• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Vận dụng một số điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 vào giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng

Thứ hai - 29/06/2020 20:09

    Luật Cán bộ, công chức năm 2008 ban hành ngày 13/11/2008 và Luật Viên chức năm 2010 ban hành ngày 05/11/2010 đã đánh dấu bước phát triển mới về cán bộ, công chức, viên chức nói riêng và hoạt động công vụ nói chung. Tuy nhiên, qua thực tiễn các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật này đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế.
    Trên cơ sở kế thừa, phát triển; ngày 25/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). Theo đó, từ ngày 01/7/2020, khi Luật này có hiệu lực, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức sẽ có những thay đổi cần lưu ý. Cụ thể như sau:
    1. Sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức
    Một là, sửa đổi về khái niệm công chức Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của đảng cộng sản việt nam, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”. Như vậy, theo quy định mới thì lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không là công chức.
    Hai là, đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức
    Trước đây, tại Khoản 1 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về phân loại, đánh giá cán bộ “Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được phân loại đánh giá như sau:
    a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; c) Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; d) Không hoàn thành nhiệm vụ”.
    Thì nay, thuật ngữ “phân loại đánh giá” được thay thế bằng thuật ngữ “xếp loại chất lượng” với 04 mức là: “a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; c) Hoàn thành nhiệm vụ; d) Không hoàn thành nhiệm vụ”. Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định: “Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác”.
    Ba là, bổ sung về phương thức tuyển dụng; quy định liên thông trong việc chuyển đổi giữa viên chức với cán bộ, công chức và giữa cán bộ, công chức với viên chức. Theo đó những người đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng được tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức xét tuyển. Bên cạnh đó, nếu đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực công việc thì viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức; những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác sẽ được người đứng đầu cơ quan quản lý ra quyết định tiếp nhận vào công chức nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm. Theo Luật sửa đổi, bổ sung quy định cho phép cán bộ, công chức cấp xã được phép liên thông với công chức cấp huyện trở lên thông qua hình thức tiếp nhận mà không phải thực hiện các quy định như tuyển dụng mới. Việc đổi mới phương thức tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển đã thể hiện sự bình đẳng, công bằng, minh bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị.
    Bốn là, bổ sung quy định ngạch công chức; nâng ngạch đối với công chức. Bổ sung thêm 01 loại ngạch công chức, ngạch này do Chính phủ quy định bên cạnh các ngạch Chuyên viên chính và tương đương, Chuyên viên và tương đương, Cán sự và tương đương, Nhân viên. Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện nâng ngạch công chức chỉ được xét nâng ngạch khi có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận; được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. Như vậy, điều kiện để được xét nâng ngạch công chức đã được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn so với trước đây.
    Năm là, sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật; bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Theo đó, tăng thời hiệu xử lý kỷ luật là 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 05 năm đối với hành vi vi phạm khác. Riêng đối với cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; các hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật. Đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật đó là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
    Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung thêm quy định về việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng. Theo đó, cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc trong 02 trường hợp: Bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo; Bị kết án về tội phạm tham nhũng.
    2. Sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức
    Một là, kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức lên 60 tháng. Thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới (trừ trường hợp công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn); Theo đó, trừ trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức, thì trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020 sẽ thực hiện ký kết hợp đồng có thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng (trước đây quy định từ đủ 12 tháng đến 36 tháng). Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định cụ thể đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng chưa ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã được ký; sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã được ký thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định này được áp dụng cho trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020. Trường hợp viên chức được tuyển dụng mới vào làm việc tại các đơn vị
sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được ký kết hợp đồng không xác định thời hạn. Những trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 về cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc.
    Hai là, nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu. Luật mới sửa đổi nhiều quy định theo hướng mở hơn.
    - Nếu như trước đây, Luật Viên chức hiện hành nêu rõ, sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì Luật mới đã loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.
    - Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Trong khi, hiện nay đang quy định “không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng. Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.
    Hiện nay, trong chương trình giảng dạy của khoa Nhà nước và pháp luật có nhiều nội dung ở các chuyên đề khác nhau, có nội dung liên quan đến cán bộ, công chức. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy đặt ra yêu cầu: Một là, phải nghiên cứu, nắm vững các quy định mới của Luật; Hailà, vận dụng chính xác, phù hợp với các nội dung trong giảng dạy.
    Một số nội dung cụ thể:
    Trong Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính
    Phần III.1. Những vấn đề chung về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.
    Bài 2. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
    - Mục 2.6. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có thể vận dụng các điểm mới về công tác đánh giá, phân loại; về tuyển dụng...nhằm giải thích yêu cầu phải đổi mới đồng bộ các nội dung, các khâu của công tác cán bộ (trang 60,61).
    - Mục 2.7. Đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước
    Bài 5. Nội dung cơ bản của một số ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Khi giảng dạy Phần 2. Luật Hành chính có nhiều nội dung có thể liên hệ các quy định mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mục 2.3.1. Khái niệm cán bộ, công chức; 2.3.3. Bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức.
    Phần III.2. Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước
    Bài 2. Quản lý cán bộ, công chức ở cơ sở
    Mục 1.1.1. Khái niệm và chức danh cán bộ cơ sở. Nếu đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở huyện, tỉnh thì cần mở rộng bổ sung khái niệm cán bộ (Luật Cán bộ, công chức 2008), khái niệm công chức. Từ đó giảng viên cần chỉ ra điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
    Mục 3.2.2. Các tiêu chuẩn tuyển dụng người cho vị trí công việc Giảng viên có thể vận dụng những nội dung bổ sung về phương thức tuyển dụng.
    Mục 4.3. Xử lý vi phạm kỷ luật Giảng viên có thể vận dụng những nội dung bổ sung sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật; bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
    Bài 11. Một số vấn đề về cải cách hành chính ở cơ sở.
    Mục 2.1.2. Thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020
   Trong nội dung “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, giảng viên có thể vận dụng những điểm mới về phương thức tuyển dụng, nội dung bổ sung sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật; bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác; nội dung đổi mới trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để làm rõ hơn cho bài giảng. Ngoài ra, trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên; chuyên viên chính có thể vận dụng những điểm mới của Luật ....vào trong các chuyên đề: 3. Công vụ, công chức viên chức; 4. Đạo đức công vụ; 5. Cải cách hành chính nhà nước.
     Tóm lại, trên đây là một số nội dung cần chú ý để vận dụng một số điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 vào giảng dạy. Để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên cần nghiên cứu kỹ để bổ sung vào nội dung bài giảng cho phù hợp./.
                                                                                 ThS. Nguyễn Thị Oanh
                                                                    Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.