• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn thành phố Cao Bằng trong giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 24/09/2019 19:18

    Người khuyết tật là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm cho nhóm đối tượng này, qua đó huy động các nguồn lực xã hội giúp họ hòa nhập cộng đồng cũng như pháp huy tiềm năng của chính người khuyết tật. Khái niệm người khuyết tật được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 2, Luật Người khuyết tật năm 2010: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
    Cao Bằng là một tỉnh nghèo ở miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Những năm qua, thông qua việc thực hiện những chủ trương, chính sách đúng đắn, với sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp; việc chăm sóc, giúp đỡ cho người khuyết tật được thực hiện khá tốt. Dựa trên các văn bản pháp luật của Trung ương về người khuyết tật; Tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản pháp luật đối với người khuyết tật như Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 26/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc Ban hành Quy định phân cấp quản lý thực hiện bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; trẻ em dưới 6 tuổi, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 30/2016/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng quy định mức trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
    Riêng trên địa bàn thành phố Cao Bằng hiện nay có 571 người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong thời gian qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn thành phố Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến; nhận thức của người dân về công tác trợ giúp người khuyết tật có những thay đổi tích cực; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng cao. Thể hiện qua một số kết quả cụ thể như: 100% các xã, phường trên địa bàn đã thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật theo quy định, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận kịp thời các chính sách của Nhà nước. Phòng Y tế Thành phố phối hợp với Bệnh viện Thành phố, Trung tâm Y tế Thành phố triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, phục hồi chức năng cơ bản. Các trạm y tế xã, phường đã lập sổ theo dõi sức khỏe, tư vấn, khám bệnh, điều trị cho người khuyết tật. Các chính sách giáo dục, dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật được Thành phố cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Số người khuyết tật tham gia đi học nghề được hỗ trợ từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, với các nghề chủ yếu như thêu thổ cẩm, kỹ thuật làm hoa, thêu ren, làm chổi chít, chổi rơm...Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông Thành phố đã hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng như tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cho người khuyết tật; hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển tài năng về thể thao, văn hóa, nghệ thuật...
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định: Công tác tuyên truyền, vận động, quản lý ở một số đơn vị còn yếu kém, hiệu quả chưa cao. Trên địa bàn Thành phố chưa có trung tâm, trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Đời sống người khuyết tật còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình người khuyết tật thuộc hộ nghèo...Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn xuất phát từ một bộ phận người khuyết tật còn tự ti, mặc cảm về bệnh tật nên không phối hợp với ngành chức năng trong việc điều trị, phục hồi chức năng; thủ tục hành chính để người khuyết tật lập hồ sơ hưởng chính sách an sinh xã hội còn phức tạp; ngân sách bố trí thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật còn hạn hẹp.
    Trường Chính trị Hoàng Đình với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động giảng dạy, các giảng viên thường xuyên lồng ghép các văn bản của tỉnh, kết quả đạt được trên địa bàn thành phố về công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật vào các bài giảng (Ví dụ lấy số liệu minh họa thực tế cho Bài 6 Học phần III.2: Quản lý hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế). Qua đó, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của học viên về công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, góp phần hình thành những hành động thiết thực của học viên tại đơn vị hoặc địa phương nơi đang công tác.
    Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn thành phố Cao Bằng trong giai đoạn hiện nay, tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau:
    Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền của Thành phố; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị chặt chẽ đồng bộ; tạo sự đồng thuận của cộng đồng địa phương trong việc thực hiện các chương trình, chính sách an sinh xã hội, chăm sóc, giúp đỡ đối với người khuyết tật.
    Hai là, từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách về an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin cho các cấp quản lý nhanh nhạy, kịp thời, chính xác.
    Ba là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo và thực hiện, cán bộ xã, phường trực tiếp làm công tác an sinh xã hội tại cơ sở. Báo cáo kết quả công tác hàng năm của cấp ủy và chính quyền các cấp của Thành phố phải có nội dung về thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người khuyết tật.
    Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách dành cho người khuyết tật; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về người khuyết tật.
    Năm là, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách an sinh xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn thành phố phù hợp, bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, đơn giản và hiệu quả - vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước.
    Sáu là, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an sinh xã hội đối với người khuyết tật tại 11 xã, phường trực thuộc Thành phố nhằm nâng cao năng lực thực thi chính sách đối với người khuyết tật của cấp cơ sở và của Thành phố.
    Có thể thấy rằng, những thành tựu về thực hiện chính sách xã hội, chăm sóc, giúp đỡ đối với người khuyết tật trên địa bàn Thành phố thời gian qua thể hiện sự nỗ lực, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật tại địa phương./.
                                                               ThS. Hoàng Ngọc Mai
                                               Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật


 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.