• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một vài kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị về gắn lý luận với thực tiễn ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ sáu - 29/12/2017 20:36

   Lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử, tiêu chuẩn của một lý luận khoa học là nó phản ánh đúng bản chất qui luật của đối tượng nhận thức và phải được khái quát thành một hệ thống bao gồm các khái niệm phạm trù nhất định. Lý luận giữ vai trò định hướng chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất.
   Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có tính xã hội - lịch sử của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Với ý nghĩa đó, thực tiễn có vai trò là cơ sở, là điểm xuất phát, là động lực cho sự phát triển của lý luận, đồng thời cũng là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm sự chính xác của lý luận.
   Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý luận chính trị là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm thống nhất về tư tưởng, ý chí, phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy vào cuộc sống. Do đó, gắn lý luận với thực tiễn trong giáo dục lý luận chính trị là nguyên tắc cơ bản.
   Đối với người dạy, Người căn dặn: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng để giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế…, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình”[1].
   Đối với người học, Người dạy: “Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập tinh thần xử trí mọi việc đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những nguyên lí phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta. Học để làm, lý luận đi đôi với thực tiễn”[2]. Ngắn gọn mà đầy đủ, sâu sắc, Người đã yêu cầu giáo dục lý luận chính trị phải biết gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, công tác.
   Như vậy, theo Người, trong việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị đều hướng tới một mục tiêu là để “phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng”.
   Từ thực tiễn giảng dạy, để kết hợp một cách có hiệu quả việc giảng dạy lý luận chính trị gắn với thực tiễn, tôi xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm:
   Thứ nhất, giảng viên phải nắm vững các nội dung lý luận mà mình đảm nhiệm giảng dạy, để qua đó có sự lựa chọn đúng thực tiễn làm ví dụ. Cần lưu ý rằng, không phải tất cả các nội dung lý luận trong bài giảng đều cần có liên hệ thực tế, mà chỉ ở những vấn đề gì quan trọng, cần thiết nhấn mạnh, phân tích nội dung khó hiểu làm tăng thêm tính thuyết phục cho người học.
   Thứ hai, nắm vững lý luận giúp giảng viên lựa chọn được loại kiến thức thực tiễn nào, ở mức độ nào thì phù hợp với nội dung bài giảng. Như chúng ta biết, thực tiễn rất rộng, đa dạng và phong phú, như Hồ Chủ tịch đã nói : “Thực tế của chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta giải quyết. Thực tế bao gồm rất rộng. Nó bao gồm kinh nghiệm công tác tư tưởng của cá nhân, chính sách và đường lối của Đảng cho đến các vấn đề trong nước và trên thế giới. Đó là những thực tế mà chúng ta cần liên hệ …”..  Một vấn đề lý luận có thể có nhiều hiện tượng, hoạt động thực tiễn để liên hệ, phân tích, chứng minh; và một bài giảng cần gắn lý luận với thực tiễn không chỉ một, hai lần. Do đó để tránh sự trùng lặp, đơn điệu cũng như để các liên hệ thực tiễn đưa vào bài giảng sát, phù hợp với những vấn đề lí luận định làm rõ, chứng minh thì nhất thiết giảng viên phải nắm vững kiến thức lý luận của từng tiết, mục, từng bài và toàn bộ nội dung mà mình đảm nhiệm.
   Thứ ba, giảng viên phải thường xuyên bám sát thực tiễn. Kết hợp các phương thức khác nhau để tiếp cận với các hình thức, các mức độ của thực tiễn. Ví dụ: đi thực tế cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp…), gặp gỡ trao đổi với cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ, đến với các tổ chức công đoàn cơ sở gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân; thăm quan các các mô hình lao động sản xuất, để có thực tiễn trực tiếp sinh động, thời sự. Hoặc tích cực khai thác thông tin ở các phương tiện thông tin đại chúng (đài, sách, báo, tạp chí, Internet,…) để có thực tiễn đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích.
   Thứ tư, giảng viên phải thường xuyên nghiên cứu các tài liệu chính thống, nhất là các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng,…đây là dạng thực tiễn có độ tin cậy cao, vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát giúp giảng viên có các ví dụ đúng và trúng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
   Thứ năm, nắm bắt được đối tượng học viên. Cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại các lớp học vùng thành phố, vùng đồng, không thể đồng nhất với các lớp mà đối tượng học chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên thế hệ trẻ, không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng.
    Thứ sáu, phải đảm bảo tính khoa học khi đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng, đó là: yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải có tính điển hình, tính thời sự, tính chính xác, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp nội dung lý luận đang cần được phân tích chứng minh.
     Tóm lại, trong giảng dạy lý luận chính trị việc gắn lý luận với thực tiễn là một yêu cầu không thể thiếu đối với các giảng viên ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong trong quá trình giảng dạy nhằm để nâng cao chất lượng bài giảng. Một vài kinh nghiệm được chia sẻ trên đây chưa thể gọi là đầy đủ, rất mong đồng chí, đồng nghiệp tiếp tục chia sẻ thêm kinh nghiệm để bài giảng của mỗi giảng viên thêm phần sinh động và đạt kết quả cao./.
                                                                      CN. Tô Quang Hải
                                     Trưởng Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 1995 tập 8, tr 492
[2] Sđd, tập 9,tr 292

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.