• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Suy nghĩ về văn hóa đọc của học viên tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ sáu - 29/12/2017 20:34

   Đọc sách là nhu cầu thiết yếu của con người để mở rộng và nâng cao kiến thức, tầm hiểu biết. Ngày nay hoạt động đọc sách đã được nâng lên tầm cao mới, với khái niệm Văn hóa đọc. Theo cách hiểu phổ biến nhất, về nghĩa rộng Văn hóa đọc được hiểu là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, ứng xử đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử đọc của mỗi cá nhân trong xã hội. Nghĩa hẹp, Văn hoá đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực ở đây gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Trong phạm vi bài viết, tác giả tìm hiểu Văn hóa đọc của học viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong theo nghĩa hẹp.
   Thói quen đọc được hiểu là một hoạt động hay mối quan tâm của con người liên quan đến việc đọc sách, báo, tài liệu có tính chất lặp lại nhiều lần nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của bản thân. Cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ. Theo thời gian, mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản.
   Thói quen và kỹ năng đọc mang tính chất đồng loạt, còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và thiên tư cá nhân); là sự hứng thú, thái độ ham thích đối với một đối tượng cụ thể, như: có người thích đọc thơ, có người thích đọc tiểu thuyết, có người thích đọc sách nghiên cứu, có người thích đọc sách khoa học kỹ thuật ... Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú cho nền Văn hoá đọc trong xã hội.
   Để Văn hóa đọc trở thành một chuẩn mực thì người đọc phải có kỹ năng đọc. Đây là phương thức giúp người đọc có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất; là khả năng hiểu, lĩnh hội và cảm thụ tác phẩm, biến tri thức, kinh nghiệm trong sách thành tri thức, kinh nghiệm của bản thân để có thể vận dụng sáng tạo trong đời sống thực tiễn. Kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy sau: 1. Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc. 2. Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết. 3. Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp). 4. Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc, khoảng cách giữa mắt và tài liệu…5. Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp...6. Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.
   Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của Văn hóa đọc, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong rất chú trọng đẩy mạnh phát triển Văn hóa đọc sâu rộng tới đội ngũ học viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu; giúp cho việc hoàn thiện tri thức, phát triển bản thân, làm giàu trí tuệ, giàu có tâm hồn. Trong giảng dạy, giảng viên luôn đặt yêu cầu đọc giáo trình, tài liệu tham khảo đối với học viên thông qua hoạt động thảo luận, bài tập nhóm. Thư viện của Nhà trường được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Số lượng đầu sách tăng từ  5.364 đầu sách (tháng 3/2014) lên 5.528 đầu sách (tháng 5/2017); chú trọng đa dạng về chủng loại sách, tập trung bổ sung các tài liệu mang tính cập nhật. Tuy nhiên, hiện nay độc giả đến thư viện tham khảo tài liệu ngày càng ít. Trước năm 2013, bình quân hàng năm thư viện phục vụ hơn 1.000 lượt bạn đọc. Năm học 2016-2017, thư viện chỉ đạt 583 lượt bạn đọc. Trong đó phần lớn học viên chỉ mượn đọc các tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp mẫu phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng trùng lặp tên đề tài, nội dung đề tài giữa các tiểu luận, khóa luận còn khá phổ biến. Các loại sách chính trị - xã hội ít được các độc giả quan tâm.
   Tình trạng trên có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong xã hội. Với thói quen “ăn xổi”, “chộp giật” những tri thức trên mạng khi cần có thể gõ vào trang công cụ tìm kiếm (ví dụ: trang Google, ..) để lấy thông tin về nên nhiều học viên thờ ơ, lười đọc sách, lười tìm kiếm những cuốn sách hay, mới, bổ ích cho môn học và thực tiễn đời sống; hoặc nhiều học viên chưa sắp xếp được thời gian rèn luyện hoạt động đọc sách do công việc bận rộn. Sự lệ thuộc vào tri thức trên mạng kèm theo những hệ lụy như tri thức không chính xác, tản mạn, không hệ thống, không rõ nguồn trích dẫn khiến việc tư duy và phương pháp học của con người trở nên thiếu khoa học và sự sáng tạo. Để góp phần nâng cao chất lượng Văn hóa đọc của học viên Nhà trường trong thời gian tới, tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:
   Để góp phần nâng cao chất lượng Văn hóa đọc của học viên Nhà trường trong thời gian tới, tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:
   Một là, nâng cao nhận thức của học viên đối với Văn hóa đọc. Nhà trường cần phải đẩy mạnh giáo dục, trang bị các kiến thức, kỹ năng đọc, thể loại đọc, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy trong Nhà trường, sử dụng các phương pháp học tập tích cực, tăng cường hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học viên. Ngoài ra, Nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Văn hóa đọc tới đông đảo học viên, như: hưởng ứng Ngày đọc sách Việt Nam 21/4; hoạt động giới thiệu sách mới…
   Hai là, nâng cao chất lượng Thư viện. Nhà trường cần xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu và cơ sở vật chất cho phòng đọc. Đẩy mạnh hoạt động phân loại và bổ sung thêm các tài liệu mới mang tính cập nhật để phục vụ nhu cầu đọc của Học viên. Thư viện Nhà trường cần có bàn đọc, đảm bảo đầy đủ ánh sách, không gian đọc sách cho học viên; xây dựng đề án thư viện điện tử và phát triển thư viện từ thư viện truyền thống lên thư viện điện tử, dần dần tiến tới hình thành thư viện số. 
   Ba là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên, các tổ chức đoàn thể trong Nhà trường để phát triển Văn hóa đọc.
   Cán bộ, giảng viên trong Nhà trường phải là những người tiên phong đến với thư viện để trước hết hình thành cho bản thân; sau đó là hình mẫu để xây dựng thói quen, khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học viên Nhà trường. Trong quá trình giảng dạy phải giúp học viên xác định mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống.
   Các tổ chức đoàn thể trong Nhà trường cần liên kết hoạt động với Thư viện để nâng cao hoạt động  tuyên truyền, giới thiệu sách cũng như phổ biến thông tin đến với học viên.
   Hy vọng Văn hóa đọc của học viên trong Nhà trường ngày càng được nhân rộng và phát triển, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ tương lai có đủ tài đức để góp phần phát triển quê hương, đất nước./.
                                                   ThS. Nguyễn Thị Oanh
                                     Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.