• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Phát huy vai trò nguời có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Thứ bảy - 30/09/2017 16:45

  1. Quan niệm người có uy tín và vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
   Người có uy tín là người được đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương tín nhiệm, tự nguyện đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có tác động chi phối, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương.
  Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bao gồm nhiều tầng lớp xã hội khác nhau như:
  - Những người tuổi đã cao, uy tín và ảnh hưởng của họ lan rộng toàn xã hội, tác động lớn nhất đến con cháu, dòng họ, một bộ phận quần chúng trong các tộc người thiểu số.
  - Những người tham gia hoạt động cách mạng nay đã nghỉ hưu, có hiểu biết về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức, có trách nhiệm với nhân dân và được nhân dân tín nhiệm, làm, nghe theo, giải quyết những vướng mắc, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
  - Những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ vì họ trực tiếp sống, làm việc cùng nhân dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, trực tiếp giải quyết những mâu thuẫn, đảm bảo sự đoàn kết trong bản, làng và dòng họ. Đồng thời họ có khả năng lôi kéo, tập hợp quần chúng trong quá trình cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống ở địa phương.
  - Một bộ phận khác hiện nay đang có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đó là những thanh niên trẻ có trình độ văn hóa hoặc bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, học xong trung cấp, cao đẳng, đại học ra trường chưa xin được việc hoặc không xin được việc vào các cơ quan nhà nước nhưng họ có hướng ở lại địa phương phát kinh tế, muốn thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng dân tộc thiểu số để thích nghi với điều kiện phát triển chung của xã hội hiện nay.
   Trong thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân các dân tộc thiểu số, là chỗ dựa tinh thần không chỉ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là chỗ dựa vững chắc của chính quyền địa phương. Họ có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn và đời sống địa phương. Qua đó, các mâu thuẫn, xích mích liên quan đến tranh chấp đất đai, khiếu kiện, vi phạm pháp luật như mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, hoạt động di dân tự do, truyền đạo trái phép có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Mặt khác, họ tích cực vận động người thân trong gia đình, dòng họ giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện công bằng xã hội, phát huy các phong tục tập quán tiến bộ, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không tham gia các tôn giáo xa lạ với truyền thống văn hóa của dân tộc mình; tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới.
   2. Thực trạng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng từ 2011 - 2016
   Cao Bằng là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, có trên 333km đường biên giới giáp Trung Quốc; có tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 6.724,6km2, đất nông nghiệp chiếm hơn 9%, đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối chiếm hơn 90%. Toàn tỉnh có 12 huyện và 01 thành phố, trong đó có 9 huyện biên giới; 5 huyện nghèo được thụ hưởng theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về "Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo"; có 199 xã, phường, thị trấn, trong đó có 137 xã đặc biệt khóa khăn, có 46 xã, thị trấn và 157 xóm sát biên giới. Dân số toàn tỉnh trên 52 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 95% (dân tộc Tày chiếm 40,97%, Nùng 31,08%, Mông 10,13%, Dao 10,08%, Lô Lô 0,47%, Sán Chỉ 1,39%, Hoa 0,03%, Kinh 5,76%, các dân tộc khác chiếm 0,09%). Các dân tộc cư trú xen kẽ trên địa bàn tỉnh các địa phương, tuy truyền thống văn hóa ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn giữ được phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.482 người có uy tín, trong đó dân tộc Tày 1.115 người (chiếm 44,92%), Nùng 816 người (chiếm 32,87%), Mông 208 người (chiếm 8,38%), Dao 274 người (chiếm 11,03%), Lô Lô 11 người (chiếm 0,44%), Sán Chỉ 31 người (chiếm 1,24%), dân tộc khác 27 người (chiếm 1,08%).
   Thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Ngày 22/3/2011 Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Trong 5 năm, từ 2011 - 2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 42 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị và 08 quyết định, 03 công văn hướng dẫn. Làm tốt việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín như tổ chức tập huấn nghiệp vụ 32 lớp cho 2.741 lượt người; cấp phát miễn phí báo Dân tộc và phát triển, báo địa phương, bản tin Công tác Mặt trận với 1,87 triệu tờ; thăm hỏi, tặng quà khi ốm đau 687 lượt, tặng quà nhân dịp tết Nguyên Đán được 95 lượt xóm, với 4.126 lượt hộ gia đình dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ tiêu biểu với số tiền 1,88 tỷ đồng; ngày lễ của các tôn giáo cho 9618 lượt với số tiền trên 3,84 tỷ đồng; hỗ trợ các gia đình người có uy tín gặp khó khăn hoạn nạn 760 hộ với số tiền trên 300 triệu đồng; tổ chức 04 hội nghị biểu dương khen thưởng hơn 1.200 lượt người có uy tín. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực đời sống xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, các phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn và phát huy như Tết cổ truyền, Tết Độc lập (2/9), các lễ hội truyền thống (như lễ hội Xuống đồng, Mừng cơm mới, Nàng Hai của dân tộc Tày; lễ phong chức, cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Chỉ…; các làn điệu múa, hát dân ca, các loại nhạc cụ dân tộc như hát Dá hai, Then, Sli Giang, Lượn của người Tày, Hà Lều của người Nùng, Khèn của người Mông; Kèn, Pí lè của người Dao…). Tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, quốc phòng, an ninh để giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của người dân tại cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 720 người có uy tín đang đảm nhiệm các chức danh cán bộ chủ chốt xóm, thành lập và duy trì hoạt động 2.472 tổ hòa giải cơ sở với trên 11.700 thành viên, đã hòa giải 3.210 vụ việc, trong đó 2.176 vụ việc hòa giải thành, 157/157 tổ tự quản xóm biên giới; phối hợp với lực lượng công an, quân đội triệt phá các vụ án hình sự liên quan đến ma túy; vận động nhân dân tự giác nộp trên 120 khẩu súng tự chế, vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ; 5.909 hộ/16.200 nhân khẩu ký cam kết tự quản đường biên, cột mốc. (Báo cáo số 131-BC/TU  của Tỉnh ủy Cao Bằng ngày 29/11/2016 về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 22/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc).
   Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì vẫn còn một số hạn chế như do đặc điểm, tâm lý của người dân tộc thiểu số ít nói, ngại va chạm; những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình làm kinh tế giỏi, kinh tế trang trại còn ít, chưa bền vững, chưa có sức lôi cuốn, còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, chưa thực sự vươn lên để thoát nghèo.
   3. Giải pháp phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới
   Để thực sự người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thiết nghĩ trong thời gian cần làm tốt các nội dung sau:
  Thứ nhất, Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể về tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tranh thủ, sử dụng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới Quốc gia
  Thứ hai, Kiên trì, vận động, tuyên truyền, thuyết phục người có uy tín là cầu nối tham gia cùng lực lượng Công an, chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, khôn khéo xử lý mọi tình huống một cách thận trọng và chắc chắn, linh hoạt tránh mất lòng nhân dân, tránh gây mâu thuẫn và xung đột.
  Thứ ba, Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hiểu biết quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người có uy tín vì đa số nhận thức và trình độ không đồng đều, ở vùng cao ít có điều kiện giao lưu, vốn sống, chủ yếu là do sự tích lũy qua nhiều năm lao động cần cù, chịu khó, kinh nghiệm trong sản xuất, đời sống hàng ngày đã tạo dựng uy tín cho họ trong làng, bản hoặc trong vùng nhất định. Vì vậy, nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội cũng như pháp luật là một yêu cầu cần thiết hiện nay đối với những người có uy tín của tỉnh.
  Thứ tư, Có chế độ, chính sách hợp lý đối với người có uy tín nhằm động viên, khuyến khích về vật chất, tinh thần, trợ cấp khi khó khăn, chính sách khám chữa bệnh, thăm quan, du lịch học tập kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi tại các địa phương khác, hướng dẫn cách làm ăn, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống… đây chính là những điều kiện tất yếu nhằm tạo điều kiện phát huy khả năng của họ.
   Có thể nói, trong những năm qua nhờ phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đảm bảo an ninh biên giới Quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hiện nay./.   
                                                                                 ThS. Trương Thị Phương
                                                                        Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.