là uy tín của Đảng trước nhân dân chưa cao, niềm tin của nhân dân đối với đảng chưa thật sự vững chắc; nhiều vấn đề đặt ra làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhiều vấn đề bức xúc nổi lên như: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một số cán bộ, đảng viên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội còn tiếp tục diễn biến phức tạp, sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước; vấn đề lợi ích có tính chất cục bộ mà chưa vì lợi ích của nhân dân và lợi ích chung của đất nước; nhiều nơi mất dân chủ, giải quyết các vấn đề liên quan đến dân còn chậm dẫn đến nhiều bức xúc trong nhân dân, vấn đề đơn thư của nhân dân khiếu nại một số cán bộ tham ô, hối lộ vẫn còn diễn ra; …  Muốn cải thiện tốt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thực hiện tốt công tác dân vận. Để làm tốt công tác Dân vận trong thời kỳ hiện nay, ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; ngày 30/10/2016, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư (khóa XII) của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Những nghị quyết trên nhằm củng cố và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Theo tinh thần đó, để tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
    1- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân; không ngừng phát huy dân chủ, quyền làm chủ thực sự của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ tham nhũng, quan liêu, thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn để ngày càng trong sạch, vững mạnh.
    2- Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đạo đức; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
    3- Tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, kiên quyết xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nêu gương xấu trước quần chúng… vì phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
    4- Đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, sâu sát cơ sở, kịp thời dự báo tình hình tư tưởng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp trong xã hội, nhất là tình hình công nhân, nông dân, người lao động, thanh niên, trí thức, tôn giáo, dân tộc..., để chủ động lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp và kịp thời. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quy chế Dân chủ ở cơ sở…
    5- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động.
   6- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh
   Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định mối liên hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là vấn đề có ý nghĩa sống còn với Đảng và cách mạng Việt Nam, mối liên hệ đó đã không ngừng được củng cố, tăng cường qua các giai đoạn của cách mạng, là nguyên nhân cơ bản của những thành tựu mà cách mạng Việt Nam đạt được trong 87 năm qua./.
 
                                      ThS. Nông Thị Ngọc Hà
                    Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.