• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nhìn nhận vấn đề việc làm của thanh niên nông thôn ở tỉnh Cao Bằng

Thứ sáu - 29/12/2017 20:31

   Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã có bước chuyển mình và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện về mọi mặt. Có được thành công đó không thể không kể đến sự góp sức đáng kể của lực lượng thanh niên trên cả nước, đó là lực lượng chủ chốt, chủ nhân tương lai của đất nước nước, rường cột của nước nhà để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước và địa phương.
   Ở nông thôn miền núi nước ta, diện tích khá rộng, dân số trong độ tuổi lao động chiếm phần lớn, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2016 ước tính là 54,4 triệu người, trong đó, khu vực nông thôn là 36,9 triệu người, chiếm 67,9%[1]. Hàng năm số người đến độ tuổi lao động được bổ sung trong đó lực lượng thanh niên chiếm khá lớn nên càng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Khu vực nông thôn miền núi thực tế người lao động chỉ sử dụng khoảng 80% thời gian làm việc; 20% thời gian còn lại nhàn rỗi, cùng với đó là quá trình đô thị hóa nên diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Kinh tế cơ bản là thuần nông, lao động theo thời vụ nên sau khi thu hoạch mùa màng, nhiều người không có việc làm, phần lớn phải đi tìm việc ở các đô thị và khu vực tập trung công nghiệp nhiều địa phương chỉ còn người già và trẻ em. Cao Bằng cũng nằm trong tình trạng đó nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
   Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 15/11/2012 của Ban Bí thư (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và sau 6 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020”. Các cấp cơ sở mở được 194 lớp với 6.998 đại biểu tham dự. Trong đó, tỉnh Đoàn Thanh niên tuyên truyền 915 buổi với 48.067 đoàn viên, thanh niên tham gia. Hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn qua các Phong trào “Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”. Kết quả các cấp bộ Đoàn và Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên tư vấn, hướng nghiệp cho trên 48.000 đoàn viên, thanh niên; đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 9.612 đoàn viên, thanh niên. Số lượng đoàn viên thanh niên tham gia lao động tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh tăng so với các năm trước. hiện nay có khoảng 15.000 đoàn viên thanh niên lao động tại các khu công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012 - 2016 là 23.570 người, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 918 là 9.426 người, số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề là 17.355 người[2]. Qua đó tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của đoàn viên thanh niên.
   Nhờ có đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội của Cao Bằng có bước chuyển biến rõ rệt, hạ tầng giao thông được cải thiện, nâng cấp, việc giao thương hàng hóa với Trung Quốc ngày càng phát triển. Các địa phương có các cửa khẩu đóng trên địa bàn góp phần tăng thu nhập đáng kể cho lao động tại chỗ do các hoạt động thương mại, dịch vụ tại các cửa khẩu mang lại, tạo nguồn thu lớn cho người dân địa phương, cuộc sống ngày càng thay đổi rõ rệt. Nhưng kéo theo đó một bộ phận không nhỏ thanh niên ở các xã nhất là các xã biên giới sa vào tệ nạn xã hội như nghiện hút ma túy, cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau,… Thêm vào đó là những tệ nạn mà một bộ phận lái xe đường dài "chở theo", gây bức xúc trong cộng đồng.
   Để cải thiện cuộc sống, những lúc nông nhàn nhiều thanh niên ra các đô thị và khu vực tập trung công nghiệp tìm việc làm, dẫn đến tình trạng dân số nơi đến tăng nhanh và tăng cao, tạo nên sự quá tải, gây nên những bức xúc về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế, làm nảy sinh nhiều tiêu cực ở các khu vực này. Mặt khác, việc di chuyển lao động tự phát nêu trên gây ra sự thiếu hụt lực lượng lao động trụ cột ngay trong từng gia đình và địa bàn dân cư, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế của các địa phương, gây khó khăn cho việc huy động nguồn lực và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, không ít sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không xin được việc làm. Tình trạng thiếu việc làm nhất là lực lượng thanh niên là một trong những nguyên nhân nảy sinh các tệ nạn xã hội, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội mà các thế lực xấu có thể lợi dụng chống phá nhất là các xã biên giới. Vì vậy, giải quyết tốt việc làm cho thanh niên ở các xã nông thôn miền núi hiện nay là vấn đề mang tính chiến lược, là đòi hỏi vừa lâu dài, vừa cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của nước ta.
   Để khắc phục tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên nông thôn miền núi cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
   Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần có chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên ở nông thôn miền núi, gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động phù hợp. Lao động nông thôn thiếu việc làm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là trình độ văn hóa thấp, lại không được đào tạo nghề nên lao động phổ thông là phổ biến. Để đẩy mạnh đào tạo nghề và đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho thanh niên ở nông thôn miền núi đang là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống và phải có sự tham gia của các cấp, các ngành, các lực lượng trong toàn xã hội. Trước hết, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân, nhất là lực lượng lao động trẻ có nhận thức đúng về học nghề, thay đổi quan niệm cũ là phải vào các trường đại học mới có việc làm, thu nhập đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Tận dụng những nghề truyền thống của địa phương để hướng nghiệp. Sau khi học xong, cần có sự hỗ trợ về vốn để họ có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Đối với lực lượng thanh niên, là lực lượng lao động lâu dài của xã hội, cần khuyến khích họ vào học tại các trường và trung tâm dạy nghề, đảm bảo có tay nghề vững, chuyên môn chắc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Các trường dạy nghề có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút và đào tạo nghề cho học viên.
   Đối với những thanh niên nghèo, không có điều kiện để học nghề, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí học nghề dưới hình thức phù hợp. Các trường dạy nghề của quân đội, bên cạnh đào tạo nghề cho quân nhân, tiếp tục nhận thanh niên bên ngoài vào đào tạo.
   Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách nhằm động viên, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào những nơi còn nhiều khó khăn, địa bàn xung yếu. Nhiều địa phương, nhất là các xã biên giới, những khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh, giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác, do còn thiếu đầu tư và thiếu lao động. Đây là những vùng còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có lực lượng lao động trẻ, khoẻ, nhiệt tình, trình độ, tâm huyết, gắn bó lâu dài với địa bàn. Bởi vậy, các địa phương cần có chính sách ưu đãi hợp lý về đất đai, vốn, ... phát triển kinh tế phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ địa bàn; có quy hoạch đồng bộ các yếu tố về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu như: đường giao thông, nhà ở, nước sinh hoạt, chợ, trạm y tế, trường học..., để những lao động đến đây có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản, yên tâm và gắn bó xây dựng địa bàn vững mạnh. Đồng thời, có chính sách thu hút lực lượng lao động ở các vùng, miền khác đến định cư, sinh sống, làm cho kinh tế địa phương phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò của các khu kinh tế cửa khẩu để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
   Thứ ba, bồi dưỡng, phát triển thu hút nguồn nhân lực cho địa phương. Hiện nay, trình độ chuyên môn kỹ thuật của thanh niên ở nông thôn rất hạn chế nên việc đào tạo và đào tạo lại trình độ văn hoá, ngành nghề chuyên môn cho lao động là rất quan trọng để góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chính sách tiền lương, thu nhập phụ cấp đầy đủ để kích thích những thanh niên có trình độ trở về với quê hương, nhất là lao động có chất xám cao để phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho lao động ở địa phương. Để giúp thanh niên lập thân lập nghiệp các tổ chức đoàn thể nhân dân liên quan nên triển khai nhiều mô hình, nhiều hoạt động giúp thanh niên chọn nghề, lựa chọn việc làm, tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên vay vốn theo các kênh để làm ăn, nâng cao thu nhập và làm giàu…. Đoàn cấp trên cần nắm rõ nguyện vọng của thanh niên ở các xã nông thôn miền núi, tư vấn kịp thời về lối sống nghề nghiệp và hỗ trợ các kỹ năng tham gia lực lượng lao động.
   Thứ tư, cấp ủy Đảng, chính quyền tại địa phương và các tổ chức đoàn thể nhân dân trên địa bàn cùng chung tay, góp sức, giúp đỡ và hỗ trợ thanh niên có hội tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ, năng lực góp phần cải thiện cuộc sống chính bản thân họ và làm giàu trên chính quê hương của mình bằng sức lực và trí tuệ của tuổi trẻ./.
   Tóm lại, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện nên mỗi địa phương dựa vào điều kiện thực tế của mình đề ra những kế hoạch, chính sách cụ thể thu hút lực lượng lao động tại chỗ để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
                                                        CN. Hứa Thị Kim Thoa
                         Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh



[1] Tổng cục Thống kê năm 2016
 
[2] Tài liệu Thông tin công tác Tuyên giáo dùng cho Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy Cao Bằng, tháng 11 năm 2017

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.