• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Đôi điều suy nghĩ về tổ chức thi vấn đáp ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng

Thứ tư - 15/11/2017 08:43

   Thực hiện chủ trương của Ban giám hiệu Trường chính trị Hoàng Đình Giong về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận trong tình hình mới, việc tổ chức các hình thức thi hết học phần, thi tốt nghiệp đã có những thay đổi quan trọng theo hướng tích cực nhằm đánh giá một cách khách quan kết quả học tập của học viên. Một trong những thay đổi đó là việc tổ chức thi vấn đáp hết học phần đã được thực hiện ở  khoa Xây dựng Đảng và khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
   Thực tế cho thấy, mỗi hình thức thi như tự luận, trắc nghiệm hay vấn đáp đều có một mục tiêu chung là đánh giá đúng kết quả học tập của học viên và qua đó, có thể đánh giá kết quả giảng dạy của giảng viên. Mỗi hình thức thi điều có những điểm mạnh và hạn chế.
   Đối với hình thức thi vấn đáp có những điểm mạnh không thể phủ nhận:
   Thứ nhất, bộ câu hỏi dàn đều trên tất cả các môn học của học phần, đòi hỏi học viên phải ôn tập trên tất cả các môn học, giúp tránh được hiện tượng học lệch, học tủ hoặc chỉ học phần kiến thức do giảng viên hướng dẫn ôn tập.
   Thứ hai, thi vấn đáp là dịp để học viên thể hiện những kiến thức mình có, củng cố khả năng nói, tránh tình trạng lúng túng khi phải trình bày một vấn đề nào đó trước đông người.
   Thứ ba, khi trả lời câu hỏi, những kiến thức còn thiếu, chưa chính xác, chưa đúng nội dung của câu hỏi, giảng viên có thể gợi ý, hướng dẫn học viên thay đổi cách tư duy, tập trung vào nội dung cơ bản của vấn đề cần trình bày, qua đó góp phần củng cố kiến thức cho học viên.
   Thứ tư, giúp học viên hiểu rõ bản chất của vấn đề cần trình bày qua liên hệ với thực tiễn công tác của bản thân.
   Thứ năm, giúp giảng viên nắm vững kiến thức qua hệ thống các câu hỏi, cách gợi ý trả lời cho học viên. Giảng viên có cơ hội để kiểm tra độ tin cậy của câu hỏi; tính chính xác, tính khoa học của đáp án để tiếp tục bổ sung bộ câu hỏi cho đầy đủ và hoàn thiện hơn. Mặt khác, qua việc hỏi thi vấn đáp có được kết quả nhanh, khách quan, giúp cho việc thống kê điểm thuân lợi, dễ dàng hơn; giảng viên có thể trực tiếp đánh giá kết quả giảng dạy của mình, qua đó rút ra kinh nghiệm trong quá trình lên lớp.
   Tuy nhiên, thi vấn đáp cũng có những hạn chế cụ thể như sau:
   Một là, do đối tượng học viên đều là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, cán bộ cấp cơ sở phải vừa học vừa làm, do đó số lượng câu hỏi quá nhiều sẽ gây khó khăn cho học viên khi ôn tập.
   Hai là, một số học viên do đặc thù công việc, chưa có kỹ năng thuyết trình trước đông người, còn lúng túng khi trả lời nội dung kiến thức yêu cầu, dẫn đến kết quả thi không được như mong đợi;
  Ba là, giảng viên trực tiếp chấm điểm nên không tránh khỏi tính chủ quan khi đánh giá câu trả lời của học viên.
  Với những điểm mạnh và hạn chế nêu trên, có thể khẳng định, thi vấn đáp là một hình thức thi thích hợp, có thể áp dụng phổ biến đối với đối tượng học viên các lớp Trung cấp lý luận  - hành chính. Để tổ chức thực hiện thi vấn đáp đạt được kết quả cao, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm sau:
   Về xây dựng bộ câu hỏi:
   Thứ nhất, xây dựng bộ câu hỏi phải căn cứ vào đối tượng học (là học viên cấp cơ sở hay cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, huyện, thành phố),  giảng viên có thể xác định dung lượng kiến thức trong mỗi câu hỏi nhiều hay ít; khó hay dễ. Chính vì vậy việc xây dựng bộ câu hỏi thi vấn đáp cần được xây dựng trên cơ sở có sự phân tích đối tượng học viên để hình thành bộ câu hỏi phù hợp. Mặt khác, kinh nghiệm cho thấy, giảng viên cần chuẩn bị tốt các câu hỏi phụ gắn với thực tiễn công tác của mỗi học viên để hỗ trợ, gợi ý học viên khi hỏi.
  Thứ hai, khi đã hình thành bộ câu hỏi, khoa chủ quản cần phải thông qua Hội đồng khoa học của Trường để thẩm định lượng kiến thức, đánh giá tính chính xác, tính khoa học và sự phù hợp của bộ câu hỏi với đặc thù của môn học, phần học và đặc thù của mỗi lớp học.
  Thứ ba, Giảng viên được phân công hướng dẫn ôn thi phải phổ biến câu hỏi và hướng dẫn cách trả lời trong thi vấn đáp. Làm tốt được điều này sẽ hỗ trợ cho học viên trong quá trình ôn thi và chuẩn bị tốt tâm lý khi thi.
   Về tổ chức thực hiện:
  Thứ nhất, việc hình thành hội đồng thi là rất quan trọng, trên thực tế việc lựa chọn hội đồng thi thường được khoa chủ quản đề nghị và Ban Giám hiệu phê duyệt. Việc lựa chọn các thành viên trong Hội đồng thường là các giảng viên trực tiếp xây dựng bộ câu hỏi và tham gia giảng dạy học phần đó.
  Thứ hai, Khoa chủ quản có trách nhiệm phối hợp với Phòng Đào tạo của Nhà trường xây dựng lịch ôn thi, lịch thi, địa điểm thi cho mỗi học phần với thời gian, địa điểm thích hợp.
   Thứ ba, Khoa chủ quản có trách nhiệm chuẩn bị đề thi, bảo mật đáp án và chuẩn bị giấy nháp cho học viên khi thi.
   Thứ tư, giảng viên cần chuẩn bị tốt tâm lý khi hỏi thi, cần có thái độ hòa nhã, sẵn sàng chia sẻ đối với học viên khi hỏi thi; cần chuẩn bị tốt kiến thức để có thể gợi ý làm rõ các vấn đề còn vướng mắc cho học viên khi hỏi thi.
   Đối với học viên:
   Để làm tốt một bài thi vấn đáp, học viên phải nắm được có bao nhiêu câu hỏi và lượng kiến thức phải học. Tập trung đọc thật kỹ các câu hỏi, hiểu câu hỏi và biết phạm vi kiến thức cần trả lời, đây là một yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sự thành công khi thi vấn đáp. Dành thời gian để chuẩn bị câu trả lời.
   Để khắc phục tình trạng mất tự tin cần phải tập dượt trước bằng cách học viên hãy nhờ một ai đó đóng vai người hỏi và mình là người trả lời. Đừng ngại khi phải thừa nhận kỹ năng giao tiếp, thuyết trình của mình không tốt.
   Học viên cần có thái độ nghiêm túc khi thi vấn đáp, tránh suy nghĩ học qua loa, học tủ.
   Đến ngày thi, học viên cần chú ý những điều dưới đây:
   Sau khi bốc thăm câu hỏi, học viên có thời gian để chuẩn bị câu trả lời. Hãy cố gắng tận dụng thời gian này để nhớ và ghi lại câu trả lời ra giấy. Cố gắng viết càng chi tiết càng tốt, làm như vậy khi lên vấn đáp học viên sẽ cảm thấy tự tin hơn vì đã có một lượng kiến thức để trả lời.
    Phải luôn luôn tự tin khi trả lời câu hỏi, nói rõ ràng, nói theo cách hiểu và nghĩ của mình. Khi trình bày, học viên nên nhìn vào người đối diện, không nên cúi mặt hay nhìn đi chỗ khác, cần thể hiện sự tôn trọng của mình đối với giảng viên và tập trung vào việc trả lời câu hỏi với thái độ nghiêm túc.
   Với những câu hỏi phụ mà giảng viên hỏi thêm để kiểm tra kiến thức, học viên cần hãy tập trung trả lời, vận dụng hết những kiến thực được học để liên hệ với thực tế công việc.
    Tóm lại, thi vấn đáp là một hình thức thi khá phổ biến ở bậc đại học, tuy nhiên ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, hình thức thi này mới chỉ được thực hiện ở hai khoa: Khoa Xây dựng Đảng và khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thời gian chưa lâu. Chắc chắn rằng, những suy nghĩ, chia sẻ của người viết mới chỉ là những kinh nghiệm ban đầu của việc tổ chức thực hiện thi vấn đáp đối với các phần học. Rất mong sự chia sẻ, góp ý của đồng chí, đồng nghiệp để bài viết được hoàn thiện hơn nhằm góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới./.  
 
                                                    CN. Tô Quang Hải
                      Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
                                                                  

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.