• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Thứ hai - 01/07/2019 13:25

   Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá, kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo của cha ông để lại và thường gắn với đặc trưng văn hóa mỗi địa phương. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc trên địa bàn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc.
   Nguyên Bình là một huyện vùng cao, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, với số lượng phong phú về di tích lịch sử, văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 di tích đã được xếp hạng, gồm 01 di tích Quốc gia đặc biệt, 01 di tích cấp Quốc gia và 09 di tích cấp tỉnh, cụ thể: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (Khu rừng Trần Hưng Đạo); Di tích lịch sử cấp Quốc gia (Di tích lịch sử cách mạng hang Kéo Quảng), Di tích lịch sử cấp tỉnh gồm (Danh lam thắng cảnh Phja Oắc - Phja Đén, Di tích lịch sử đền Ông Búa, Di tích lịch sử văn hóa địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và quan sát Mỏ Thiếc Tĩnh Túc - Địa điểm cán bộ, công nhân và nhân dân các dân tộc Mỏ Thiếc đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ngày 15/9/1958, Di tích lịch sử cách mạng Lũng Tàn, Di tích lịch sử cách mạng Tổng Ngần, Di tích lịch sử văn hóa- nền nhà ông Dương Mạc Thạch, Di tích lịch sử cách mạng địa điểm mở lớp huấn luyện quân sự Khuổi Cọ, Di tích lịch sử hang Nà Khoang - Thẳm Loỏng).
   Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Nguyên Bình nói riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 2795/QĐ-UBND ngày 08/12/2008 về ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Kế hoạch số 339/KH-UBND ngày 06/3/2009 về việc thực hiện quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. 
   Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, Ủy ban nhân dân huyện Nguyên Bình đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 18/01/2010 về việc thành lập các tổ chức quản lý di tích đã được xếp hạng và giao cho UBND các xã, thị trấn có di tích lịch sử thành lập tổ quản lý di tích. Đây là những cơ sở quan trọng để huyện thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử.
   Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện Nguyên Bình đã đạt được nhiều kết quả to lớn góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử nói riêng, giá trị văn hóa trên địa bàn nói chung. Các chương trình phát triển du lịch của huyện đều được xây dựng trên cơ sở bảo tồn tính nguyên vẹn và gìn giữ tối đa giá trị lịch sử văn hoá của các khu, điểm di tích. Huy động được nhiều nguồn vốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc trùng tu, tôn tạo khu di tích. Công tác quản lý, bảo vệ, vệ sinh môi trường và phát huy giá trị của di tích được thực hiện thường xuyên và liên tục.
    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết như: Các khu di tích lịch sử của huyện còn nhiều hạng mục chưa được đầu tư, sửa chữa, chưa tương xứng với giá trị lịch sử và văn hóa của di tích; tinh thần trách nhiệm của một số tổ quản lý còn chưa cao; ý thức của một số ít người dân về bảo vệ di tích chưa tốt; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động để phục vụ công tác quản lý các khu, điểm di tích của huyện và các xã, thị trấn còn hạn hẹp; công tác tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích bằng nguồn xã hội hóa không nhiều; điều kiện khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh cũng làm cho các di tích bị xuống cấp, hư hại.
     Còn tồn tại những hạn chế trên là do: Nhận thức về trách nhiệm đối với việc bảo vệ di tích của một bộ phận người dân chưa tốt; công tác thu hút đầu tư, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả chưa cao; kinh phí để thực hiện hoạt động tôn tạo và phục hồi di tích còn hạn chế; năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý di tích tại địa phương còn yếu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đa số các di tích nằm ở những vùng xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, do đó công tác quản lý và phát huy giá trị di tích còn gặp nhiều bất cập.
     Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Nghị quyết 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển Văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước" đồng thời thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện Nguyên Bình, thiết nghĩ, thời gian tới huyện cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
      Một là, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa. Chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
       Hai là, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên hiểu được giá trị, ý nghĩa của các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ các giá trị của di tích bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tại khu di tích, kết hợp giữa nhà trường với bảo tàng và di tích, gắn việc học tập tại trường với học tập ngoại khóa tại khu di tích cho học sinh trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Nguyên Bình nói riêng. Có như vậy mới khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.
       Ba là, huyện cần tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.
       Bốn là, bố trí lực lượng chuyên môn thường trực tại các điểm di tích đồng thời tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn khách tham quan tại các điểm di tích không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng ứng xử và vốn ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu cho khách tham quan.
       Năm là, tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan chức năng. Huyện phải thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, phát hiện biểu dương những tổ chức, cá nhân tích cực, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến di tích.
       Di tích lịch sử có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống. Bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hóa trên địa bàn huyện Nguyên Bình là việc làm thiết thực, thường xuyên gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đồng thời giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã đề ra./.
                                                                                CN. Lê Thị Thư
                                                                   Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.